Tạp chí điện tử Saostar
Đến tin mớiTin Mới Đến tin hotTin Hot
Nhập từ khoá tìm kiếmTìm kiếm
Sắc màu cuộc sống

Cô gái mù bị cô giáo từ chối nhận học trở thành sinh viên đại học Top đầu

"Mình nhớ mãi câu nói của một cô giáo mầm non khi mẹ đưa mình ra đó xin học. Đó là "Sẽ không có trường nào nhận người mù"”, cô gái mù kể.

Một ngày đầu đông, chúng tôi có cuộc hẹn với cô gái mù Vũ Thị Hải Anh (SN 2000, quê ở Nam Định) - sinh viên năm 2 của trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn, Đại học Quốc gia Hà Nội. Cô sở hữu nước da trắng trẻo, vóc dáng cao ráo cùng vẻ dịu dàng.

Nhưng ít ai biết rằng, Hải Anh từng có một tuổi thơ cơ cực, suýt không được đến trường chỉ vì khiếm khuyết của bản thân: không thấy ánh sáng mặt trời. 

Ám ảnh câu nói "Sẽ không có trường nào nhận người mù" 

Hải Anh sinh ra trong gia đình có hoàn cảnh khó khăn khi bố mẹ là công nhân nhà máy dệt, phải nghỉ việc giữa chừng vì 2 con đều bệnh tật. Cô kể, khi anh trai sinh được 3 ngày đã đi bệnh viện cấp cứu. Từ đó bố mẹ cô ở viện nhiều hơn ở nhà. "Anh trai mình năm nay 28 tuổi, sức khỏe rất yếu do mắc bệnh suy tuyến giáp, đã phẫu thuật nhiều lần. Giờ anh vẫn phải thường xuyên đến viện lấy thuốc về điều trị bệnh. 

Còn bố mẹ mình đã lớn tuổi, sức khoẻ ngày càng yếu hơn. Bố từng phẫu thuật cắt bỏ 2/3 dạ dày. Còn mẹ mới gặp biến cố hồi đầu năm, mới phục hồi được vài tháng nay", Hải Anh rơi nước mắt. 

Sau đó, cô nàng nghẹn ngào cho biết thêm bản thân bị khiếm thị bẩm sinh. Từ nhỏ cô đã ý thức được số phận và hoàn cảnh của mình nên nỗ lực sống, bước tiếp về tương lai dù chẳng thấy ánh sáng mặt trời. 

Lên 4 tuổi, Hải Anh nghe các bạn trong xóm khoe được đi học mẫu giáo cũng háo hức ngày tựu trường. Cô bảo mẹ ra trường xin cho cô đi học nhưng bị từ chối thẳng thừng. "Mình nhớ mãi câu nói của một cô giáo mầm non khi mẹ đưa mình ra đó xin học. 

Đó là "Sẽ không có trường nào nhận người mù". Câu nói đó ăn sâu, bám chặt trong tâm trí mình đến bây giờ”, Hải Anh nhớ lại. 

Cô gái mù bị cô giáo từ chối nhận học trở thành sinh viên đại học Top đầu Ảnh 1
Vũ Thị Hải Anh hiện là sinh viên năm 2 của trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn, Đại học Quốc gia Hà Nội.

Khi ấy, Hải Anh còn nhỏ nhưng đã cảm nhận rõ sự phân biệt giữa người bình thường và khuyết tật. Cô tức giận nhưng không biết phải làm như thế nào, chỉ im lặng.

Cũng vì lời nói ấy, Hải Anh từ một đứa trẻ vui vẻ trở nên cáu gắt, sợ đến nơi đông người, không thích tiếp xúc với người lạ. Cô sợ bản thân sẽ bị tổn thương, chê bai thêm một lần nữa. 

Bố mẹ Hải Anh thương con nên luôn động viên ra ngoài cho thoải mái đầu óc. Nhưng vết thương kia vẫn hằn mãi khiến cô không thể nào quên câu nói vô tình của cô giáo mầm non. Cô cứ khép kín, sống trong thế giới của riêng mình. 

Sau này, nhờ ông nội, cô gái biết đến các chương trình của Đài Tiếng nói Việt Nam. Từ đó, cô khám phá cuộc sống qua những âm thanh và bắt đầu tìm lại hy vọng sống. 

"Mẹ thấy mình không được đến trường nên mày mò học rồi dạy chữ nổi cho mình. Mẹ còn dạy mình làm việc nhà, như nấu cơm, gọt hoa quả, khâu quần áo... Mẹ cũng dạy mình cách phản xạ bằng cách lắng nghe âm thanh. Nhờ đó 5 tuổi, mình đã biết nấu cơm, giặt quần áo và xách nước cho cả nhà dùng", Hải Anh tâm sự. 

Cô gái mù bị cô giáo từ chối nhận học trở thành sinh viên đại học Top đầu Ảnh 2
Hải Anh từng có một tuổi thơ cơ cực, bị chế giễu vì mắt không thấy gì.

Thấy con gái nỗ lực và hiểu chuyện, người mẹ càng không cam lòng. Bà đi khắp vùng tìm trường cho con. Năm 2013 - Hải Anh 13 tuổi, bà biết đến trường Nguyễn Đình Chiểu (nơi dạy hòa nhập cho trẻ khiếm thị tại Hà Nội - PV) nên tìm mọi cách để xin cho con được học ở đó. Bà cũng đồng hành con trong chặng đường tìm con chữ và tri thức. 

