Người hiệp sĩ “khắc tinh” của tội phạm, 2 lần phải phơi nhiễm HIV
Trưa muộn khi đang chuẩn bị bưng bát cơm lên, ông Nguyễn Văn Hùng (62 tuổi, phường Khương Mai, quận Thanh Xuân, Hà Nội) nhận được tin báo của người dân về một đối tượng có dấu hiệu trộm cắp xe máy trên địa bàn. Vừa đọc dứt tin, ông vội vã lấy xe rời khỏi căn nhà nằm khuất trong khu dân cư đông đúc trên đường Nguyễn Ngọc Nại rồi lên trụ sở cùng đồng đội của mình để đi tuần tra, theo dõi.
Từ những tin tức được báo về như vậy, gần 20 năm qua ông Hùng đã thầm lặng bắt rất nhiều vụ trộm cướp, ngăn chặn nhiều vụ ẩu đả, đánh nhau,… Ông hiện là Tổ tưởng Tổ tuần tra chuyên trách Phòng chống tội phạm phường Khương Mai. Nhưng đối với người dân sống quanh khu đó, ông được gọi là “Hiệp sĩ đường phố”, “Ông Hùng bắt cướp” hay “Bố Hùng”,…
Năm nay đã ở tuổi lục tuần nhưng ông Hùng vẫn rất rắn rỏi, nhanh nhẹn và cương trực. Trước đây ông Hùng vốn là bộ đội công binh. Năm 2000 ông xuất ngũ, rời đơn vị với quân hàm đại úy. Thấy sức khỏe của mình vẫn còn tốt, ông nhiệt tình tham gia đội bảo vệ giữ gìn an ninh trật tự trên địa bàn. Đến năm 2005, Tổ tuần tra chuyên trách Phòng chống tội phạm phường Khương Mai thành lập, ông Hùng được bà con dân phố tin tưởng bầu làm tổ trưởng.
Thời gian đầu khi nghe tin ông Hùng tham gia đi bắt cướp, cả gia đình ai cũng phản đối. Mọi người trong gia đình cho rằng công việc này phải đối mặt với nhiều nguy hiểm, thậm chí nhiều tên trộm cướp “cố cùng liều thân” khi mang theo hung khí để chống cự lại, sẽ gây nguy hiểm cho tính mạng của mình.
“Nghe vợ con khuyên can, tôi bảo mình là bộ đội, là lính cụ Hồ, còn sức khỏe thì phải phục vụ nhân dân. Nếu mình làm tốt, người được bình yên đầu tiên chính là gia đình, là những người thân của mình. Ngược lại nếu ai cũng sợ nguy hiểm thì lấy đâu ra người bảo vệ sự bình yên cho nhân dân?”, ông Hùng nhớ lại.
Nghe ông nói vậy mọi người trong nhà liền đồng thuận với quyết định đó. Hằng ngày bất kể nắng hay mưa, các thành viên trong tổ tuần tra do ông Hùng chỉ huy chia làm 2 ca từ: 9 giờ sáng đến 13 giờ và 22 giờ đến 5 giờ sáng, thay nhau đi tuần dọc các tuyến đường ở phường Khương Mai.
Ban ngày họ mặc thường phục, ban đêm mặc đồng phục, phối hợp với lực lượng công an phường làm nhiệm vụ giữ gìn an ninh, trật tự trên địa bàn. Trong suốt gần 20 năm gắn bó với công việc săn bắt cướp, ông Hùng cùng đồng đội đã đối diện với không ít hiểm nguy. Tính mạng ngàn cân treo sợi tóc nhưng chưa bao giờ ông chùn bước.
Trong tâm trí ông Hùng vẫn nhớ một buổi trưa năm 2008, ông cùng tổ tuần tra chuyên trách và lực lượng công an địa phương mật phục, phát hiện và đuổi theo hai đối tượng ăn cắp xe ở phố Hoàng Văn Thái. Sau hơn 2 giờ đồng hồ đuổi theo đối tượng từ phố Hoàng Văn Thái sang đường Lê Trọng Tấn, đến đường Trường Chinh, cuối cùng lực lượng tuần tra cũng áp sát được đối tượng tại phố Phan Đình Giót.
