Không thể ngồi yên khi chiến trường đang ác liệt
Giữa những năm 60 của thế kỷ trước, khi cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước đang bước vào giai đoạn ác liệt, cô gái Bùi Thị Vân (quê Nam Định) mới tròn 16, khai tăng tuổi để đi thanh niên xung phong với suy nghĩ “không thể ngồi yên một chỗ khi chiến trường đang ác liệt” khi thanh niên làng trên xóm dưới ai ai cũng tòng quân ra tiền quyến.
Khi hết 3 năm nghĩa vụ, biết binh trạm tuyển con gái để lập đội nữ lái xe, Vân xung phong đi học lái. Cô gái nhỏ nhắn, được gọi là Vân “hoa lá” luôn giành thành tích cao trong các cuộc thi Đầu xe Hồng Gấm, Tay lái 8/3… của trung đội. Cô gái trẻ cùng đồng đội nhận nhiệm vụ chở lương thực, thuốc men, súng, đạn từ Vinh (Nghệ An) vào đến bắc bờ sông Gianh (Quảng Bình) rồi chở thương binh, cán bộ miền Nam ra Bắc an dưỡng, học tập.
Tuyến hoạt động đi qua bãi Dinh, Cổng Trời, bãi Đá Đẽo, phà Xuân Sơn, cầu Trạ Ang… những địa danh được đánh giá là trọng điểm của trọng điểm, là những “túi bom” của chiến trường, nơi địch công phá ác liệt, quần thảo ném bom cả ngày lẫn đêm. Đoàn xe vận tải chủ yếu chạy trong đêm để tránh sự phát hiện của địch bằng thứ ánh sáng mờ của chiếc bóng đèn nhỏ treo dưới gầm xe.
“Chúng tôi men theo sườn núi bên Tây Trường Sơn để đi, đường lầy lội, nhiều đoạn cua, dốc và xóc, một bên là vực sâu thăm thẳm. Có đoạn đường chỉ vừa cho chiếc xe lăn bánh, người lái phải căn đường rất chuẩn, nếu không cả người lẫn xe có thể rơi xuống vực hoặc nổ tung, sự sống và cái chết chỉ cách nhau gang tấc. Trước những chuyến đi, nhiều chị được đơn vị làm lễ “truy điệu sống””, bà Vân nhớ lại.
Cuối năm 1970, sau lần dùng sức vóc nhỏ bé của mình cõng và đưa thương binh Nguyễn Trần Đừng (quê Thanh Trì, Hà Nội) về nơi an dưỡng, tài xế Bùi Thị Vân liên tục nhận được thư anh với lời yêu thương tha thiết nhưng được ký với cái tên rất lạ.
Sau này khi đã khỏi, anh còn nhờ bạn đạp xe, thậm chí có lần anh còn một mình đạp xe vượt quãng đường xa dù chân vẫn đau phải dùng nạng đến đơn vị thăm cô. Cảm động trước tấm chân tình ấy nên Vân đã nhận lời xây dựng gia đình với anh năm 1974.
Giờ đây, cô gái tuổi 16 thuở nào đã bước sang tuổi “xưa nay hiếm”, là mẹ của 5 người con và 11 đứa cháu. Năm 2014, sự ra đi của chồng khiến bà Bùi Thị Vân suy sụp nhiều. Hiện, bà sống ở Định Công (Hoàng Mai, Hà Nội).
Bà kể: chiến tranh kết thúc, hai người lính - hai thương binh 4/4 trở về quê hương xây dựng cuộc sống mới. Bà tham gia hợp tác xã nông nghiệp ở Thanh Trì rồi quay trở lại công việc đồng áng; còn chồng chuyển sang lái xe cho một cơ quan Trung ương tại Hà Nội. Gia đình trông vào đồng lương lái xe là chính nên cuộc sống của họ phải đối mặt với nhiều khó khăn.
