Khi còn là trẻ con, tôi tin ai cũng đã từng reo vui trước một chiếc lồng đèn rực rỡ sắc màu. Trong kí ức của tôi, đó là những chiếc lồng đèn được làm từ khung tre vững chắc, bọc lớp giấy kiếng lấp lánh và bên trong có một chỗ để cắm đèn cầy. Phải có thật nhiều tâm huyết, tỉ mỉ lẫn lòng yêu nghề, người thực hiện mới cho ra đời được những chiếc lồng đèn đẹp đẽ như thế.
Sinh ra trong một gia đình có truyền thống làm lồng đèn truyền thống, kí ức tuổi thơ của bạn Thu Hồng là đôi bàn tay thoăn thoắt của bố mẹ uốn từng nhánh tre, là xấp giấy kiếng đủ màu lấp lánh, là những nỗi niềm trĩu nặng trước những cái lắc đầu của thương lái.
Nhân dịp Tết Trung Thu sắp về, tôi đã có dịp trò chuyện với bạn về chuyện nghề, nếp nhà và những cảm xúc xung quanh những chiếc lồng đèn truyền thống. Và để thấy rằng, muốn giữ nghề thì phải thật yêu nghề.
Bạn có thể chia sẻ nhiều hơn về nghề truyền thống của gia đình mình?
Bố mẹ mình sinh ra ở làng Báo Đáp, huyện Nam Trực, tỉnh Nam Định, nơi được nhiều người biết đến là làng nghề làm đèn ông sao truyền thống thủ công. Nghề được bắt đầu từ thời ông bà mình. Sau này, khi vào trong Nam sống thì bố mẹ mình đã làm thêm nhiều loại đèn con để phục vụ thị hiếu của khách hàng.
Tuổi thơ của mình dường như không có kì nghỉ hè, vì cứ đến hè nhà mình lại làm lồng đèn. Mình phải phụ giúp bố mẹ làm từ sáng đến tối. Con nít trong xóm đều tụ tập trước sân nhà mình chơi các trò chơi dân gian…
Để một chiếc lồng đèn truyền thống ra đời chắc hẳn phải trải qua nhiều công đoạn?
Đầu tiên, bố mẹ mình sẽ mua tre về chẻ, ngâm nước cho dẻo rồi dùng lon uốn cong từng thanh tre, sau đó phơi nắng để tre ko bị mọt. Sau đó, mình phải cắt kẽm cột tre để tạo hình cho phần khung. Giấy kiếng được chuẩn bị sẵn để lắp vào từng bộ phận, mẹ mình sẽ nấu hồ quét lên từng thanh tre.
Công đoạn pha phẩm màu khá đặc biệt, nếu pha không đúng tỉ lệ màu sẽ không sáng, không bám vào giấy kiếng, đèn sẽ xấu hoặc hư. Bố mẹ mình sẽ tỉ mỉ vẽ hình ảnh lên từng bộ phận, sau đó đợi khô, gắn lò xo đèn cầy, cột dây và đóng gói xếp lại. Mỗi công đoạn đều có cái khó riêng và đều cần sự tỉ mỉ, khéo léo.
Hiện tại, có rất nhiều loại lồng đèn xuất xứ Trung Quốc, lồng đèn công nghiệp trên thị trường. Điều này có phải một sự khó khăn để giữ gìn nghề lồng đèn truyền thống?
Mình nghĩ lồng đèn công nghiệp sẽ không bao giờ thay thế được đèn truyền thống. Vì lồng đèn được làm thủ công gắn liền với tuổi thơ, gợi nhớ biết bao là kỉ niệm, mang theo nét đẹp trong văn hóa truyền thống Việt Nam. Mình tin rằng bất kì ai khi cầm chiếc lồng đèn trên tay cũng cảm nhận được tâm tình của người thực hiện.
Mình có tình cờ thấy bạn đăng tải một status kêu gọi ủng hộ lồng đèn truyền thống. Câu chuyện này đã bắt đầu như thế nào?
Công việc làm lồng đèn truyền thống bây giờ được xem như là thú vui về già của bố mẹ mình khi lên thành phố, có thể kiếm được tiền lại không phụ thuộc con cái.
Bố mẹ mình lúc lên đây làm lồng đèn cũng đi chào từng mối ở Chợ Lớn. Họ thấy lồng đèn vẽ sạch sẽ, màu sắc bắt mắt nên đã mua số lượng lớn và đặt thêm vào năm sau. Có mối rồi mỗi năm bố mẹ mình đều làm, bán rẻ chút nhưng đỡ cực công bán lẻ.
Năm nay, do ảnh hưởng của dịch COVID-19, mối họ không xuất đi được nên không mua nữa. Bố mẹ lặng lẽ cất đèn vào phòng, mình về nhà thấy bố mẹ buồn nên đã đăng bài bán trên mạng giúp bố mẹ. Mình không nghĩ là được mọi người ủng hộ nhiều như thế.
Vì dịch bệnh nên làng đèn quê bố mẹ mình còn tồn hàng rất nhiều. Dưới quê, họ không xài mạng xã hội nhiều nên không biết cách quảng bá đèn. Mình rất hy vọng có ai đó sẽ hỗ trợ truyền thông để giới thiệu đèn cho mọi người.
Điều nào khiến bạn tự hào về nghề truyền thống của gia đình?
Mình chỉ đồng hành làm đèn cùng bố mẹ đến năm học cấp 3 vì còn phải tập trung thi cử. Sau đó vì cực quá lại không có ai phụ nên bố mẹ mình đã bỏ nghề, chuyển lên thành phố ở. Bố mẹ mình chỉ mới quay lại nghề khoảng 5 năm đổ lại đây.
Điều khiến mình tự hào nhất là những chiếc lồng đèn này đã đi cùng tuổi thơ của biết bao trẻ em, là nét đẹp của văn hóa truyền thống được gìn giữ qua bao thế hệ. Làm 1 chiếc lồng đèn đẹp cần có tâm huyết cùng đôi bàn tay khéo léo của người nghệ nhân thủ công.
Ngày mình còn nhỏ, khi thi làm lồng đèn truyền thống trong trường, mình luôn đạt giải nhất và đèn của mình được trưng bày ở phòng ban giám hiệu trường. Đến khi lớn lên, ngày Trung Thu đối với mình là những kí ức thật rực rỡ. Đó là khi cả xóm trên, xóm dưới đều tụ họp lại một nơi, chơi những trò chơi dân gian, phát bánh và cùng nhau rước đèn quanh xóm làng. Cả người lớn lẫn con nít đều hân hoan và điều đặc biệt là những chiếc đèn rước trăng đều do bố mẹ mình làm.
Xin cảm ơn phần chia sẻ của bạn!