Người Hà Thành xưa nay vốn cầu kỳ trong nhiều thứ. Chất thanh lịch, nho nhã, tinh tế của người Hà Thành không chỉ thể hiện trong từng lời ăn tiếng nói, cử chỉ, hành động thường ngày mà còn trong cách ăn uống.
Ấy thế mà trà đá lại chẳng cầu kỳ. Mấy chiếc ghế thấp bên ly trà, địa điểm có thể là bất cứ đâu, vỉa hè, trong hẻm, bậc thềm… bất kỳ chỗ nào có thế ngồi. Ai bảo trà đá là không sang? Sang mà lại hoá chẳng sang, bình dị đến thân thuộc. Trà đá vốn chẳng phải thứ thức uống kén chọn người. Từ người sang chảnh đến bình dị, ai cũng có thể vô tư ngồi quán trà đá vỉa hè mà không cần phải cân nhắc xem nó có đẳng cấp hay không.
Ở Hà Nội thứ rẻ nhất, dễ mua nhất có lẽ là trà đá. Liệu đã có ai tự hỏi: “Trà đá Hà Nội có từ bao giờ?”
Đi qua quán trà đá nhỏ của cụ Én nằm trên phố Hàng Trống, ghé vào quán gọi một ly trà xanh, chậm rãi thưởng trà ngắm nhìn đường phố bình yên. Cụ Én năm nay đã 85 tuổi, ấy vậy mà cụ đã bán trà cũng được gần cả đời người.
Gọi là quán trà nhưng thực ra quán nhỏ của cụ là một góc “nem nép” trong lối đi nhỏ dẫn vào khu dân cư với những chiếc tủ để đồ đã cũ, một cái bàn nhỏ, chiếc ghế gỗ đã gãy mục và một vài cái ghế nhựa… Trà của cụ cũng đặc biệt lắm. Cụ không dùng chè khô như các quán vẫn làm. Chén trà từ những lá trà tươi được sửa sạch, vò nát rồi ngấm qua nước nóng cho ra một thứ trà tuyệt hảo.
Nhiều năm trước, khi cụ ông vẫn còn, hai ông bà thay nhau ngồi trông quán. Nhưng từ khi ông đi, chỉ còn bà mỗi ngày bên quán nhỏ. Tuổi đã cao, sức yếu, bà cụ cũng chẳng chuyện trò nhiều với khách. Khi có người gọi trà, bà cứ lẳng lặng rót nước rồi đưa cho họ mà thôi.
Không có những câu chuyện “chém gió” bên quán trà, không có những tiếng cười nói rôm rả, tám chuyện như các hàng trà đá khác. Mọi thứ ở hàng trà của cụ Én cứ lặng lặng, chậm rãi và bình yên như chính cái nét riêng của phố cổ Hà Nội vậy.
Thu nhập từ trà đá mang lại chẳng được là bao. Nhìn cụ cần mẫn đếm, xếp từng đồng lẻ tiền trà được trả từ những vị khách thiết nghĩ, có lẽ ở cái tuổi “thất thập cổ lai hy” này bán trà đá không chỉ là nguồn thu nhập mà còn là niềm vui tuổi già của cụ Én. Bởi dù tuổi cao và một lần bị ngã khiến cụ Én bị đau mỗi khi trở trời nhưng cụ vẫn cố gắng ngày nào khỏe, ngày đó lại mở hàng bán trà cho khách.
Dạo qua những hàng trà đá được gọi là “cổ” ở khu phố cổ Hà Nội để thử đi tìm câu trả lời cho câu hỏi “trà đá có từ bao giờ?“. Ghé qua một quán trà khác có tuổi đời gần 20 năm nằm trên con phố Nguyễn Hữu Huân của cụ Doan, năm nay đã ngoài 70.
Ngồi bên ly trà nghe cụ chuyện trò với những vị khách. Những câu trêu đùa không đầu, không cuối, chẳng có nội dung đặc sắc nhưng ai cũng cười tươi. Nhấp thêm ly trà vẹn tròn câu chuyện. Mọi thứ diễn ra chớp nhoáng, khi hết ly trà ai đó lại quay lại với công việc thường nhật của mình.
Trà đá đối với một vài người là thú vui nhưng với một số khác thì không hẳn. Người ta tìm đến trà đá để uống cho có nơi chuyện trò, xua đi cơn khát mùa hè hay cái lạnh giá của mùa đông với ly trà ấm.
Đời sống bây giờ đã hiện đại và phát triển hơn rất nhiều với những hàng quán với các thứ nước xanh đỏ “sang chảnh”. Thế nhưng trà đá vẫn cứ ở đó, vẫn tồn tại mãi với thời gian. Đâu cần gì bàn ghế sang chảnh dưới ánh đèn chói lóa.
Vài chiếc ghế cũ, ấm trà và những cái cốc, thế là có ngay quán trà nhỏ ai cũng có thể ngồi được.
Nghe những câu chuyện rôm rả của những vị khách và chủ quán trà đá, thiết nghĩ chắc chẳng cần phải đi tìm câu trả lời cho câu hỏi “trà đá có từ bao giờ”, vì có lẽ chẳng ai biết trà đá có từ khi nào. Thứ thức uống bình dân cứ vô tư đi vào thói quen của người Hà Nội, không có dấu ấn đặc sắc nhưng lại chẳng bao giờ có thể phai mờ. Có từ bao giờ đâu còn quan trọng bằng việc trà đá đã trở thành một phần cuộc sống không thể thiếu của người Hà Thành như thế nào.
Câu chuyện kể của những người bán trà đá lâu năm thật ra đâu có gì. Chỉ cần đến đó, gọi một ly trà và chậm rãi cảm nhận, sẽ thấy được nhiều điều hơn cả một câu chuyện!…
… Hà Nội trà đá vỉa hè…