Chuyện về giáo sư Nhật nhận giải Nobel qua lời kể người học trò Việt Nam đầu tiên: ‘Chúng tôi gọi thầy là siêu nhân’

Chuyện về giáo sư Nhật nhận giải Nobel qua lời kể người học trò Việt Nam đầu tiên: ‘Chúng tôi gọi thầy là siêu nhân’

Logo Saostar - Special special

Chuyện về giáo sư Nhật nhận giải Nobel qua lời kể người học trò Việt Nam đầu tiên: ‘Chúng tôi gọi thầy là siêu nhân’

Copy Link
Chia sẻ

Cứ đều đặn 6h sáng, GS.BS Tạ Thành Văn (Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Gen-Protein, Hiệu trưởng trường Đại học Y Hà Nội) bắt đầu rời khỏi nhà. Công việc bận rộn khiến ông phải sắp xếp thời gian để vừa đảm nhiệm công việc quản lý nhà trường, vừa dành thời gian cho công tác chuyên môn tại Bệnh viện Đại học Y Hà Nội.

GS.BS Tạ Thành Văn chính là học trò Việt đầu tiên của giáo sư Tasuku Honjo (sinh năm 1942, Đại học Kyoto, Nhật Bản) dẫn dắt. Năm 2018, liệu pháp điều trị ung thư bằng cách ức chế chốt kiểm soát miễn dịch (liệu pháp miễn dịch) - cơ hội kéo dài sự sống cho bệnh nhân ung thư giai đoạn cuối - đã được trao giải Nobel Y học và Sinh lý học. Đây là thành quả nghiên cứu của hai nhà khoa học James P.Allison (Mỹ) và Tasuku Honjo. Từ kết quả này, ngành dược liệu đã sản xuất ra các loại thuốc miễn dịch để đưa vào sử dụng trong điều trị ung thư.

Chuyện về giáo sư Nhật nhận giải Nobel qua lời kể người học trò Việt Nam đầu tiên: ‘Chúng tôi gọi thầy là siêu nhân’

Trong câu chuyện với chúng tôi, GS. Tạ Thành Văn không giấu niềm tự hào trước thành công của người thầy mà ông vô cùng kính trọng. Bức ảnh chụp chung cùng thầy Honjo được ông trang trọng đặt trong phòng làm việc. Như các học trò của GS. Tasuku Honjo, GS. Văn không bất ngờ khi thầy được nhận Giải Nobel.

“Khi còn là học trò của thầy từ năm 2001 giới khoa học ở Nhật Bản khẳng định chắc chắn sớm hay muộn thầy sẽ đạt giải Nobel. Thầy Honjo chuyên nghiên cứu về miễn dịch phân tử, thầy có nhiều phát minh có tính đột phá trong lĩnh vực này, nổi tiếng thế giới”, GS. Văn nói.

Là học trò xuất sắc, cũng là học trò Việt đầu tiên của GS. Tasuku Honjo, trong thời gian gắn bó với phòng nghiên cứu của vị giáo sư danh tiếng mà ông cùng đồng nghiệp trìu mến gọi là “siêu nhân”, GS. Văn học hỏi được rất nhiều để rồi có những đóng góp xứng đáng cho khoa học.

Bởi thế, mặc dù đã rời xa nơi ấy nhiều năm, ông luôn tự hào và xúc động khi thấy tên mình vẫn được GS. Tasuku Honjo gắn trên bảng tên trước cửa phòng nghiên cứu tại Trường Đại học Kyoto, một dấu hiệu vốn chỉ dành cho những người đang học và làm việc tại đó.

Chuyện về giáo sư Nhật nhận giải Nobel qua lời kể người học trò Việt Nam đầu tiên: ‘Chúng tôi gọi thầy là siêu nhân’

GS Văn kể, sau khi tốt nghiệp Trường Đại học Y Hà Nội, ông trải qua 3 năm học bác sĩ nội trú chuyên ngành Hoá sinh. Kết thúc khoá đào tạo Nội trú với kết quả xuất sắc và được chuyển tiếp lên nghiên cứu sinh, ông về Trường Đại học Y Hà Nội công tác. Cùng thời gian đó có học bổng đi Nhật Bản học Tiến sĩ nên ông quyết định đi.

