Chủ nuôi phải đối xử với “ông lợn” như người nhà
Cứ đều đặn ngày 13 tháng Giêng âm lịch hằng năm, người dân xã La Phù, huyện Hoài Đức, Hà Nội lại tổ chức lễ hội rước lợn truyền thống. Đây là dịp để người dân tưởng nhớ công ơn của Đức Thành hoàng là Tĩnh Quốc Tam Lang có công dẹp giặc dưới thời Vua Hùng thứ 6.
Tương truyền vào thời Vua Hùng thứ 6, có vị tướng quân là Tĩnh Quốc Tam Lang đã vâng lệnh Vua đi dẹp giặc để giữ yên bờ cõi. Trước khi đánh trận, ông thường lệnh cho mổ lợn để khao quân nên người dân khi ấy thường dâng lợn để khao quân sĩ. Đến khi Ngài về trời, người dân đã tôn Ngài là Thành Hoàng làng và giữ nguyên tập tục rước lợn để tế Thánh cầu cho quốc thái dân an, mùa màng tươi tốt.
Những hộ dân được thôn, xóm giao trọng trách nuôi các “ông lợn” để tế Thánh rất vinh dự và tuân thủ các quy định khắt khe. Nuôi lợn để tế phải cho ăn các thức ăn tự nhiên, không có chất tăng trọng. Chủ nuôi đối xử với “ông lợn” như người nhà nên mới có cách xưng hô trịnh trọng như vậy.
Đặc biệt, trong năm Kỷ Hợi 2019 lễ rước lợn lại càng trở nên ý nghĩa hơn đối với người dân địa phương này. Tuy nhiên, để nuôi được một “ông lợn” đủ điều kiện làm lễ rước ra đình làng lại không phải là điều đơn giản.
Là một vị cao niên trong làng, đồng thời cũng là thành viên Ban tổ chức lễ rước lợn, ông Trần Văn Chúc cho biết, lễ hội rước lợn được tổ chức thường niên tại La Phù suốt 300 năm qua. “Ông lợn” dùng để tế lễ được nuôi từ đầu năm cho đến ngày tổ chức hội và phải trải qua quá trình chọn lọc kỹ lưỡng.
Theo đó, “ông lợn” được chọn bắt buộc phải là lợn đực, mông vai nở nang, lưng thẳng như đòn gánh, tai to, người trắng hồng chứ không được có bất cứ một đốm nào trên cơ thể.
Vào tháng 2 hàng năm, lợn sẽ được giao lợn cho các gia đình đủ tiêu chuẩn nuôi. Lợn khi giao nặng khoảng 40-60kg. Đến thời điểm làm lễ trung bình các “ông lợn” sẽ nặng khoảng 270kg, có những “ông lợn” nặng đến 310kg.
Không chỉ khó khăn khi chọn lợn, những người nuôi nuôi lợn cũng phải đảm bảo đẩy đủ các quy định mà hương ước của làng đã quy định. Người được chọn nuôi lợn phải có ông bà, bố mẹ song toàn (còn sống khỏe mạnh), gia đình có đủ con trai và con gái, làm ăn phải nề nếp, lối sống văn minh, không tệ nạn.
“Gia đình chọn nuôi lợn không cần phải giàu có, nhưng cũng không quá nghèo túng. Ngoài ra, dù bố mẹ có tốt đến đâu nhưng con cái nghiện ngập, cờ bạc thì cũng sẽ không được chọn. Đối với những gia đình đã được chọn nuôi, nhưng trong năm đó bất ngờ xảy ra tang tóc thì “ông lợn” phải được chuyển sang gia đình khác có đủ những tiêu chuẩn trên để tiếp tục nuôi”, ông Chúc nói về những quy định khi nuôi “ông lợn”.
Sướng như “ông lợn” được mắc màn khi đi ngủ, người lạ không được vào thăm
Ông Chúc cho hay, khi đã chọn được lợn và người nuôi, trong khoảng thời gian gần 1 năm “ông lợn” được chăm sóc theo chế độ vô cùng đặc biệt. Khi nuôi, tuyệt đối không cho người lạ vào xem “ông lợn”, bởi như vậy là mất thiêng và “ông lợn” sẽ ốm hoặc chết.
Chế độ ăn hàng ngày của “ông lợn” bao gồm cám gạo sạch, cùng với rau xanh rửa sạch nấu thành cháo. Trong quá trình nấu, các loại đồ thừa không được cho vào nấu chung, kể cả cơm trắng nhà ăn thừa. Máng cho lợn ăn và chuồng ở luôn được vệ sinh sạch sẽ hàng ngày.
Trong thời gian hè, các “ông lợn” được tắm ngày vài lần để cho khỏi nóng. Đông đến nếu thời tiết quá lạnh, gia chủ phải đốt than sưởi ấm và tắm bằng nước ấm cho các “ông lợn” để không bị lạnh.
“Trong trường hợp lợn bị ốm phải lập tức triệu tập bác sĩ thú y đến thăm khám và tư vấn cách chăm sóc, phòng tránh. Nhưng tuyệt đối không được tiêm thuốc. Với những quy trình đảm bảo từ ăn uống đến vệ sinh như vậy nên lợn tế thường lớn rất nhanh và to đẹp”, ông Chúc nói.
Trong 3 tháng gần lễ hội, các “ông lợn” tiếp tục được chăm sóc đặc biệt hơn. Chế độ ăn hàng ngày không phải là cám gạo bình thường, lúc này gia chủ phải nấu cháo hoa cho lợn ăn. Riêng tháng cuối năm, lợn phải được ăn cháo nấu từ gạo nếp.
Trong khoảng thời gian này, người được giao nhiệm vụ nuôi lợn phải mắc mằn cho lợn ngủ để làn da các “ông lợn” không bị đỏ. Quy trình trên đã được quy định rất rõ trong hương ước của làng. Trong khi nuôi các cụ cao niên ở làng sẽ đi “thanh tra” đột xuất các gia đình nuôi lợn xem tuân thủ đúng hay không.
Theo ông Chúc trong ngày làm lễ, lợn sẽ không phải bắt trói như mọi người vẫn nghĩ, mà chỉ cần mở cửa chuồng cầm nắm hương đi trước là các “ông lợn” theo sau. Nếu gia đình nuôi ở quá xa thì có thể cho lên xe kéo đến nơi mổ tế lễ.
“Lợn tế khi cho lên kiệu dáng và da càng đẹp thì dân làng tin rằng trong năm ấy sẽ gặp những điều thuận lợi khi làm ăn và ngược lại, lợn tế không được chăm sóc cẩn thận sẽ ảnh hưởng đến xóm. Vì thế, trong tất cả công đoạn đều phải làm chỉn chu và tận tâm”, ông Chúc chia sẻ.