Tạp chí điện tử Saostar
Đến tin mớiTin Mới Đến tin hotTin Hot
Nhập từ khoá tìm kiếmTìm kiếm
Sắc màu cuộc sống

Chuyện đời cô đào hát rong nuôi giấc mơ chuyển giới: 'Chỉ mong một ngày được nghe gọi là con gái yêu của ba má…'

Đêm buông nhanh xuống khắp nẻo đường màu bàng bạc, êm như nhung. Chị Linh vẫn cặm cụi đứng hát, cái giọng đứt ruột đứt gan như xóa tan đi sự tĩnh mịch đến cô đơn cả một vùng ngoại ô thành phố.

“Ngỡ cuộc đời trôi sông lạc chợ

Không ngày mong tìm được bến bờ

Có ngờ đâu một đời duyên nợ

Buộc cuộc đời lạc chợ trôi sông…”

Ký ức về lần bỏ nhà lên phố, tìm giấc mơ được làm con gái

5h chiều, xe chúng tôi chạy xuôi về Bàu Bàng (Bình Dương). Con đường ban ngày chị Linh vẫn hay bắt những chuyến buýt lên Sài Gòn học nhảy, rồi lại ngược về đi hát rong khi đêm xuống. Hôm gặp tôi, chị xin quá giang cùng. Đó là một chiều nắng rãi vàng từ những khu nhà cao chọc trời, xuống tận rừng cao su chạy dài tăm tắp đương độ bung hoa, vàng óng.

“Chị đi hát cũng được 3 năm mấy rồi. Xưa thì ở Sài Gòn, cơ mà khách hổng mặn mà lắm nên về đây. Hẻo lánh với cực xíu nhưng công nhân thương hơn nên cũng đủ bữa sống.” - chị Linh kể, tay dặm mớ son phấn, đội đầu tóc nilon, bộ ngực giả và ướm thêm chiếc váy bông,… để chuẩn bị đêm diễn. Lên đồ rồi, trông chị cũng ra dáng lắm!

6h tối, chị dặm mớ son phấn, đội đầu tóc nilon, bộ ngực giả và ướm thêm chiếc váy bông… chuẩn bị đêm diễn.

Ít ai ngờ rằng, chị đẹp lắm trong bộ đồ con gái ấy.

Chị Linh năm nay 26 tuổi, quê ở tận Cần Thơ. “Dưới quê, người ta còn kỳ thị lắm. Từ hồi xíu xiu, thấy mến mến với con trai thì chị cũng nhận ra mình khác lạ rồi, nhưng sợ ba má buồn nên phải ráng chịu. Lớn chút, lên Sài Gòn đi làm xí nghiệp, mà cái nghề chẳng khéo. Sẵn trời cho giọng hát, được mấy chị đi trước chỉ đường, chị mới đi hát rong kiếm tiền”.

Thấm thoắt 3 năm ròng, ở quê có người bà con hỏi thì má chị lại bảo: Trường (tên thật của chị Linh) nó đi làm công nhân. Má cũng hay dặn: Con ráng học, làm ăn rồi lập gia đình nghen. Vậy mà, hôm đi chợ, người ta méc nhau: Má thằng Trường có đứa con lên thành phố tập làm bà bóng. Má chị vẫn cắn răng chịu, vừa đi vừa khóc.

“Má không tin, lên tận phố tìm cho được chị. Bữa đó lần đầu thấy con mặc đồ con gái, má xỉu. Chị phải bỏ nghề về quê một năm, đi hết thầy này thuốc nọ vì má nghĩ là bệnh lên phố mà ra”. Chị cười. “Bệnh gì đâu, từ nhỏ đã biết cái phận mình nó vậy rồi…”.

Bộ tóc giả vài trăm nghìn chị dùng trong mỗi đêm hát.

Chiếc lược bám đầy những cọng tóc giả bằng nilon đã rụng

Mỗi đêm, chị đều như vậy, dặm phấn son để được làm chính mình.