“Ngày đó GS. Nguyễn Hữu Chấn, trưởng bộ môn Hóa sinh, kiêm Vụ trưởng vụ Khoa học và Đào tạo, Bộ Y tế có định hướng cho tôi nghiên cứu về gen. Khi đó vấn đề này còn rất mới ở Việt Nam. Thầy hướng tôi nghiên cứu ảnh ưởng của dioxin lên hệ gen của nạn nhân nhiễm chất độc dioxin ở Việt Nam.

Đến tháng 3/1999 tôi bảo vệ tốt nghiệp tiến sĩ tại Học viện Khoa học và Công nghệ Kyoto. Ngày đó, thường mọi người sau khi nhận bằng tiến sĩ xong thì về nước và thường có việc làm khá ổn tại Việt Nam khi có học vị tiến sĩ tại các nước như Nhật. Tuy nhiên, tôi nhận thấy rằng với người Nhật, một trong những điều kiện để được bổ nhiệm GS ở các trường đại học Nhật Bản là phải có thời gian đào tạo sau tiến sĩ (post doctor) ở Mỹ hoặc Tây Âu.

Chính vì thế tôi đã tự hỏi mình: Tại sao lại không phấn đấu để đạt được tiêu chuẩn như một nhà khoa học Nhật Bản? Và thế là tôi quyết định đi Mỹ để tiếp tục học tập, nghiên cứu”, ông Văn nói.

Quyết định của ông đã làm bạn bè cùng thời đó ai cũng ngạc nhiên. Sau đó, ông tiếp tục sang Mỹ nghiên cứu về cơ chế dẫn truyền tín hiệu điều hòa quá trình phát triển và biệt hóa của tế bào ở Mỹ 2 năm.

“Kết thúc 2 năm, như người khác họ sẽ ở lại vì ở Mỹ vì bản thân tôi thời gian đó công bố một số công trình khoa học được khá tốt, đủ để tìm kiếm việc và xin việc ở một công ty nào đó dễ dàng với mức lương cao. Tôi nghĩ chuyện nếu về nước cũng sẽ ổn, tuy nhiên, một ý tưởng lại nảy sinh trong đầu: tôi muốn đi đến phòng thí nghiệm của giáo sư nổi tiếng trên thế giới.

Kinh nghiệm ở Mỹ cho thấy để đánh giá một nhà khoa học, người ta thường dựa vào 3 yếu tố: Tốt nghiệp trường đại học nào? Học tiến sĩ ở đâu? Và làm sau tiến sĩ cùng với giáo sư nào? Nếu đạt được tốt cả 3 tiêu chí thì bạn thực sự đạt được tiêu chuẩn của một nhà khoa học đẳng cấp thế giới. Và thế là tôi lại tiếp tục chặng đường của mình để đến với thầy Honjo”, GS. Văn kể.

Chuyện về giáo sư Nhật nhận giải Nobel qua lời kể người học trò Việt Nam đầu tiên: ‘Chúng tôi gọi thầy là siêu nhân’

Hiệu trưởng trường Đại học Y Hà Nội chia sẻ, bản thân ông đã làm việc trong phòng thí nghiệm của thầy Honjo trong gần 3 năm, từ tháng 4/2001 đến tháng 10/2003, sau đó trở về nước.

“Điều rất thú vị rằng trước khi sang Nhật để gặp thầy Honjo, khi tôi còn ở Mỹ có một lần tôi tham gia một hội nghị y khoa ở Sanfrancisco, lúc đó, tôi đặc biệt chú ý tới gian treo các công trình nghiên cứu của Nhật. Tại đó, tôi đã gặp một số giáo sư Nhật đến từ Đại học Kyoto.

