Sắc màu Cuộc Sống

Những đứa con người Mông của đồn biên phòng

Hoàng Phương (Theo VnExpress)
Chia sẻ

Hai anh em Khoa và Xuyên được đồn biên phòng Tả Gia Khâu nhận nuôi trong hơn ba năm qua, sau khi bố các em qua đời vì một cơn sốt ác tính.

Chiều muộn cuối tháng 9, sĩ quan Đồn biên phòng Tả Gia Khâu (Mường Khương, Lào Cai) đi đón Ma Seo Khoa, 12 tuổi và Ma Seo Xuyên, 11 tuổi tan học về. Học sinh trường Phổ thông dân tộc bán trú Dìn Chin đã tỏa về các bản mà vẫn không thấy hai anh em. Anh bộ đội vào tận lớp tìm, rồi chạy xuống nhà dân hỏi thăm cũng chỉ nhận được cái lắc đầu kèm hai chữ “Chi pâu” (Không biết). Cậu hốt hoảng gọi điện báo cho thượng tá Phan Đức Mạnh, chính trị viên của đồn, rồi bổ đi tìm hai đứa bé.

Bộ đội thay phiên nhau đưa hai anh em đi học buổi sáng, chiều lại đón về đồn. Ảnh: Phan Dương.

Đồn biên phòng nằm trên một quả đồi cao, cách trường 7 km. Sương buông khiến cả vùng biên trở nên lạnh lẽo. Tiếng kẻng báo cơm chiều đã vang, chính trị viên không còn lòng dạ ngồi vào mâm. Mường tượng ra cảnh “chúng đi hái ổi, rồi sà chân xuống ao”, anh không dám nghĩ tiếp.

“Cuối tuần, hai đứa vẫn hay lọ mọ ra bờ ao hái ổi. Mình cấm tiệt. Nhỡ hai đứa gặp chuyện gì thì không biết ăn nói với người nhà bọn trẻ ra sao”, thượng tá Mạnh hình dung về nỗi sợ khi ấy.

Nghe tiếng xe máy, anh vội chạy ra. Hai đứa trẻ trốn theo bạn đi bắt cá dưới ao, người nhem nhuốc bùn, khép nép sau lưng cán bộ. Cơn giận bùng lên, anh bảo cậu lính lấy cái roi tre rồi gọi một cuộc điện thoại “Tu à, tao đánh hai đứa nó nhé”. Người bên kia đầu dây là Ma Seo Tu, chú ruột của hai đứa bé. “Anh cứ đánh đi, không phải ngại”, người chú gật đầu sau khi nghe chuyện.

Khoa và Xuyên mỗi đứa lãnh một roi. Tối đó, anh Mạnh “giận” không ngồi ăn cùng, không hỏi han gì chúng. Sáng hôm sau, hai anh em kéo nhau lên phòng xin lỗi, hứa không tái phạm.

Thượng tá Mạnh cắt móng tay cho hai anh em Khoa và Xuyên. Ảnh: P.X.

Anh em Ma Seo Khoa, Ma Seo Xuyên nhà ở thôn Sín Chải A, xã Dìn Chin. Đất nơi này không giữ được nước, cằn khô. Người Mông, người Phù Lá chỉ trồng được một vụ lúa nương, mùa còn lại trỉa ngô để làm mèn mén ăn dần. Hai đứa trẻ mồ côi cha chỉ sau một đêm ông lên cơn sốt ác tính. Một căn nhà đất vách gỗ, một mảnh nương, một con bò, người mẹ tên Giàng Seo Dúa gắng gượng thế nào cũng không thể cho 5 đứa con được ăn no cơm ngày ba bữa.

Thượng úy Giàng A Trú, đội trưởng Đội vận động quần chúng Đồn Tả Gia Khâu khi ấy đã đề xuất đơn vị nhận nuôi hai anh em. Nhưng hai cậu bé người Mông như chim non không muốn rời xa mẹ. Để chúng ở nhà thì có thể phải bỏ học. Anh Trú đã nhận là cậu ruột, thăm nom, đưa đi học để hai đứa bé tin. Đầu năm 2016, ăn xong cái Tết, chúng chịu theo anh về đồn.

Những ngày đầu tiên, Khoa thường khóc vì nhớ mẹ. Còn Xuyên chỉ nói chuyện với chiến sĩ người Mông. Bộ đội người xuôi hỏi gì Xuyên cũng không phản ứng. Cậu bé không biết chữ, không nói được tiếng phổ thông, bị đúp năm lớp 1. Nhưng bộ đội luôn có cách. Thấy Xuyên im lặng đi lướt qua, họ nhắc “Xuyên không chào chú à?”. Thằng bé không nói gì thì nghe nhắc tiếp “Chào chú đi con”. Sau giờ cơm, mấy cậu lính trẻ thường rủ chúng ngồi xem thời sự, phim hoạt hình. Đến buổi tăng gia, các cậu cũng ới hai anh em đi bắt sâu, nhổ cỏ cho luống rau đang lên.

Các sĩ quan nhường cho Khoa và Xuyên một phòng riêng ở giữa dãy nhà. Những người trẻ, giỏi nhất thay nhau kèm hai anh em học. Mỗi tối, chúng bập bõm tập viết, tập đọc theo sách giáo khoa. Có lần, “thầy giáo” bốc hỏa vì cả hai không nhớ mặt chữ. Thầy phải đi ra ngoài cho bớt giận rồi vào dạy tiếp.

