Chuyện phía sau phòng khám của vị bác sĩ già 25 năm thắp hy vọng cho bệnh nhân nghèo ở Hà Nội

Chuyện phía sau phòng khám của vị bác sĩ già 25 năm thắp hy vọng cho bệnh nhân nghèo ở Hà Nội

Logo Saostar - Special special

Chuyện phía sau phòng khám của vị bác sĩ già 25 năm thắp hy vọng cho bệnh nhân nghèo ở Hà Nội

Copy Link
Chia sẻ

Chuyện người đàn ông 25 năm làm việc tốt nhưng luôn nói: “Tôi không có gì để kể”

Phòng khám số 7, địa chỉ 424 Thụy Khuê lúc 11h trưa đã chuẩn bị đóng cửa. Thấy chúng tôi mang máy ảnh bước tới, TS Y học Nguyễn Văn Chương (SN 1934) vội vã xua tay báo hiệu. Làm việc quần quật từ 6h sáng với hàng chục bệnh nhân, đến 11h trưa, TS Chương đã cảm thấy mệt mỏi rã rời, không còn đủ sức nói chuyện. Điều ông mong mỏi nhất là được đi ăn cơm và sau đó, 1h chiều lại tiếp tục với guồng quay công việc… Mọi thứ đã diễn ra đều đặn như thế suốt hơn 25 năm qua - một cột mốc dài bằng 1/3 đời người.

Mệt lắm rồi, có chuyện gì đâu mà kể… Bệnh nhân đông quá rồi, tôi không có nhu cầu quảng cáo” là những câu đầu tiên ông Chương thốt lên. Vừa nói, ông vừa cười, dáng bộ hiền lành khiến không một ai nghĩ mình đang bị “đuổi khéo”.

Clip phòng khám giá rẻ của ông Chương ở số 7 ngõ 424 Thụy Khuê.

Chuyện phía sau phòng khám của vị bác sĩ già 25 năm thắp hy vọng cho bệnh nhân nghèo ở Hà Nội

Chắc nhiều người sẽ thắc mắc vì sao một người đàn ông chỉ ngồi chẩn bệnh, kê đơn lại mệt mỏi đến nhường ấy. Tất nhiên vì làm việc nhiều, vì đông bệnh nhân, vì tuổi cao… nhưng điều quan trọng nhất là vị TS Y học này không lúc nào ngồi yên một chỗ. Công việc của ông là tập luyện, phục hồi chức năng cho bệnh nhân. Đây là một lĩnh vực đòi hỏi người bác sĩ phải vận dụng rất nhiều sức khỏe với các động tác kéo, đẩy, xóa bóp…

Lúc chúng tôi đến chỉ còn một bệnh nhân cuối cùng bị viêm khớp, ông Chương đang lấy dầu và xoa bóp, tập luyện cho bệnh nhân. Những động tác này tưởng như đơn giản nhưng khiến cả bệnh nhân lẫn bác sĩ đều mệt bơ phờ. Nhờ có ông Chương, khớp gối, khuỷu tay của bệnh nhân đã cải thiện hơn rất nhiều. Từ chỗ không thể đi lại nổi, cô đã dần phục hồi.

Bác sĩ này tốt lắm này, cô chữa nhiều nơi không khỏi nhưng đến đây thấy đỡ liền. Ông chữa cho cô vì bị viêm khớp, mấy hôm trước đau không đi được mà giờ cô đỡ nhiều lắm rồi“, người phụ nữ trung niên đang được TS Chương điều trị chia sẻ.

Những bệnh nhân ở đây kể rằng, ông Chương có rất nhiều bệnh nhân là người bị tai biến xuất huyết hoặc nhồi máu não. Có những bệnh nhân liệt nửa người, sau một thời gian kiên trì tập luyện và chữa bệnh theo phương pháp tập luyện vật lý trị liệu kết hợp với dùng thuốc của TS Chương đã cải thiện rõ rệt. 25 năm đã qua, có biết bao người bệnh tìm thấy hy vọng từ phòng khám nhỏ bé có lẽ chỉ khoảng gần 20m2 này.

Những người không biết đi đã dần bình phục, chống gậy đi được, những bệnh nhân bị viêm khớp, thoái hóa cột sống… cảm thấy sự tiến triển từng ngày… Có một vị bác sĩ, bản thân làm lãnh đạo một bệnh viện nhưng khi vợ bị tai biến cũng đã đưa đến chỗ ông Chương điều trị… Tất cả đều là những chuyện tốt ông Chương đang viết nên từng ngày. Vậy nhưng hễ khi muốn đào sâu hỏi kỹ thêm, ông Chương đều gạt đi vì: “Tôi đã làm được gì đâu, những chuyện nhỏ này so với xã hội chỉ như hạt cát bay qua đường thôi”.

