Sự việc để người khác cõng trên lưng khiến dư luận chỉ trích đã không còn quá xa lạ với chúng ta. Chỉ một thời gian ngắn trước đây, ông Nguyễn Ngọc Niên - Tổng biên tập báo Nhà báo và công luận khi đi họp vào ngày mưa bão được anh bảo vệ cõng từ xe đậu dưới con đường ngập nước đưa lên bậc tam cấp của hội trường, đã bị một người nào đó “chụp trộm” rồi tung lên mạng.
Khi đó, cộng đồng mạng được một phen phẫn nộ, truyền tay nhau chia sẻ hình ảnh một quan chức đi xe ô tô biển xanh, không muốn ướt giày nên để anh bảo vệ cõng qua chỗ ngập nước. Họ mặc nhiên lên án hành động này của vị quan chức nọ mà không buồn quan tâm lý do phía sau bức ảnh là gì. Tới tận khi biết được ông cũng đã 60 tuổi, sức khỏe kém cộng với sự nhiệt tình giúp đỡ của anh bảo vệ nên mới có chuyện “cõng nhau”, lúc đó dư luận mới phần nào nguôi ngoai.
Thiết nghĩ, nếu chúng ta chịu suy nghĩ tích cực hơn, thấy đây là hành động giúp đỡ đầy tính nhân văn giữa người và người, có lẽ sẽ không khiến cộng đồng mạng phải xôn xao, và cuộc sống của vị Tổng biên tập nọ cũng không bị xáo trộn nhiều đến thế.
Tương tự, mới đây trên mạng xã hội lại tiếp tục xuất hiện bức ảnh một người mẹ cõng cô con gái lội qua chỗ nước ngập, phía trước, người cha đang xách chiếc xe đạp đến đoạn đường khô ráo để cho con đến trường. Người đăng bức ảnh đã rất thiện chí với dòng chú thích nói về tình cảm của cha mẹ dành cho con cái.
Thế nhưng cộng đồng mạng vẫn không chịu dừng lại ở đó, họ vẫn tìm ra lý do để chỉ trích cô bé:
“Lớn thế này rồi có chân ko tự đi. Hồi trước trời mưa em vẫn mang quần áo đi thay. Hết mẫu giáo là tự đi học rồi. Cứ chiều con thế này đến bao giờ mới tự đi bằng đôi chân của mình đc.”
“Mình cũng thương con, nhưng không chiều con đến thế này, bé bé thì được chứ lớn mọc lông, mọc cánh hết rồi mà bố mẹ vẫn phải cõng thì …”
“Cô bé này lớn thế mà vẫn để bố mẹ phải chăm bẵm, chẳng biết sau này có làm nên trò trống gì không đây”…
Những chỉ trích mang tính chất hằn học này sau đó đã gặp phải rất nhiều phản bác, những người có cái nhìn nhân văn đã lên án việc các cư dân mạng luôn chê bai người khác mà không suy nghĩ sâu xa vấn đề. Với họ, bức ảnh toát lên tình cảm và sự hy sinh của những người làm cha làm mẹ dành cho con cái.
Đôi khi chúng ta không nên quá áp đặt chuẩn mực xã hội vào một hoàn cảnh để phê phán. Cô bé có thể không muốn làm phiền cha mẹ, nhưng vì thương con nên cha mẹ yêu cầu để họ giúp đỡ, đó là thứ tình cảm thiêng liêng, tự nguyện và gần như là hiển nhiên trong mỗi gia đình. Chắc chắn ai trong số chúng ta cũng đều có 1 hoặc rất nhiều lần làm phiền đến cha mẹ. Liệu lúc đó chúng ta có tự lên án bản thân hay không? Hay chúng ta đang tự cho mình quyền được như vậy còn người khác thì không? Vì thế, thay vì hằn học hãy đặt mình vào hoàn cảnh của người khác và nhìn cuộc sống bằng con mắt cảm thông hơn!