Ba năm trôi đi, Khoa đã cười nhiều hơn, còn Xuyên thì vẫn ít nói nhưng đã chịu chào hỏi. Cậu anh lên lớp 6 còn cậu em học lớp 4. Cả hai học bán trú ở xã Dìn Chin. Cán bộ đồn thay phiên nhau sáng đưa đi, chiều đón về. “Bác Mạnh” hay để dành kẹo cho cả hai. Trẻ con nhà khác thường được bố mẹ cho vài nghìn mua đồ ăn vặt, anh chỉ cho quà bánh, không cho tiền và chưa cho dùng điện thoại.

Hơn 1.200 ngày sống chung với bộ đội, bọn trẻ đã quen với tiếng kẻng vang lên vào 5h30 mỗi sáng

Chúng trở dậy gấp chăn, ra sân chạy vài vòng. Hai cái bóng lũn cũn chạy theo sau những trai tráng của đồn. Từ thứ hai đến thứ sáu, bọn trẻ ăn cơm sáng với bộ đội, cuối tuần chuyển sang mì tôm. Buổi chiều anh em đánh bóng, các cậu bé giúp chiến sĩ quét nhà, nhặt rau cho anh nuôi nấu cơm.

Thi thoảng bộ đội đưa cả hai về thăm mẹ cho đỡ nhớ. Mỗi lần các con về, lãnh đạo đồn biên phòng lại gửi cho chị Dúa mấy trăm nghìn, vài cân gạo để ăn thêm. Kỳ nghỉ hè trùng với mùa gặt cấy, hai đứa lại đi nương, cắt cỏ, chăn bò. Lúc trở về đồn, cả hai đen, gầy, sút mất mấy cân. Mỗi bữa cơm, bộ đội đơm cho ba bát đầy, “giao kèo” phải ăn hết.

“Cơm ở đồn có thịt, ăn ngon hơn!”, Khoa kết luận. Sáng thứ 7, thằng bé ăn hết tô mì tôm độn thịt lợn ba chỉ với rau cải xanh rồi đi học. Nửa tháng trở về đồn, Khoa đã tăng trở lại 26 kg.

Thứ 6 hàng tuần có chợ phiên Tả Gia Khâu, chị Giàng Seo Dúa không bận đi nương sẽ xuống thăm con. Người phụ nữ Mông không nói được một chữ tiếng Kinh cứ đứng ngoài cổng đồn. Thấy con là chị vẫy. Không thì chị cứ đứng cho đến khi bộ đội trông thấy, gọi Khoa với Xuyên ra. Ba mẹ con đi chợ, ăn chút quà, rồi chị lại đưa hai con về đồn. Trước lúc chia tay, người mẹ ôm hai mái đầu, nói một câu tiếng Mông, đại ý “Lớn hơn, đẹp hơn rồi”.

“Hồi mới về, cả hai bé tí, chỉ đứng đến đây”, thượng tá Mạnh giơ bàn tay ngang hông”, bây giờ đã cao ngần này rồi”, anh di tay lên gần vai. Anh vẫn quen đo sự khôn lớn của hai đứa con nuôi bằng cách so chiều cao với mình.

Hai đứa trẻ sẽ được Đồn biên phòng Tả Gia Khâu nuôi dưỡng cho tới năm 18 tuổi. Ảnh: Phan Đức Mạnh.

Cán bộ đồn quyên góp, lập cho Khoa và Xuyên 2 cuốn sổ tiết kiệm. Mỗi cuốn 5 triệu đồng. Để sau này chỉ huy đồn có chuyển công tác thì tiền tiết kiệm của cả hai không gặp trở ngại gì. Mỗi người một tay, quán xuyến thay phần “cậu” Giàng A Trú đã chuyển công tác về đồn biên phòng Pha Long cách đó mười cây số.

Thượng tá Mạnh cũng sắp chuyển về biên phòng tỉnh Lào Cai, cách huyện Mường Khương gần trăm cây số. 26 năm vào bộ đội, đi khắp dải biên giới phía Bắc, giờ là lúc anh muốn “về gần nhà với vợ con”. “Lũ trẻ ở lại sẽ có anh em chăm lo. Nhưng phải ốp cả hai đứa học hành liên tục, không thì hỏng mất”. Người cha có hai con một trai, một gái. Số lần đưa con đẻ đi học chưa đếm đủ một bàn tay, nhưng luôn đau đáu về tương lai của hai đứa trẻ khác.

Năm 2015, Đồn biên phòng Tả Gia Khâu nhận nuôi, đỡ đầu 21 học sinh có hoàn cảnh khó khăn thuộc hai xã Dìn Chin và Tả Gia Khâu, theo chương trình Nâng bước em đến trường của Bộ tư lệnh Bộ đội biên phòng. 4 học sinh được nhận nuôi trực tiếp có Ma Seo Khoa, Ma Seo Xuyên và hai em khác đang học nội trú huyện Mường Khương. 17 học sinh được đỡ đầu nhận trợ cấp 500.000 đồng một người mỗi tháng. Số tiền chủ yếu đóng góp từ tiền lương của cán bộ và vài nguồn tài trợ. Những con nuôi của đồn sẽ nhận được sự giúp đỡ cho đến khi đủ 18 tuổi.

Chia sẻ

Bài viết

Hoàng Phương (Theo VnExpress)

Tin liên quan

Loading...Loading...Loading...
Tin mới nhất