Khi hai bên mặt đối mặt, một đối tượng đã rút dao ra tấn công lực lượng tuần tra. Ngay lập tức, ông Hùng lao vào khống chế, các thành viên còn lại hỗ trợ ông giật ngay con dao trong tay đối tượng. Liền sau đó, tên còn lại hung hãn tiếp tục rút dao lao hòng đâm vào lực lượng tuần tra. Tuy nhiên, bằng bản lĩnh và nghiệp vụ, lực lượng tuần tra nhanh chóng áp sát đối tượng và hất văng con dao.
Ngay lúc đó, người dân địa phương kéo đến, cùng với các thành viên trong tổ bắt gọn hai đối tượng trên. Xong việc, công an phường thông báo cho người mất trộm đến nhận xe dù trong khi người này vẫn chưa hề biết xe của mình bị mất. Khi được bàn giao tài sản, họ vừa ngạc nhiên vừa cảm động, không ngớt lời cảm ơn ông Hùng và lực lượng chức năng.
“Hiệp sĩ” Hùng cho biết, ông thường xuyên phải tiếp xúc với các đối tượng là trộm cướp, lưu manh, côn đồ, trong đó có không ít người đã nhiễm HIV. Khi bị phát hiện hành vi phạm tội, đa phần chúng đều tấn công, uy hiếp lực lượng tuần tra. Ông Hùng đã hai lần liền phải điều trị phơi nhiễm trong quá trình vật lộn với các đối tượng nhiễm HIV.
“Lần ấy, sau một hồi truy đuổi, chúng tôi đã quây được đối tượng. Biết không thể trốn thoát, hắn thách thức: Tôi bị nhiễm HIV giai đoạn cuối rồi, các ông cho tôi đi. Nếu không kiểu gì đổ máu, các ông cũng chết”, ông Hùng kể. Không hề xao động trước lời đe dọa, ông Hùng lao vào khống chế đối tượng. Trong lúc vật lộn, cả hai đều bị chảy máu, xây xước. Sau khi biết đối tượng bị nhiễm HIV, ông được bác sĩ khuyên điều trị phơi nhiễm.
“Thời bấy giờ đối với đa số người dân đều cho rằng HIV là thứ bệnh gì đó ghê gớm và bị kì thị rất nặng. Chính vì vậy để gia đình không lo lắng, tôi giấu chuyện rồi tự mình uống thuốc điều trị phơi nhiễm ở Bệnh viện Nhiệt đới trong 3 tháng. Các đối tượng phạm tội không chỉ ngày càng manh động, liều lĩnh, tự trang bị vũ khí nguy hiểm mà thủ đoạn cũng rất tinh vi, khôn khéo. Vì thế, để phát hiện và ngăn chặn kịp thời đòi hỏi phải có nghiệp vụ, sự nhạy bén, khéo léo phát hiện và xử lý các tình huống xảy ra”, ông Hùng kể.
Đến năm 2011, ông tiếp tục bị thương lần thứ 2 khi tham gia truy bắt tên trộm nhiễm HIV. Lần này, ông từ chối điều trị phơi nhiễm sau khi thăm khám và xét nghiệm.
Điện thoại như đường dây nóng, nhà bị tắc ống nước cũng có người gọi
Kể lại khoảng thời gian đã qua, ông nhớ nhất vụ vây bắt đối tượng ma túy trên địa bàn xảy ra vào năm 2018. Lần đó vào khoảng 3 giờ sáng một ngày cuối tháng 7, ông cùng đồng đội đi tuần tra đến phố Lê Trọng Tấn (Thanh Xuân, Hà Nội) thì bắt gặp một thanh niên ngồi chờ tại trạm xe buýt. Khi thấy tổ công tác, đối tượng lộ rõ vẻ lúng túng, định đứng dậy bỏ đi. Ông Hùng lập tức cùng tổ công tác tiến tới, kiểm tra.
