Trước đây, khi xem một bộ phim trên truyền hình, tôi đã khá tâm đắc với câu nói: "Tình yêu càng đơn giản, càng dễ sửa". Nhưng qua lần trò chuyện với anh Ngọc Lâm (35 tuổi), tôi mới cảm thấy được giá trị và sự đẹp đẽ của tình yêu. Như một câu chuyện cổ tích, anh thầy giáo bị liệt đã "cưa đổ" được "nàng Thơ" hiền lành, có tấm lòng nhân hậu. Và tình yêu đó, anh Lâm đã viết nên bằng sự giản dị, chân thành nhất.
Nghị lực sống phi thường
Anh Ngọc Lâm (quê Thanh Hóa) đã trải qua cú sốc lớn nhất đời mình năm 19 tuổi. Khi ấy, anh đang là sinh viên năm thứ nhất trường cao đẳng Sư phạm Bình Phước.
Trong một lần đón người nhà đến thăm, anh đã bị tai nạn xe kinh hoàng làm gãy hai đốt sống cổ, gãy hai chân, hôn mê sâu. Tỉ lệ giám định thương tật là 97%. Những tưởng không qua khỏi, tuy nhiên, bằng tình yêu thương của mẹ cha, sự nỗ lực hết mình của các bác sĩ tại bệnh viện Chợ Rẫy, anh đã ở lại.
Với cơ thể bị liệt, chàng thanh niên 19 tuổi đó đã tiếp tục sống bằng sự mạnh mẽ, phi thường. Lâm tiếp tục chọn TP.HCM là nơi sinh sống, làm việc. Sau đó, anh đã đến trung tâm bảo trợ "làng may mắn" để học việc.
Anh đã cố gắng từng ngày, từng ngày, và không bỏ cuộc. Năm 2015, Lâm trở thành thầy giáo dạy tin học cho trẻ em tiểu học. Tại trung tâm, mỗi em học sinh đều có câu chuyện đặc biệt. Em thì bị khuyết tật bẩm sinh, gia đình nghèo khó... Bên cạnh những bài giảng, Lâm đã truyền cho các em ý chí sống và vươn lên mạnh mẽ.
Ngoài những bài giảng, Lâm thường xuyên viết thơ chia sẻ lên mạng xã hội. Chính anh cũng không ngờ những bài thơ này đã kết nối anh với người vợ hiện tại là chị Nguyễn Thị Minh Thơ.
Chị Thơ là người con gái Bến Tre lên TP.HCM làm việc. Do cảm mến người làm thơ, chị đã nhắn tin qua mạng xã hội để làm quen. Từ tình bạn, họ chuyển sang tình yêu.
"Buổi gặp mặt đầu tiên, Thơ đã lặn lội đi xa để tìm tôi tại Trung tâm. Lúc này, tôi đang ăn cơm. Là người khuyết tật nên bữa ăn của tôi diễn ra rất khó khăn. Lúc này, Thơ đã chạy lại và ngỏ lời muốn đút tôi ăn. Tôi xúc động lắm. Khi đó, tôi đã suy nghĩ cô ấy chính là người phụ nữ của đời mình", anh Lâm nói.
5 năm yêu nhau trong lặng lẽ
"Anh nghèo khuyết tật tha hương
Nếu em thiện ý thì thương thật lòng
Anh xin suốt kiếp làm chồng
Yêu em chung thủy nguyện không đổi rời
Bằng lòng đi nhé em ơi
Về đây dệt mộng trao lời yêu thương
Ta xây hạnh phúc thiên đường
Sẻ chia gian khổ nhịn nhường hi sinh"
...
Lâm viết vần thơ tình gửi tặng người thương, chị Thơ nghe trái Tim mình thổn thức. Sau cùng, chị gật đầu. Chị đồng ý gắn đời mình với người đàn ông ngồi xe lăn, nhưng có trái tim vô cùng chân thành.
Anh Lâm nói: "Trong suốt 5 năm yêu nhau, chúng tôi không dám công khai cho bạn bè, gia đình cô ấy vì sợ Thơ sẽ gặp áp lực. Sau thời gian bên nhau, tôi cầu hôn Thơ bằng một bài thơ. Để nhà vợ có cái nhìn khác về mình, tôi đã nỗ lực học tập, lo lắng cho cô ấy. Tôi làm quảng cáo, bán hàng... tất cả những công việc có thể kiếm thu nhập. Cả hai cùng nỗ lực miệt mài để vợ sửa sang nhà cửa dưới quê. Chúng tôi đã đồng lòng trong suốt thời gian đó".
Ban đầu, gia đình Thơ cũng không đồng ý, nhưng sau khi nghe con gái kể về quãng thời gian đồng cảm cộng khổ, đi qua bao ngọt bùi cay đắng, mẹ cô cũng gật đầu.
Đám cưới diễn ra tại "làng may mắn" trong sự chúc phúc của bà con, bạn bè hai bên. Ngọt ngào, ấm áp, đong đầy hạnh phúc, anh Lâm và chị Thơ đã bước vào cuộc hôn nhân như thế.
Mỗi ngày, anh Lâm dạy học, chị Thơ đi chợ, nấu cơm, chăm sóc chồng. Tình yêu giản đơn mà chân thành. "Vợ tôi là một cô gái hiền lành và đảm đang. Một tay cô ấy đút cơm, thay đồ, lo lắng cho tôi. Có người phụ nữ như thế ở cạnh, đối với tôi là một hạnh phúc", anh nói.
Trong suốt thời gian yêu nhau, cưới nhau, cả hai chưa bao giờ nói chia tay. Anh Lâm đã nắm tay vợ thật chặt để vượt qua mọi bão giông của cuộc đời.