Tạp chí điện tử Saostar
Đến tin mớiTin Mới Đến tin hotTin Hot
Nhập từ khoá tìm kiếmTìm kiếm
Màu cuộc sống

Chuyện tình 'thân sâu hồn bướm' của Hai: Một lần yêu, nguyện làm tri kỷ cả đời bên cô đào chuyển giới ở Sài Gòn

Ở cái tuổi trăng tròn với những rung cảm đầu đời, bà Hai thương thầm anh bạn sát vách nhà. Nhưng số phận khéo trêu đùa, người bà thương lại "hồn bướm thân sâu". Để rồi, ông đi biệt suốt 30 năm, ngày trở về đã "liệt nửa người", bà Hai vẫn ân cần chăm sóc, như tri kỷ cũng vì chữ thương.

Trong căn trọ ọp ẹp ở cuối con hẻm nhỏ đường số 13 (Q.Thủ Đức, TP.HCM), bà Hai chốc chốc lại ngóng ra cửa đợi người bạn tri kỷ về. Ngày ngày đều đặn như thế!

Ở tuổi thất tuần, mái đầu đã bạc gần hết, vậy mà bà vẫn nhớ như in về câu chuyện tình “đặc biệt” nửa thế kỷ trước của đời mình. Từng lời kể tỉ tê đến não lòng.

Bà Hai (tên thật là Lê Thị Kim Ngân), năm nay đã gần 70 tuổi.

 “Kệ, tui yêu bê đê cũng được, mắc mớ gì mấy người?”

Mối tình đầu cũng là lần cuối của bà Hai bắt đầu từ cái thuở mới chớm nở những rung động đầu đời. Năm đó, 16 tuổi, bà Hai lên nhà bà con phụ giúp bán buôn vựa trái cây. Sát vách, ngày ngày có chàng thư sinh tên Sang cũng đang độ thanh xuân, gương mặt thanh tú hay qua lại kết thân bạn bè. Bà Hai lúc ấy cũng chẳng nghĩ ngợi gì nhiều, chỉ thấy quý quý, e thẹn xưng “chú” với ông.

Tính tốt bụng, gần gũi, ông Sang cứ hễ thấy bà Hai bệnh lại hỏi thăm, thuốc thang chăm sóc. “Vui lắm, mỗi lần thế, ổng mua thuốc gửi qua. Nhà ông cũng là vựa trái cây, đợt nào cam mới về, ổng lại lựa mấy quả thiệt ngon rồi đút qua bờ rào cho bà“, bà Hai bồi hồi nhớ lại ký ức thuở xưa.

Ông Sang (bạn tri kỷ của bà Hai), là cô đào chuyển giới lớn tuổi nhất Việt Nam

Rồi năm tháng ông Sang đi xa, hai người vẫn thư từ qua lại. “Đợt ổng đi Huế, ổng chụp hình rồi gửi hình với thơ về, mà bà thím ở nhà dữ lắm, đâu có dám coi, phải đợi tới tối chui vô mùng coi lén… Ngày xưa, Hai học hết lớp 6 đã nghỉ rồi nên chữ không có đẹp gì, cũng ráng viết thư hồi âm. Viết xong, nhìn lại chữ người ta thì đẹp, chữ mình xấu quá, vậy là cất luôn. Rồi ổng về ổng giận, bảo sao không hồi âm cho ổng?“, bà cười nhớ lại.

Cứ thế, từ những san sẻ, giúp nhau từng li từng tí, dần dà bà Hai không biết mình đã thầm thương chàng thư sinh sát vách nhà tự lúc nào.

Căn trọ ọp ẹp nơi hai ông bà sinh sống, hầu hết các vật dụng trong nhà đều được người khác cho

Ở thập niên 70 ngày trước, thời người ta còn chưa biết gì nhiều về thế giới thứ 3, ông Sang cũng vì sợ ác cảm nên gồng mình che giấu con người thật. Bà Hai vẫn thế thương ông, dù nhiều người khác theo đuổi, có lúc bị nghe bao lời dèm pha qua lại. “Có người nói: 'Đẹp trai vậy hổng thương đi thương thằng bê đê'. Lúc đó bà bực lắm mới nói lại: 'Kệ tui, yêu ai cũng được hết, mắc mớ gì mấy người', lúc đó bà vẫn tin ông nhiều lắm…“, bà nghẹn lòng, bỏ lửng nửa câu.

Đi không quân về, trong một buổi tối nhậu cùng bạn bè, ông Sang và bà Hai đã có với nhau mụn con. Hai người nên duyên vợ chồng, dắt nhau về chung mái nhà. Từ lúc bầu đến lúc bà Hai sinh, ông Sang vẫn làm tròn trách nhiệm của người cha. Nhưng có ngày ông chiều đi sáng về, linh cảm phụ nữ mách bảo Hai lén đi theo thì phát hiện sự thật.

“Thấy ổng ngồi nhậu với một người tóc dài lắm, áo váy lượt là…. bà mới chạy lại thì ổng bảo hai thằng con trai mà bà cũng ghen, rồi bắt xe cho bà về. Sau đó bà buồn quá cũng đưa con về bên ngoại ở luôn“.

