Đó là Nguyễn Thị Thùy Dương, ngụ ấp 6, xã Phương Thịnh, H.Cao Lãnh, Đồng Tháp. Ở tuổi thanh xuân nhưng hình hài Dương như học sinh tiểu học. Căn bệnh quái ác cô mang từ bé là ly thượng bì bóng nước, đến nay chưa có thuốc đặc trị.
Từng ngày trôi qua, mái tóc rụng hết, các cơ chi 2 bàn tay và cơ chi 2 bàn chân của Dương bị co rút dần, chỉ còn lại các cùi tay, cùi chân.
Video: Rơi nước mắt nhìn cô gái lở loét khắp người hiến tiền của mạnh thường quân xây cầu giúp mọi người
Dương kể năm 2015, khi đến Bệnh viện Da liễu TP.HCM điều trị, nhiều người thấy Dương da thịt bị bong tróc nên tới an ủi, trò chuyện. Sau đó, rất nhiều người dúi tặng Dương tiền để trị bệnh. Lặng người khi xem lại số tiền trên trăm triệu đồng, Dương hỏi các bác sĩ về bệnh tình và được tư vấn căn bệnh này rất khó trị dứt. Về quê nhà, Dương suy nghĩ rất nhiều.
“Con người sinh ra rồi cũng như cây cỏ đi vào lòng đất, nếu đã mang bệnh nan y thì số tiền kia đem đi trị bệnh cũng chẳng lành được. Mang trả tiền lại những người tốt bụng thì biết tìm họ ở đâu, bởi ngay cả cái tên của họ mình còn không biết”, Thùy Dương bày tỏ.
Dương tâm sự, khi biết em bệnh nặng, rất nhiều người không quen biết đã mang đủ loại thuốc uống từ tây y đến đông y, rồi thuốc bôi để thoa lên da thịt cho bớt ngứa. Dù tất cả đều không thể làm giảm cơn đau nhưng ân tình của những người xa lạ ấy làm Dương cảm động.
Những suy nghĩ ấy cứ lớn dần. Một ngày, Dương mới thưa cùng gia đình lấy trên 100 triệu đó làm chút ít việc tốt với đời như xây cầu chẳng hạn. Người thân Dương hết lòng ủng hộ, họ đến UBND xã trình bày tâm nguyện của cô.
Cảm động trước tấm chân tình của cô gái trẻ bệnh tật, ngày 31.1.2016, UBND xã Phương Thịnh đã khởi công xây dựng, với sự trợ giúp về mặt kỹ thuật và thi công của Hội Khoa học kỹ thuật cầu đường H.Tháp Mười. Sau 3 tháng, cây cầu hoàn thành, trên cầu được những người dân địa phương và chính quyền treo bảng lưu niệm mang tên Ngô Thị Thùy Dương.
Từ ngày có cây cầu Thùy Dương, nhà nông qua lại hai bên bờ kinh khỏi phải chống xuồng như trước, người ở xa chạy xe gắn máy đi làm đồng hay vận chuyển nông sản khỏi tốn công thêm một quãng đường. Mấy em học sinh trong vùng mùa mưa đi học chạy xe đạp qua cầu bê tông cũng bớt phần vất vả hơn…
Nhịp điệu cuộc sống chuyển động trên nhịp cầu ấy như nụ cười của cô gái đang gắng sống trong niềm vui, quên đi nỗi đau bệnh nặng…
Hay tin Dương tặng tiền xây cầu, nhiều người tốt bụng ở TP.HCM đã lặn lội đường xa đến xóm nhỏ này tìm gặp Dương để tư vấn giúp các loại thuốc trị cho bớt ngứa, có người còn tặng Dương bài thuốc gia truyền với hy vọng thoa xức xong sẽ giảm cơn đau hoặc có thể nếu thích hợp với thuốc, cô sẽ lành bệnh.
“Nhận được sự từ tâm chia sẻ của mọi người, tôi như thấy cuộc đời đẹp hơn, dù căn bệnh vẫn cứ hành hạ ngày đêm”, Thùy Dương nói khi chúng tôi từ biệt cô gái có tấm lòng rộng mở với quê hương, thầm mong sao những vết đau nhức trên cơ thể của cô sẽ không còn hằn in nữa!