Chuyện ở xóm ốc Sài Gòn (phần 1): Những đứa trẻ 'ăn chưa no mà lo đã tới'
Dọc theo con đường Nguyễn Văn Linh hướng về Bình Chánh sẽ đi ngang qua những trung tâm mua sắm to lớn hào nhoáng và những khu dân cư sang trọng bậc nhất thành phố. Nhưng cũng ngay trên con đường ấy lại có 1 cái xóm nhỏ nằm ven đường và ở đấy người dân quen gọi bằng cái tên thân thuộc là Xóm ốc. Xóm ốc rất khó tìm bởi lẽ nó nằm tít trong quốc lộ, chỉ khi đi ngang quốc lộ 51 và hỏi thăm những người bán rau nhút gần đó thì mới tìm được đến cái xóm nhỏ này thôi.
Gọi là Xóm ốc bởi lẽ đó là thu nhập chính của những người dân ở đây, sáng sớm đi bắt ốc rồi về nấu, lấy thịt ốc rồi mang đi bán. Cứ như vậy, chạy dọc theo con đường đó hỏi người dân ven đường người ta sẽ chỉ tay về một cái khu nhà lụp xụp, buồn hiu nằm ven quốc lộ ấy
Nhưng cái xóm cũng không hẳn là buồn lắm, bởi sáng trưa chiều tối đều đầy ắp tiếng của lũ trẻ con. Cái lũ nhỏ xa xứ cũng theo cha mẹ đi mưu sinh lam lũ, ấy vậy mà cái nghèo cũng không kiềm nổi sự hồn nhiên của đám trẻ con ở đây.
Dân ở đây chủ yếu là ở miền Tây lên có người quê An Giang, Tiền Giang có người thì tận Kiên Giang. Lũ nhỏ hay ngồi kể chuyện ở quê: “Quê em vui lắm, mà một năm em về được có 1 lần hà.
Bọn nhỏ lớn lên trong cái vất vả, sớm sớm ba mẹ đã đi bắt ốc, giăng câu. Có đứa thì đếntrường, có đứa thì nghỉ học đã lâu. Nhưng chỉ cần có vài ba đứa tụm lại thì dù là trưa nắng vẫn nghe rợp tiếng cười nói của chúng. Vài món đồ chơi đơn sơ mà giờ hiếm thấy ở những đứa trẻ tuổi đấy thì ở đây vẫn là một món đồ xa xỉ. Cây súng nhựa, cái súng thổi bong bóng từ xà bông rửa chén…
Như Đạt cậu bé gầy nhom dù đã bước sang tuổi 12, hồn nhiên kể: “Tụi em chơi với nhau cả ngày, sáng đứa nào đi làm thì đi còn đi học thì đi. Trưa về thì tụ lại đây chơi với nhau, có gì chơi nấy. Như cái này nè, là nãy tụi em mới pha xà bông ra để thổi nè chị.”
Con chữ học thì chỉ để cho biết chứ chẳng dám mơ xa. Mấy đứa nhỏ ở đây khi được hỏi về ước mơ sau này đều hoặc cúi mặt hoặc lắc đầu: “Em cũng không biết nữa” hoặc “Dạ thì bán ốc kiếm tiền nè chị chứ biết làm gì đâu?” Vậy là hóa ra ở cái xóm nghèo này là nơi mà những giấc mơ mỏng manh chưa kịp lớn đã già rồi.
Khi chúng ta ở tuổi của các em có khi còn ăn chưa no lo chưa tới chứ đừng nghĩ đến việc mưu sinh. Vậy mà ở đây các em đã gánh phụ cha mẹ cái gánh nặng cơm áo gạo tiền đè nặng lên đôi vai kia. Nhưng có hề gì đâu, tụi nhỏ vẫn nhín chút tiền ra mua cái bánh mì kẹp kem, chai nước ngọt màu mè hay có thằng nhỏ kia còn nhịn ăn dành ra 1 ngày 7 ngàn đồng để mua bịch sữa cho con chó con rồi thỏ thẻ : “Con ghét ai ăn thịt chó lắm cô, con thương chó lắm”. Vậy tính ra tụi nhỏ cũng “giàu” lắm chứ bộ.
Chúng ta có thể biết rất nhiều những con đường ở Sài Gòn, nhưng chúng ta sẽ chẳng bao giờ biết hết những ngõ ngách trong thành phố này. Lại càng không thể biết rằng đâu đó ở giữa lòng phố xá thân thuộc lại có những mảnh đời khó khăn vẫn ngày ngày bám víu vào mặt đất này như cây xanh trong trận bão lớn. Và ai dám nói chắc rằng, sau bão ấy những cây non vẫn còn cứng cáp?
Chúng ta thì vốn dĩ hay nghĩ rằng mình thiếu thốn, mình khổ, mình áp lực vì nhiều điều. Nhưng ở cái xóm này, mở mắt ra nghĩ đến miến ăn đã là khổ. Vậy thôi, giờ mình đừng than thở nữa mà thử 1 lần khổ một cách hồn nhiên như lũ trẻ Xóm ốc coi.
Chẳng ai biết ngày mai sẽ ra sao, những đứa trẻ ở đây rồi cũng sẽ lớn lên bằng cách này hoặc cách khác. Còn cái xóm nghèo ấy chẳng có điều gì là chắc chắn ngoại trừ nghị lực sống của các em. Không thỏa hiệp với cuộc sống này một cách dễ dàng đó đã là sự can đảm phi thường rồi.