Tủ thuốc 10 năm giữ nguyên giá 10.000 đồng và phòng khám người dân hết mực trân quý

Chuyện phía sau phòng khám của vị bác sĩ già 25 năm thắp hy vọng cho bệnh nhân nghèo ở Hà Nội

Những ai có người nhà bị tai biến mạch máu não dẫn đến di chứng liệt nửa người hoặc toàn thân chắc sẽ hiểu, chi phí thuê người tập vật lý trị liệu khá đắt đỏ. 45 phút tập trong một số viện với các kỹ thuật viên có giá khoảng 150.000 đồng, nếu ở phòng khám tư hoặc thuê người về nhà tập, con số này có thể tăng cao tới 300.000 - 350.000 đồng/giờ. Vậy nhưng ở phòng khám của ông Chương, số tiền này rẻ hơn 1 nửa. Đối với người đi làm có lương, ông thu 150.000 đồng/2h, người nghèo không lương là 100.000 và trẻ em là 50.000 đồng.

Lý do ông Chương mở phòng khám này chủ yếu vì người nghèo. Nhưng vị bác sĩ già không chê bệnh nhân. Bất kể ai mang bệnh khi đến với phòng khám đều được ông chạy chữa nhiệt tình. Thế nên nếu nói đúng ra, phòng khám này được người đàn ông hết tuổi lao động cố gắng duy trì cũng chỉ bởi ước mơ chữa bệnh cho tất cả mọi người với chi phí tiết kiệm, hiệu quả nhất, đem lại sức khỏe, niềm vui, nụ cười cho tất cả mọi người… Cuộc sống khi thấy những người khác vui có lẽ chính là cuộc sống an nhiên nhất, hạnh phúc nhất mà không phải ai cũng có được.

Ông Chương thường nói, nụ cười ấy chính là cái giá to lớn nhất mà ông được trả công.

Chuyện phía sau phòng khám của vị bác sĩ già 25 năm thắp hy vọng cho bệnh nhân nghèo ở Hà Nội

Nếu người ở xa, phải thuê trọ rồi đến đây để tôi trị bệnh cho cũng tốn kém… Thế nên nhiều bệnh nhân bị liệt do tai biến mạch mão não đến đây, tôi chỉ đường hướng cho về để tự tập, dùng thuốc, máy móc hỗ trợ ở nhà… mà bình phục được với chi phí rẻ hơn, hiệu quả hơn”, ông Chương kể.

11h30, phòng khám số 7 ngõ 424 Thụy Khuê khép chặt cửa. Ông Chương kết thúc ca làm việc buổi sáng. Ở đây chỉ có một mình ông. Camera lắp quanh nhà nhưng đôi khi ông vẫn thấy sợ hãi vì chỉ có một mình, nhà cửa luôn mở rộng để đón bệnh nhân. Thời buổi này, đôi khi không biết ai là người tốt, ai là người xấu.

Đêm qua có 4 người từ miền Trung ra lúc nửa đêm gọi cửa xin mua thuốc. Tôi giật mình, chỉ hé mở khe cửa để đưa thuốc. Mình làm chuyện tốt giúp người thật đấy nhưng vẫn phải luôn luôn cảnh giác“.

Chuyện phía sau phòng khám của vị bác sĩ già 25 năm thắp hy vọng cho bệnh nhân nghèo ở Hà Nội

Lúc này chúng tôi mới chú ý đến tủ thuốc của ông Chương, ở đó có một loại thuốc trị viêm xoang gia truyền, rất nhiều người dùng và thấy tiến triển rõ rệt. Đây cũng là loại thuốc mà nhóm người miền Trung tối qua đến hỏi mua. Ông Chương bảo có rất nhiều đơn vị muốn hợp tác, mua công thức làm thuốc và chia lợi tức cho ông nhưng TS Chương không đồng ý.

Tôi không có nhu cầu kiếm nhiều tiền mà cũng không muốn thuốc gia truyền bị sản xuất công nghiệp và bán với giá vài chục nghìn 1 lọ. Tôi sản xuất cái thuốc này bán 10 năm chưa đổi giá, bao nhiêu thứ tăng nhưng nó vẫn chỉ có 10.000 đồng mà thôi“.

Vừa nói, ông Chương vừa chỉ vào tủ thuốc, những thứ có trong đó hầu hết đều có giá 10.000 đồng. Ở phòng khám này không có thứ gì cho không nhưng tất cả đều được bán với giá rẻ nhất có thể. Thời cuộc có thể đổi thay nhưng tấm lòng của người thầy thuốc thì vẫn mãi như thế, đó hẳn chính là điều khiến nơi đây được bệnh nhân nghèo yêu trân quý. Nhìn thấy cửa phòng khám đã đóng, tất cả lại yên lặng ngồi chờ hoặc ngậm ngùi quay đi đợi đến phiên làm việc buổi chiều.

Người bệnh ở đây, nếu ai kém tuổi thường gọi ông Chương là ông và xưng con rất thân mật. Họ tôn trọng ông, không muốn nài ép ông vất vả điều trị. Điều ấy xuất phát từ lòng kính trọng và hơn hết là hy vọng, người bác sĩ già này rồi đây sẽ giữ mãi được sức khỏe để trị bệnh giá rẻ và thắp sáng những hy vọng mới cho người bệnh đang sống giữa bóng đen của bệnh tật giày vò.

Bài viết

Vương Phi

Copy Link
Chia sẻ
Cuộn xuống để đọc tiếp Đọc
tiếp