"Mẹ đưa mình lên trường và ở lại 3 ngày. Lúc đó mẹ tranh thủ hướng dẫn mình đường đi lối lại, cách ăn ở và sinh hoạt nội trú. 

Mẹ về, mình hoàn toàn tự lập, tự mày mò tập xác định hướng đi và làm quen với môi trường mới. May mắn mình thích nghi sớm với cuộc sống tập thể, có bạn bè, thầy cô giúp đỡ nên ổn định việc học", cô gái khiếm thị nói. 

Trở thành sinh viên ngành Quan hệ Công chúng 

Mỗi lần nhắc đến mẹ, Hải Anh đều tự hào xen nỗi xót xa. Cô thừa nhận mẹ là người ảnh hưởng nhất trong cuộc đời cô.  Bà không chỉ  chăm sóc, là điểm tựa vững chắc mà còn là người luôn động viên cô vượt qua những khó khăn. Những lời động viên, sự kiên trì không mệt mỏi của bà đã truyền cho con gái sức mạnh để tiếp tục. 

"Mình chỉ nghĩ rằng mẹ đã làm tất cả để mình được đến trường, vậy mình phải học cho ra học. Mình có thể không học giỏi nhưng phải cố gắng học hết sức. Bởi mình biết bố mẹ và anh trai rất kỳ vọng vào mình. Mình giống như sợi dây hi vọng duy nhất của bố mẹ. 

Hơn nữa, mình tự ý thức được việc chỉ có học mới giúp bản thân thực hiện được ước mơ và thay đổi cuộc đời, số phận", Hải Anh bộc bạch. 

Cô gái mù bị cô giáo từ chối nhận học trở thành sinh viên đại học Top đầu Ảnh 3
Hải Anh dù khiếm thị nhưng học rất giỏi, đạt nhiều thành tích trong học tập.

Hải Anh dù gặp khó khăn trong sinh hoạt, đi lại nhưng học rất giỏi, nhất là các môn xã hội. Trong nhiều năm, cô đạt nhiều thành tích, giải thưởng như Đại sứ Văn hóa Đọc Thủ đô năm 2019, Giải đặc biệt trong cuộc thi viết thư quốc tế UPU lần thứ 48 năm 2019, Giải nhất cuộc thi ảnh "Thật Tự Hào Tôi Cùng Bạn Vượt Rào" do UNDP tổ chức năm 2019. Năm 2022, cô là 1 trong 50 thanh niên khuyết tật tiêu biểu của cả nước... 

Năm 2023, Hải Anh nộp hồ sơ vào ngành Quan hệ Công chúng của trường Đại học Khoa học xã hội và Nhân văn, Đại học quốc gia Hà Nội. Cô tâm sự, ban đầu cô định hướng bản thân theo ngành báo chí. Nhưng trong thời gian tham gia các dự án thay đổi nhận thức của cộng đồng về người khuyết tật, cô đã nhận ra nếu học báo chí, có nhiều kỹ năng sẽ khó đáp ứng do là người khiếm thị hoàn toàn. 

Trong khi đó, ngành Quan hệ Công chúng vẫn giúp Hải Anh học các kỹ năng cần thiết, đồng thời có nhiều cơ hội nghề nghiệp đa dạng hơn. Sau một năm học, cô vui mừng vì lựa chọn này là đúng. 

Cô gái mù bị cô giáo từ chối nhận học trở thành sinh viên đại học Top đầu Ảnh 4
Cô nàng từng tham gia nhiều dự án dành cho người khiếm thị.

Tuy nhiên, việc học đại học cũng là một thử thách lớn đối với Hải Anh. Bởi ở Việt Nam thiết bị hỗ trợ cho người khiếm thị rất hạn chế. Cô không thể tiếp cận được khoảng 90% giáo trình và tài liệu nên phải nhờ sự giúp đỡ từ thầy cô, bạn bè. Ngoài ra, đường sá và giao thông cũng không thuận tiện cho người khiếm thị, khiến việc di chuyển hàng ngày của cô trở nên khó khăn hơn. 

"Mình ở Hà Nội một mình nên không có ai hỗ trợ trong việc đến trường. Mình thường tự đi bằng xe bus hoặc xe công nghệ. Còn ở trường, mình được thầy cô và các bạn hỗ trợ, giúp đỡ rất nhiều", Hải Anh nói. 

Thương bố mẹ ốm đau, anh trai không có công việc ổn định nên gần 10 năm nay, ngoài giờ học, Hải Anh phải làm thêm nhiều công việc để kiếm tiền trang trải cuộc sống. Dù vất vả, cô vẫn cố gắng hết sức để có thể duy trì việc học và tiếp tục theo đuổi ước mơ của mình. 

"Mình luôn nghĩ bản thân sinh ra đã thiệt thòi nên phải cố gắng hết sức. Khi khó khăn, mình cũng muốn từ bỏ nhưng nghĩ đến bố mẹ, nghĩ đến hành trình vừa qua lại cố gắng và kiên cường. Mình tin rằng dù đôi mắt không thấy ánh sáng nhưng khi ta không dừng lại thì sẽ tìm ra đường đi cho riêng mình", cô gái khiếm thị tâm sự.

Copy Link
Chia sẻ

Bài viết Khai Tâm

Được quan tâm

Tin mới nhất