Khi tôi chia sẻ chuẩn bị sang Nhật làm học trò của thầy Honjo, họ đã rất ngạc nhiên và hỏi tôi rằng: ‘Bạn đã suy nghĩ kỹ chưa?’. Lúc đó, tôi chưa thực sự hiểu hàm ý câu hỏi đó của các đồng nghiệp thầy Honjo. Chỉ sau khi thực sự tham gia vào nhóm của thầy tôi mới hiểu hết tất cả”, GS. Văn cười nói.

Phòng thí nghiệm của thầy Honjo có môi trường làm việc cực kỳ khắc nghiệt. Trong thời điểm đó có khoảng hơn 30 nghiên cứu sinh và sau tiến sĩ của nhiều nước trên thế giới làm việc tại phòng nghiên cứu của thầy Honjo 24/24 như ông.

Bình quân phòng nghiên cứu của thầy Honjo công bố 1,5 bài/tháng trên các tạp chí nổi tiếng hàng đầu thế giới. Trong khi đó, nhiều giáo sư khác trên thế giới cả đời họ chỉ ước có 1 bài. Thời gian đó, thầy Honjo là Trưởng khoa y của Trường Đại học Kyoto, tương đương hiệu trưởng trường đại học y ở Việt Nam.

“Nhớ lại mới thấy quãng thời gian 3 năm làm việc với thầy là thời kỳ vinh quang khi bản thân tôi đã có đóng góp vào những công trình lớn với tên của mình, nhưng cũng là quãng thời gian gian nan, khổ cực. Phòng thí nghiệm chưa bao giờ tắt đèn bởi lúc nào cũng có người làm việc. Thế nhưng, làm khoa học thì trên 90% là thất bại kể cả khi có tư duy và logic đúng đắn. Thành công thì đôi khi đến thật bất ngờ.

Có những thời điểm kết quả không như mong đợi, tôi đi lang thang với một nỗi buồn khủng khiếp. Chuyện tiêu tốn của thầy vài nghìn USD/ngày tiền hóa chất và các chi phí khác là việc hết sức bình thường nên khi không làm ra kết quả cảm thấy có lỗi với thầy, có lỗi với các bạn nên tôi cũng như các đồng nghiệp luôn dặn mình luôn phải cố gắng”, GS Văn nhớ lại.

Trái ngược với nghiêm khắc trong công việc, trong tâm trí GS Văn, thầy Honjo là một người vô cùng nhẹ nhàng, ít khi cáu gắt với học trò. Những áp lực xuất phát từ chính bản thân các học trò và các nghiên cứu viên do phải chạy đua với thời gian và chạy đua với nhau về kết quả nghiên cứu.

GS Văn chia sẻ: “Mỗi thành viên bắt buộc phải báo cáo mỗi tuần/1 lần vấn đề khoa học nóng có thể phải báo cáo kết quả vài lần trong tuần. Chính điều đó đã tạo ra sự cạnh tranh giữa các thành viên trong phòng thí nghiệm của giáo sư.

Những vấn đề làm trong phòng nghiên cứu của thầy đều rất nóng trên thế giới. Thầy nhiều việc như thế nhưng vẫn nhớ từng người đang làm những gì nên chúng tôi gọi thầy là siêu nhân “Superman”. Thầy viết báo và sách bằng tiếng Anh có 4 thư ký, thầy nói ghi âm xong thư ký nghe lại rồi đánh máy, in ra để thầy sửa.

Mình nghĩ thật cao siêu bình thường nếu viết báo phải rà soát lại từng câu chữ nhưng thầy tận dụng thời gian tối đa quãng thời gian. Mọi việc đều trong đầu thầy hết và hơn nữa tất cả sách thầy đều viết tiếng Anh”.

Bài viết

Định Nguyễn

Thiết kế

Lê Lâm

Copy Link
Chia sẻ
Cuộn xuống để đọc tiếp Đọc
tiếp