Những ngày gần đây, một clip ghi lại cảnh người chồng bạo hành vợ của mình đã thu hút sự quan tâm từ đông đảo những người dùng mạng xã hội, nhận được hàng nghìn lượt chia sẻ, bình luận với nhiều ý kiến khác nhau.
Hành vi đánh vợ không xót tay của người đàn ông trong clip thực sự đáng lên án. Những cú đá, những cái bạt tai, một chiếc que sắt vung lên đánh vào người phụ nữ không thương tiếc. Mặc cho cô ấy khóc lóc van xin, người đánh vẫn đánh, người quay clip vẫn thản nhiên đứng quay.
Cũng là một quan điểm về nạn bạo hành, được viết ra sau khi xem clip trên. Bài viết của một người mẹ, chia sẻ quan điểm về nạn bạo hành trong gia đình, chia sẻ về nguyên nhân dẫn đến những hành vi trên như một lời giải đáp khiến cộng đồng mạng thức tỉnh.
Chia sẻ về nạn bạo hành của người dùng mạng xã hội có tên Thu Ha (mẹ Xu Sim) nhận được nhiều sự đồng tình với hơn 7.000 like và gần 2.000 lượt chia sẻ.
Theo chủ nhân của bài viết, người ngoài cuộc khi xem đoạn clip này sẽ có những lời khuyên cô gái nên chạy đi hoặc nên chống trả. Nhưng có những việc, người thì cảm thấy quá dễ dàng người lại không thể làm được. Bởi tận sâu trong tiềm thức, điều gì đó đã không hối thúc họ làm như vậy. Đó là gì?
“VÌ THƯƠNG NÊN MỚI ĐÁNH - Ngàn lần nên nhốt câu này vào tù!
“Những trận đòn tuổi thơ sẽ ảnh hưởng nặng nề tới cả cuộc đời của con bạn. Ba mẹ ạ, nếu mà vẫn còn những lúc không thể kìm chế nổi, phải quát con to tiếng, phải đánh con, thì sau đó làm ơn xin lỗi nó, rằng: “Ba/mẹ nóng quá, không kìm chế nổi. Ba/mẹ sai rồi, ba/mẹ xin lỗi!”. Bởi vì, đánh mắng không bao giờ đồng nghĩa với yêu thương.”
“Ngay tối nay, ngay sáng mai và những ngày còn lại, đừng có nhân danh tình yêu mà đánh con. Đừng có vừa đánh con vừa nói 'Vì mẹ/cha thương con nên mới đánh con', đừng nói: 'vì muốn dạy con nên người nên ba mẹ đánh con!', đừng nói: 'thương cho roi cho vọt', đừng nói 'những nơi cay đắng là nơi thật thà'… Cũng đừng có tới gửi gắm thầy cô giáo, rằng 'Nó hư thầy/cô cứ đánh nó thật nghiêm khắc giùm tôi!'. “
Những dòng chia sẻ này đã chạm tới trái tim của rất nhiều người, những người làm cha, làm mẹ, những người con.
“Con đã khóc khi đọc đến câu này cô ạ… Mẹ con từ nhỏ đến lớn nói với con câu này và con vẫn không thể lí giải nổi, con hận lắm, con đã từng thắc mắc vì sao mẹ lại nói với tất cả các cô giáo của con rằng 'cô cứ đánh nó nhiều vào cho tôi' … Con trở thành đứa nóng nảy và khó tính, con hà khắc với mẹ, con xét nét và khó chịu từng li tưng tí với bà, rồi sau đó tự dằn vặt bản thân, con mong 1 ngày con sẽ mở lòng mình, con có thể quên đi quá khứ, nhưng khó lắm cô ơi, ký ức vẫn là sự sợ hãi.” - Những dòng chia sẻ mở lòng của bạn Phạm Diễm Kiều.
Người dùng mạng xã hội có tên Linh Mều đồng tình: “Em đồng quan điểm với chị. Em biết có một người đàn ông, ông ấy bất lực khi nhìn con rể đánh con gái của mình mà không mở nổi miệng để nói con rể. Con gái của ông thì cam chịu những cái tát hết lần này đến lần khác, lần đầu thì khó khăn, lần sau thì cũng khó khăn, lần sau nữa thì thấy nhẹ nhàng. Vì ngày xưa ông ấy đánh vợ trước mặt con, rất rất nhiều lần. Bà vợ cam chịu. Hình ảnh ấy in vào tiềm thức của cô con gái rằng chuyện đó là bình thường.”
Bạn Bình Thị Túy Lê bình luận: “Thật xúc động khi đọc stt (status - Pv) này của chị. Tiềm thức là gì? là cất tiếng khóc chào đời, hé mắt ra thấy ba đánh mẹ, mẹ đánh bồ của ba, thấy hàng xóm bố đánh con, con chém bố, thấy thầy cô đánh học sinh, học sinh đánh thầy cô …và luôn được nghe câu thành ngữ ngu xuẩn nhất mọi thời đại là 'thương cho roi cho vọt'…”
Người Việt vẫn có câu “Yêu cho roi cho vọt, ghét cho ngọt cho bùi”. Nhưng có lẽ điều đó đã không còn phù hợp trong xã hội hiện đại. Không có bất kỳ tình yêu nào tồn tại trong khoảnh khắc giơ tay lên đánh người khác. Biết yêu thương trân trọng, nghiêm khắc đúng và đủ sẽ giúp cho con cái phát triển nhân cách tốt.