Lúc này, nam thanh niên trình bày là quê Lạng Sơn, xuống Hà Nội thăm người thân. Bên người, đối tượng mang theo một thùng mận và vài hộp bánh kẹo nói là quà quê. Tuy nhiên khi nhấc thử thùng mận, ông Hùng thấy nặng bất thường bèn cùng tổ công tác kiểm tra thì phát hiện 1 kg ma túy được ngụy trang tinh vi dưới đáy thùng. Trong hộp bánh của đối tượng mang theo cũng giấu 200 viên thuốc lắc. Đây cũng vụ phát hiện ma túy lớn nhất trên địa bàn mà tổ tuần tra phối hợp với Công an phường Khương Mai ngăn chặn, triệt phá kịp thời.
Vị hiệp sĩ đường phố này cũng được xem là khắc tinh của tội phạm. Hằng ngày ông Hùng dành thời gian cho công việc nhiều hơn ở nhà. Bất kể lúc nào, đêm hay ngày, cứ có điện thoại thông báo là ông lại tất bật lên đường tuần tra, nhận nhiệm vụ.
Tranh thủ nấu cơm, bà Đồng Thị Huệ (60 tuổi, vợ ông Hùng) tâm sự, ông “say nghề”, đam mê với công việc hơn cả với vợ con. 20 năm làm công việc bắt cướp cũng là ngần ấy thời gian ông Hùng chưa đón giao thừa ở nhà cùng gia đình.
Bà Huệ kể, nhiều lúc nấu cơm xong, dọn mâm lên bàn, vừa kịp bê bát cơm lên thì điện thoại có chuông, ông Hùng lại vội vàng buông đũa rồi dắt xe đi làm. Đêm có khi 2, 3 giờ sáng, làm nhiệm vụ tuần tra xong ông mới trở về nhà đi ngủ. “Điện thoại của ông ấy như đường dây nóng, có trộm cắp, mất đồ, gây rối, cãi nhau thậm chí nhà đang bị tắc đường ống nước mà người dân cũng gọi, nhờ ông ấy đến giúp”, bà Huệ kể.
Lần nào chồng đi làm bà Huệ ở nhà cũng thấp thỏm, ngủ không yên giấc. Tuy nhiên, biết đây là công việc ông đam mê, lại giúp ích cho cộng đồng nên bà cũng động viên và cố gắng chu toàn việc nhà để chồng yên tâm hoàn thành nhiệm vụ. Cũng chính vì vậy mà tội phạm trên địa bàn cũng giảm đi đáng kể.
“Nhiều người hay gọi đùa tôi là phu nhân của hiệp sĩ bắt cướp, ra chợ mua đồ đôi khi cũng được ưu ái giảm giá mà không lo bị chặt chém”, bà Huệ vui vẻ chia sẻ..
Tính đến nay, ông Hùng cùng các thành viên trong tổ đã cùng lực lượng công an triệt phá hơn 300 vụ phạm pháp hình sự, bắt giữ gần 350 đối tượng, riêng trong năm 2019 là 23 vụ. Trong đó có nhiều vụ buôn bán ma túy, trộm cắp nhà dân, các nhóm lưu manh và cả tội phạm truy nã.
Nói về công việc của mình, ông Hùng rất khiêm tốn. Ông bảo, ông không phải người hùng, cũng không phải là hiệp sĩ gì đâu mà chỉ là một công dân bình thường, muốn mang sức lực của mình đóng góp vì lợi ích và sự bình yên của cộng đồng. Mọi thành tích có được đều có công của tập thể, ông chỉ đóng góp chút công sức của mình.
Với những đóng góp tích cực trong công tác giữ gìn an ninh trật tự trên địa bàn, ông Nguyễn Văn Hùng từng vinh dự là một trong 9 công dân tiêu biểu của thủ đô. Ông cũng nhiều lần được Bộ Công an trao thưởng bằng khen, UBND Thành phố Hà Nội tặng danh hiệu “Người tốt việc tốt”.
“Công việc này với tôi không có gì vất vả hay phải đáng kể. Nếu tôi còn khỏe thì tôi còn làm, đã là công dân thì ai cũng mong muốn đóng góp cho xã hội bằng cách này hay cách khác”, ông Hùng cười.