Những ” đứa trẻ” của đường phố :
Gặp bà Mỹ vào một buổi chiều bình thường trên vỉa hè con đường nằm khá xa khu trung tâm, người phụ nữ ngoài 60 ấy có vẻ ngoài khắc khổ và gầy gò. Điều duy nhất tạo sự chú ý ở bà là những chú mèo cứ quấn quýt quanh chân bất kể bà đi đâu hay làm gì. Hỏi ra thì mới biết lũ mèo ở đó toàn bộ đều được bà nhặt về nuôi từ khi còn nhỏ. Tất cả chúng đều là những chú mèo bị bỏ rơi, có đứa thì bị vứt trong thùng trên vỉa hè có đứa thì nằm trong thùng rác, có người “nhân đạo” hơn thì nuôi lớn một chút rồi mới đem đi vứt. Lũ mèo đó, chúng đều là những “đứa trẻ” đến từ đường phố.
Công việc của bà Mỹ đã kéo dài suốt nhiều năm trời. Bà nói có bữa người ta vứt cả thùng mèo mới mở mắt còn đỏ hỏn cạnh thùng rác: “Mở ra thì thấy có mấy con đã chết rồi, nghĩ sao mà không chết ngoài đường mưa gió lạnh lẽo mình nằm ngoài đó còn chết huống hồ tụi nó”.
Bà bán cà phê cóc lại sống một mình, thu nhập mỗi ngày chẳng bao nhiêu. Nhưng cơm lúc nào cũng có sẵn cho tụi nó với 3 con cá chiên được treo gọn khô trên góc cột. Bà nói :”Ngày nào tui cũng dặn ông bán cơm đem lại đây 3 con cho tụi nó ăn hôm nào bán đắt khách dư được thêm ít tiền là tui mua thêm 3 con nữa là 6 con tụi nó ăn cho đã”. Niềm vui của người già như bà sao mà hiền khô vậy không biết, niềm vui chẳng sinh lời chi hết. Nó cứ vỏn vẹn ở đó thôi, như lũ mèo của bà.
Tui mà biết ai vứt mèo tui đến tận nhà tui chửi luôn chứ sợ gì?
Khi được hỏi về những người đem mèo đi vứt bà có muốn nói gì với họ không thì bà đáp gọn lỏn: “Tui đâu biết ai vứt để mà nói, còn nếu tui mà biết ai vứt mèo thì tui đến tận nhà tui chửi luôn chứ sợ gì. Không nuôi được thì đừng nuôi chứ đi vứt vậy ác lắm.” Cái giọng người Sài Gòn hào sảng và trự nghĩa không lẫn vô đâu hết mà nhất là người nghèo. Nghèo như bà nhưng sao mà sang quá, người giàu còn chưa chắc làm được. Có được mấy người tối ngủ vỉa hè mà dám cắt phần ăn cho cả lũ mèo gần chục con chỉ vì :”Nhìn tụi nó tui thương.”
Bà kể có lần bà ngủ xong bọn trộm đánh thuốc trộm hết thảy 7 con mèo, bà khóc suốt mấy ngày ròng. Hỏi sao không khóc, bà nuôi tụi nó từ khi còn đỏ hỏn cho đến lúc đứa nào cũng béo ú mập mạp rồi người ta bắt đi mất. Mà bà không sợ người ta bắt về nuôi chỉ sợ người ta đem bán hay ăn thịt tụi nó thôi.
Việc thương yêu một ai đó không giống mình vốn dĩ đã rất khó, đằng này một người mà ngay cả chỗ ở đàng hoàng cũng không có lại dang tay ra cưu mang một đám mèo “vô gia cư”. Trái tim bà thực sự có bao nhiêu ngăn vậy bà ơi?
Cho tụi con được sống hoặc đừng sinh bọn con ra có được không?
Chỗ bà ở người ta dễ dàng bắt gặp một tờ giấy dán ngay góc đó là lời thỉnh cầu của những chú mèo bị bỏ rơi với hy vọng: “Cho tụi con được sống“. Ai tới chơi bà cũng kéo ra để chỉ cho đọc, bà nói: “Hội mèo người ta dán ở đây rồi tuần nào cũng ghé cho thêm hạt nữa, tốt lắm con”.
Việc thiến mèo là nên làm đối với những người không có khả năng nuôi hay chăm sóc mèo, đó gần như là một thông điệp nhưng không phải ai cũng chịu nghe và hiểu. Sự nổ lực của những người trẻ và những người thầm lặng “gánh” cái gánh mà chủ nhân của lũ mèo vừa quẳng ra đường cứ âm thầm truyền đi thông điệp ấy. Vì như bà Mỹ nói trong ngậm ngùi :” Bà quý con chó nhưng bà thương con mèo vì người ta chỉ bỏ mèo chứ đời nào có ai bỏ chó, con mèo nó cứ bị vứt ra đường như vậy đó”.
Người đàn bà nhỏ nhắn với gương mặt khắc khổ ấy vài năm mới về quê một lần vì: “Mình nghèo quá về em út, con cháu nó lo tội nó thêm. Hồi xưa còn khỏe lâu lâu về còn mua được cho tụi nó khúc vải để may đồ giờ nghèo quá về tui ngại lắm. Giờ cầu cho trúng số thì cho thằng con ít tiền nuôi cháu còn lại tui cất cái nhà nhỏ nhỏ rồi đem mấy con mèo về cho tụi nó có chỗ ở đàng hoàng…”
Những người không có nhiều tiền ở giữa cái Sài Gòn này họ vẫn có một trái tim giàu có và tử tế. Tử tế như cách bà đã cưu mang những con mèo và như cách Sài Gòn đã cưu mang những cuộc đời như bà qua cơn bể dâu vậy. Thành phố của những người nghèo mà “sang” quá, nể phục quá Sài Gòn ơi!
Chuyện về bà cụ nhặt nuôi mèo ở Sài Gòn và lời thỉnh cầu của những chú mèo là một trong những bài viết nằm trong tuyến bài đặc biệt về Sài Gòn muôn màu của Tạp chí điện tử Saostar.
Những tình cảm, ký ức - những câu chuyện cảm động và đầy thú vị về Sài Gòn mà bạn có/ biết hay chứng kiến - Hãy gửi qua email: doisong@saostar.vn để cùng chia sẻ cho tất cả mọi người cùng “ấm áp”, bạn nhé!
Vì một Sài Gòn xinh đẹp và phát triển hùng mạnh, chúng tôi chào đón tất cả những người con - những người muốn thuộc về/ yêu mảnh đất này.