Hai ông bà coi nhau như tri kỷ, lo lắng chăm sóc nhau lúc ốm đau

Mấy tháng sau, người ta lại kháo nhau chồng bà Hai giả gái theo gánh lô tô. Bà một mực không tin, quyết đi tìm chồng. Thế là, ngày nào cũng vừa chạng vạng sáng tối, đèn lô tô nhấp nháy bên trời, và tiếng nhạc xập xình khuấy động một vùng, bà Hai lại ẵm đứa con nhỏ ra ngoài đoàn hát với hy vọng nhìn thấy chồng. Nhưng cuối cùng, bà vẫn không tìm được ông.

Hồi đó ông đi bà cũng giận lắm, vì để lại đứa con gái mới lên 7. Nhưng thôi nghĩ lại số phận mình vậy rồi, phải ráng sống để nuôi con thôi“.

Nhắc về cô con gái, bà Hai trầm ngâm một lúc thật lâu. Hồi đó, mỗi lần con hỏi, bà chỉ biết giấu nhẹm nước mắt, bảo rằng ba đi làm ăn xa, sẽ trở về. Nhưng lớn lên, cô con gái dần hiểu ra chuyện. Bà Hai kể: “Lúc con bé 13, 14 tuổi gì đó, dì nó dẫn vô Đầm Sen nghe hát, mới thấy ổng hát. Dì nó bảo chút nữa chạy ra cửa sau gặp ba mày, mà nó nói thôi. Con bé thương ba lắm, cứ nói giờ số ba nó vậy thì thôi đành”.

Vết sẹo lúc bà Hai còn làm cho quán ăn bị bỏng đã cùng bà đi qua năm tháng.

Dù người “hồn bướm thân sâu”, vẫn nguyện hy sinh cả đời vì thương…

Ông Sang theo đoàn lô tô dọc Nam chí Bắc, 30 năm bà Hai một mình vẫn tần tảo nuôi con, chẳng đoái hoài nghĩ đến chuyện thêm bước nữa. Bỗng một ngày bà Hai nhận được cuộc gọi từ số máy lạ báo tin: ông Sang bị đột quỵ liệt nửa người không ai chăm sóc ở Nha Trang. Lo lắng không yên, không có điều kiện, bà Hai đành nau náu trông chờ ông về lại Sài Gòn.

Bà đón ông về chăm sóc một thời gian thì thấy ông khỏe nên để ông ở nhà người quen còn bà đi làm ở lại nhà người ta đặng kiếm chút tiền, tháng về có 1 - 2 lần. Sau lúc nghe người ta báo ông Sang ngày nào cũng đi bán vé số, bà xót quá không chịu được mới dọn về ở chung, chăm ổng, không cho đi bán nữa“, bà Hai tâm sự.

Ngày đầu mới đón về, ông Sang lại hay bệnh, có khi tuần vào bệnh viện 2 - 3 lần. Đang làm mà nghe người ta gọi báo, bà Hai lại lật đật gom đồ chạy vô nhà thương, vay mượn khắp nơi để chữa trị cho ông.

Hằng ngày, ba Hai đi giúp việc cho nhà chủ, ông Sang đi bán vé số quanh khu vực để trang trải cuộc sống.

Hằng ngày, bà Hai nhận làm giúp việc cho người ta buổi sáng, trưa về lại lo nhà cửa cơm nước. Đồng lương ít ỏi, chỉ 60.000 đồng/ngày không đủ lo cho cả hai, ông Sang phải đi bán vé số kiếm thêm thu nhập đỡ đần. “Mỗi lần trời mưa, đường chỗ này thì dễ ngập, ngày nào mưa gió mà ông đi bán về tối bà lo lắm, sợ đường trơn, lỡ ổng có chuyện gì. Mà ổng siêng lắm, ở nhà tiền đâu, nói đi bán kiếm ít đồng trang trải với bà“.

Thương nhau bằng cái tình cái nghĩa, hai ông bà cơm cháo qua ngày trong căn trọ cũ kỹ chưa đầy 4 mét vuông, mà hễ một cơn mưa nhẹ là nước dâng lênh láng. Bà Hai tâm sự: Mấy mươi năm không gặp, cũng không dòng tin tức nên đâu biết ổng sống ra sao.

Lúc ổng về, bà cũng đâu biết ổng chuyển giới gì đâu, mấy đứa nhỏ trong xóm nó thấy ổng tắm, thấy ổng có ngực nó tò mò hỏi bà, bà mới để ý, hỏi ra thì mới biết“, bà ngậm ngùi kể lại.

Tất cả những gì liên quan tới ông Sang đều được bà Hai gói ghém cẩn thận coi như vật quý giá.

Nhưng thôi, âu cái số nó vậy rồi! Bà thương ông, giờ xem ông như người bạn tri kỷ lúc cuối đời. Mấy chục năm trôi qua, đứa con dại ngày nào cũng đã trưởng thành, nó chưa một lần oán trách cha…

Trong đôi mắt chi chít vết chân chim của Hai chất chứa vô vàn tình thương, bà Hai thủ thỉ: “Chắc kiếp trước có duyên có nợ với nhau con ơi, bà biết bà thương ổng thôi, còn ổng có thương ai thì kệ, thôi thì số ổng nó vậy…”.

Người ta nói quả chẳng sai, đã yêu đã thương đã chân thành, thì cho dù là thế nào vẫn chẳng thể đổi thay. Suốt cả cuộc đời, Hai vẫn mãi nguyên vẹn dù một người “hồn bướm thân sâu”. Đó là tri kỷ!

Copy Link
Chia sẻ

Bài viết Phương Phạm

Được quan tâm

Tin mới nhất