“Nhà thơ hoa sen không nói không cười
Ngủ quên đến phước về tới Tây phương
Đấu phủ sư phụ nhà thơ Hàn Mặc Tử
Tấn công mấy chàng thơ văn chiều nay…”
“Nhà thơ hoa sen” 24 năm mưu sinh ở vệ đường
“Có đi ngang trạm thu phí Suối Giữa, ghé vô mua cho ông lão bó sen. Tội lắm! Một thân một mình ở tuổi này rồi vẫn đi bán chắt bóp từng đồng cúng Phật…”. Nhiều năm nay, người dân đi ngang đoạn đường QL.13 về Bến Cát (Bình Dương) vẫn cứ nhắc khéo nhau về ông lão gầy nhom, mình trần bán sen ấy.
Đều đặn 8h sáng đến 17h tối, ông lão lại ra ngồi góc đường, tỉ mỉ chăm từng bó sen hồng. Ông không mặc áo vì muốn thuận theo gió trời tự nhiên, ông không mệt vì “mình còn sức kiếm tiến”. Ông chỉ mặc độc chiếc quần màu đất kéo cao, được luồn bằng dây thừng và bàn chân co rúm xỏ đôi dép xốp ràng dây nhợ…
Khi ế khách, nhìn trời, ông lão buồn thì hát, lúc vui làm thơ… Mọi người quen ông, thương ông và gọi ông bằng cái tên mĩ miều: Nhà thơ hoa sen.
Ông lão nhà thơ hoa sen ấy tên thật Nguyễn Văn Xuân (84 tuổi). Ông kể lại rằng: Năm đó, cha bỏ rơi gia đình từ khi cậu bé Xuân vừa biết bò, một mình mẹ tần tảo nuôi cậu khôn lớn. Đến 19 tuổi, Xuân bỏ nhà đi nương nhờ cửa Phật. 4 năm sau trở về, cậu lại đăng kí ra trận. Chẳng duyên chẳng nợ, không bận nghĩ chuyện vợ con nên sau ngày giải phóng, cậu lại sống cùng mẹ già.
“Tui chăm mẹ tới năm 78 tuổi thì mẹ mất, rồi tui ở vậy luôn. Mẹ để lại mảnh đất này, nhiều người nói bán đi có chút tiền an hưởng tuổi già. Nhưng đó là phần đời của mẹ cha nên tui không bán đâu, chỉ trồng cây, trồng sen quanh nhà thôi…”
Cứ thế, để duy trì cuộc sống, ông Xuân vẫn hằng ngày tất tả mưu sinh. Mỗi buổi trưa, ông lặn lội ra ruộng hái sen, rồi bó, chất lên con xe sắt đẩy đi bán dạo. Hỏi ra, ông bảo: Cái công bán sen cũng như cái duyên vậy. Vì cả đời ông chỉ yêu mỗi loài hoa này.
“Vì sen là loài đẹp nhất, tinh khiết, mong manh, lại hướng Phật giống như cuộc đời tui vậy. Tui đi làm cũng chỉ để có thời gian ngắm sen và làm thơ về sen…” - ông kể.
2 năm nay, chân tay yếu dần, ông lão không còn sức để lội đồng nữa. Nhiều người khuyên nghỉ nhưng ông vẫn một mực chịu nắng chịu mưa đi bán sen. Người ta thương bèn cho góc nhỏ vệ đường để lão ngồi. Hàng xóm cũng phụ một tay hái sen, chở đến chỗ bán, bày hàng rồi trời chập choạng tối lại chở ông về.
“Mỗi ngày, tui kiếm được khoảng 100-200 ngàn đồng, có hôm cũng ế. Nhưng lời lỗ không quan trọng vì tui bán cho người ta, người ta đem về thờ cúng thì lòng mình cũng thanh thản”.
Tách biệt khỏi phồn hoa, sống một đời như trang lão tử
Cả một đời mưu sinh khó nhọc, mỗi ngày đều phải “bán lưng cho đất, bán mặt cho trời”. Nhưng với ông Xuân, đó là chuỗi ngày an yên nhất cuộc đời. Để rồi, ở tuổi xế chiều, ông tự chọn cho mình cách sống gần như tách biệt khỏi thế giới hiện đại.
“Tôi sống có một mình, ăn cơm ngày 2 bữa là no, không cần gì thêm nên làm bao nhiêu tiền là tôi mua vật liệu về “xây” nhà, tự thiết kế vật dụng… Tôi ưa thiết kế lắm, chỗ tôi có cái gì nhặt được là cũng đem về để thiết kế hết!”.
Ông vui vẻ khoe về cái “dinh thự” có một-không-hai của mình. Ở đó, trong căn nhà tuềnh toàng lợp bằng tôn cũ chắp vá, ông dùng đôi chiếc xe đẩy lắp ráp đơn sơ rồi lót giấy làm giường, mua những cái lu đất màu vàng đồng đựng quần áo… Cứ thế, mảnh đất 500 mét vuông, ông dành phần hơn là cho đìa sen, trồng cây mít, chôm chôm, trâm… hơn là mình.
“Tui còn thấy ai vứt dép là nhặt về nữa. Sửa chút rồi ràng lại bằng dây nhợ là mang được rồi, êm lắm…” - ông hào hứng kể về bộ siêu tập “vô giá” của mình.
Hơn nửa cuộc đời, ông Xuân chưa từng biết đến cái quạt máy, tivi, tủ lạnh, hay cuộc sống hiện đại là gì? Ông ngủ bằng những cơn gió sống, uống nước mưa, ăn cây trái mọc quanh nhà… Cuộc sống chan hoà vào thiên nhiên khiến lão dù đã 84 vẫn khoẻ khoắn, chẳng bệnh chẳng tật mà yêu đời lắm.
Ông Xuân tự nhận mình có mối tương duyên cùng Hàn Mặc Tử. Có những ngày cực nhọc, ông lại tự tạo niềm vui bằng cách bầu bạn cùng sen hồng và thơ. Ông ngâm thơ về đời, về cuộc sống, về hoa sen, về một nhân vật “nó” nào đó làm ông nhớ mãi.
“Em đừng bỏ anh bơ vơ giữa đoạn đường tình
Đói quá em ơi, cho anh một bữa cơm nghèo
Bữa cơm nồng nàn chan chứa tình thương
Anh đã chết đầu tiên gặp gỡ,
Chết trong lòng, chết giữa chốn em…”
“Em ra đi tiếng gà chưa tỏ sáng
Lúc anh về lúa mới trổ bông.
Cánh đồng xanh rập rờn ruộng lúa
Quê mình đẹp lắm em ơi!
Tôi không sợ nhà thơ,
Tôi không sợ nhà văn,
Tôi không sợ nhân tài nằm trong lá ủ,
Tôi chỉ sợ tình nàng không đến với tôi…”
Ai thấy lão nghèo, chứ tôi thấy lão Xuân giàu có thật! Giàu ở cuộc đời vô ưu, chẳng lo toan, tham vọng. Cả đời, lão đã sống an yên cùng mảnh tình thơ chan chứa, từ cành sen tự trồng, tự bó và tự đem bán cho người,… Tất cả đã thành niềm vui tuổi già của lão.
Để rồi mỗi lần qua đường, thấy lão ngồi đó, bên vệ đường, mình trần, quần cộc, dép tổ ong, và mỉm cười trong mưa,… Người ta chợt nhận ra: Một đời ông đã là một đoá sen kỳ diệu.