Những ngày qua, mạng xã hội "cuồn cuộn" những thông tin về miền Trung. Đó là những đau thương, mất mát, là cơn lũ cuốn trôi ngôi nhà, là trận sạt lở kinh hoàng vùi lấp cả gia đình. Ở nơi ấy, có cậu học trò người M'nông gục khóc bên nấm mồ mẹ cha, có những đôi tay đầy bùn lầy để tìm thân thể đồng bào...
"Khi những hình ảnh miền Trung "lấp kín" màn hình điện thoại, máy tính, trái tim chúng tôi cũng run rẩy. Những con người ngoài kia là đồng bào mình, tôi muốn giúp họ, chỉ thế thôi" - anh Ngô Hùng, một trong những người đến miền Trung cứu trợ chia sẻ.
Nếu đi đến miền Trung những ngày này, bạn sẽ thấy các tuyến đường quốc lộ sẽ có hàng xe dài nối đuôi nhau. "Hướng về miền Trung", "Vì miền Trung thân yêu", "Thương quá miền Trung", "Cố lên miền Trung"... là những khẩu hiệu được dán lên mui xe. Họ hướng về miền Trung bằng những trái tim quả cảm. Và những cuộc hành trình đó cũng đầy ắp các câu chuyện cảm động.
Đi lạc trong rừng
Anh Ngô Hùng (TP.HCM) chia sẻ: "Khi chúng tôi đặt chân đến thị trấn Kiến Giang, Lệ Thuỷ, Quảng Bình, nước đã cao quá đầu gối. Thật khó mà tưởng tượng ở giai đoạn nước dâng cao 5 mét, người dân ở đây đã sống thể nào, sinh hoạt ra sao. Hàng hoá cứu trợ gồm mì gói, gạo, bánh tét, sữa tươi, nước mắm, muối, đường, bột ngọt.... đều được di chuyển bằng thuyền miễn phí".
Trong hành trình đó, anh đã gặp không ít bà con người dân tộc sống trong hoàn cảnh khó khăn, điển hình là huyện Minh Hoà. Anh nhờ lại: "Vùng đất này được bao quanh bởi núi rừng và hồ nước lớn. Ban đầu, chúng tôi đã đi lạc trong rừng, lệch hướng chính tận 60 km.
Trời thì rét căm căm, lúc quay xe lại phải ghé nhà dân xin nước sôi ăn mì, ngủ nhờ. Lần đầu tiên trong đời, tôi được trải qua cái cảm giác lạnh buốt người, không có điện, nước sạch. Nhóm thì ngủ cùng với chủ nhà, người thì ngủ ngoài sàn. Hai, ba người ngủ chung cái chăn ngủ".
Bà con vùng lũ nương thân trên những nhà phao, cứ thế lênh đênh từ ngày này qua ngày khác. Chứng kiến cách họ sống, nhiều người trong đoàn không khỏi xúc động trước những gì hiện ra trước mắt mình.
Ở vùng sát biển của tỉnh Quảng Bình, lũ cuốn trôi rất nhiều nhà, ruộng lúa mất trắng. Trao cho họ những phần quà mà thấy trong lòng còn quá nhiều nỗi niềm. "Họ mất sạch tài sài, rồi ngày mai, những đứa trẻ sẽ đến trường thế nào, họ sẽ dựng lại ngôi nhà ra sao... Chỉ nghĩ đến đó thôi là mình cảm thấy vô cùng đau lòng. Có thể thùng mì tôm này, túi gạo kia sẽ lấp đầy dạ dày hôm nay, nhưng còn ngày mai, ngày kia thì thế nào" - anh trăn trở.
Hành trình ngồi xe từ Đồng Nai đến Quảng Bình hơn 1000 cây số, nhưng chưa bao giờ anh cảm thấy mệt mỏi. Bởi lẽ, có quá nhiều điều cho đi, nhận lại trong lúc này. Và những con người trên chuyến xe ấy, trong balo của họ cũng đã có đầy ắp yêu thương.
Về vùng lũ quét
"Họ khổ quá...", anh Phạm Giang (Quảng Trị) nói với tôi rồi im lặng. Những ngày vừa qua, khi cơn lũ dữ đi qua quê hương mình, không ít lần anh cảm thấy đau lòng. Anh quyết định cùng đoàn thiện nguyện đi đến vùng Hướng Hoá, một "điểm nóng" của những vụ sạt lở kinh hoàng, nơi bà con vẫn còn sống trong nỗi lo toan.
Anh kể lại: "Có những người lái xe họ bỏ cả công ăn, việc làm chỉ để làm một việc duy nhất: chở đoàn thiện nguyện miễn phí. Khi chúng tôi đề nghị gửi tiền xe họ nhất quyết từ chối, mười mấy ngày như thế họ tự bỏ tiền túi ra. 11 giờ đêm, chúng tôi mới sắp xếp xong công việc để lên đường. Chăn màn, nhu yếu phẩm chất đầy xe.
Đời sống bình thường của họ đã có muôn vàn khó khăn rồi, lũ quét khiến mọi thứ trở nên nhọc nhằn hơn. Họ quý từng chiếc chăn màn, từng tấm áo lành lặn... Những hình ảnh ấy khiến chúng tôi nhớ mãi".
Của cho không bằng cách cho, đoàn từ thiện của anh tâm niệm thế. Mỗi ngày, đều có người nhận nhiệm vụ phân loại quần áo, giày dép giặt giũ sạch sẽ, tinh tươm rồi cho vào túi. "Có nhiều đoàn họ cứ kiểu xả hàng xuống cho xong, như thế thì không hay lắm. Tôi nghĩ điều gì xuất phát từ trái tim, sẽ đến được với trái tim".
Những ngày qua, đồng bào miền Trung đã nhận được biết bao sự san sẻ từ người dân trên khắp cả nước. Và cứ thế, các chuyến xe cứ đi ngược vào bão, vào lũ để cứu trợ đồng bào của mình. Hình ảnh đó luôn in đậm trong trái tim của những con người Việt Nam.