Để duy trì cuộc sống, gia đình bà phải tranh thủ thời gian làm thêm đủ việc. Ngày ngày, bà và cậu con trai cả phải thức dậy từ 3h sáng, tay bị, tay đòn gánh ra chợ Mơ mua khoai, sắn, mía để bán. Làm việc ở hợp tác xã nên việc bán hàng các con bà tự trông nhau và bán hàng, xong việc ở ruộng bà mới được về. Tối đến, bà lại tranh thủ nhận thêm 5-7 đôi giày về khâu. Cuộc sống vất vả nhưng gia đình rất hạnh phúc và sống tình cảm.
Mãi mãi không quên
Thăm lại bảo tàng Đường Hồ Chí Minh, cựu nữ lái xe trên đường Trường Sơn giai đoạn 1968 - 1975 chậm rãi từng bước nhìn những hình ảnh tư liệu đen-trắng cũ kỹ. Đặt đôi tay với những nếp nhăn của thời nhăn lên tấm kính, bà Vân như muốn sờ tận tay vào các hiện vật - những thứ cảm giác thân thuộc, gắn với cuộc đời bà những năm tháng chiến tranh.
Dừng lại một hồi lâu trước tấm ảnh “Tư lệnh Đồng Sỹ Nguyên - Tư lệnh Bộ đội Trường Sơn thăm cán bộ, chiến sĩ Tiểu đoàn vận tải 101 thuộc Tiểu đoàn 3 trong một chiến dịch vận chuyển, mùa khô năm 1970-1971”, bà Vân bảo trong tâm trí bà, Tư lệnh Đồng Sỹ Nguyên đọng lại một dấu ấn khó phai.
“Năm 1968, địch đánh phá ác liệt, khi đó Tư lệnh Đồng Sỹ Nguyên mới lệnh cho Binh trạm 9, Binh trạm 12 thành lập trung đội nữ lái xe. Đó là một con người quyết liệt, một vị Tư lệnh tài ba. Khi thành lập trung đội nữ lái xe, Tư lệnh cũng rất quan tâm, động viên để chị em thêm chắc tay lái, góp sức vào việc vận chuyển chi viện cho những mặt trận ác liệt đối mặt với quân thù, làm nên những trận đánh to, thắng lớn của quân và dân ta”, nữ lái xe đường Trường Sơn năm xưa nhớ lại.
Nhắc đến Tướng Đồng Sỹ Nguyên, bà Nguyễn Thị Hoàng Thanh (Kim Mã, Hà Nội), thành viên trung đội nữa lái xe Trường Sơn - đi cùng bà Vân đến bảo tàng xúc động nói thêm vào câu chuyện: “Hơn 20 năm sau chiến tranh chống Mỹ kết thúc, Tư lệnh Đồng Sỹ Nguyên gặp lại hội nữ chị em lái xe, ông rơi nước mắt bởi nhìn chị em lái xe năm nào giờ đây vất vả quá, quần áo trang phục không được chỉnh tề. Sau đó Tư lệnh đề nghị với Cục Vận tải may cho mỗi người một bộ quân phục, cả mùa đông và mùa hè, mỗi người một cái mũ, một đôi giày. Khi chúng tôi mặc bộ quân phục này, chúng tôi không thể nào quên một vị tướng tình cảm, tài ba”.
Tiếp nối câu chuyện, bà Bùi Thị Vân cho hay: Có lẽ do ảnh hưởng của nghề nghiệp nên chị em trong đơn vị chịu nhiều thiệt thòi. Có chị làm mẹ không được làm vợ, có chị làm vợ không được làm mẹ, thậm chí có chị bây giờ vẫn đơn thân và không ít chị còn gặp nhiều khó khăn trong cuộc sống.
Song, nhớ lời dặn của Đại đội trưởng Phùng Thị Viên trước lúc ra đi: “Chúng mình không được quên nhau”, hằng năm, Ban liên lạc Trung đội nữ lái xe vẫn tổ chức gặp mặt để cùng ôn lại truyền thống đơn vị. Trăn trở trước những khó khăn của đồng đội trong cuộc sống đời thường, các chị đã vận động nhiều tổ chức, cá nhân giúp đỡ thành viên khó khăn.