Nhưng làm sao mà ngăn chị thèm hát, thèm được làm con gái và còn cả ước mơ chuyển giới dang dở nữa. Thế là, lại lỗi hẹn với ba má, chị bỏ lên Sài Gòn biền biệt, cắt đứt mọi liên lạc và quên luôn hình ảnh thằng Trường ngày trước. Có đứa em gái thương ba má rầu, nhắn: Tao có anh trai chớ hổng có chị gái. Chị buồn lắm, chỉ dám đọc tới đó đã tắt máy.

Tôi chợt nhớ đến câu thoại của một chị đào trong bộ phim Lô Tô từng nói: “Tụi chị có nhà mà hổng dám nhớ. Vì mỗi khi nhớ nhà lại thấy có lỗi với mẹ cha”. Hỏi chị Linh, chị chỉ nhoen miệng cười trừ. “Hôm 30, nhớ nhà quá mà có dám gọi về nhà đâu, chỉ nói chuyện với nội. Mới nghe giọng thằng Trường, nội đã khóc huhu, trách sao Tết không về. Chị không kìm được lòng phải cúp ngang…”, giọng buồn thiu.

“Tụi chị có nhà mà hổng dám nhớ. Vì mỗi khi nhớ nhà lại thấy có lỗi với mẹ cha”.

“Chỉ mong một ngày được nghe gọi: Con gái yêu của ba má…”

Mấy năm lên thành phố kiếm sống bằng nghề hát rong, cuộc sống chẳng có mấy hào quang, quần áo lấp lánh. Đêm đêm, dưới ánh đèn đường leo lét, chị rong ruổi khắp các khu công nhân, quán nhậu, lề đường,… tận khuya. “Phải ráng kiếm ít tiền, dành dụm thêm chục ngàn, trăm ngàn mỗi ngày để có tiền chuyển giới làm con gái chớ…”.

7h tối, đêm diễn bắt đầu. Chị hát khúc “Hoa nở về đêm” bằng giọng miền Nam, ngọt như mía lùi làm mấy ông say mèm vẫn ngóng nghe đến đứt ruột đứt gan.

7h tối, dựng loa ở một quán nhậu nằm lọt thỏm trên con đường đất, chị hát khúc “Hoa nở về đêm”. Cái giọng rặt miền Nam, từng câu từng chữ nhấn nhá ngọt như mía lùi làm mấy ông say mèm vẫn ngóng nghe đến đứt ruột đứt gan.

“Nhiều khách thương dữ lắm, ủng hộ nhiệt tình luôn. Cũng có người miệt thị chửi bê đê này nọ, chọc ghẹo, bắt mình làm trò… cự lại là bị đán. Kệ, có người này người nọ mà. Người ta muốn xem ca nhạc thì phải bỏ tiền mua vé, còn mình hát cho người ta nên phải chịu”.

“Người ta muốn xem ca nhạc thì phải bỏ tiền mua vé, còn mình hát cho người ta nghe nên phải chịu”.

Hát, rồi kéo loa, chạy xe,… một mình chị vẫn phải làm hằng đêm để kiếm tiền nuôi giấc mơ chuyển giới.

Ấy chớ, cũng hồi mần ca, có anh chàng mê chị Linh như điếu đổ. Chị kể: Chuyện tình yêu hồi đó ngọt như mía lùi vậy. Bữa quen là ở quán cháo vịt, chị hay hát còn anh hay ngồi nhậu. Tự nhiên, một đêm đói quá mới tấp vào ăn thì ảnh chạy lại xin số, bắt chuyện làm quen. Từ ngày ấy, ảnh hay ra quán cháo vịt chỉ để chờ chị. Tới muộn xíu là ảnh giận lẫy: Sao nay đi trễ dữ dậy. Rồi thì mua ba cây kẹo kéo, bảo do kết cái đôi mắt lá liễu đa tình…

“Ảnh thương chị lắm. Mỗi tội là sau này biết giấu mình đã có vợ con. Thôi chị bỏ, không thèm qua quán cháo vịt đó nữa”. Chị cười, giọng tỉnh rụi.

Nhìn bóng chị Linh đổ dài dưới đất cát, đen thui, tui thấy thương chị quá. Kiếp “bê đê bóng gió”, trai chẳng ra trai, gái không ra gái, chắc chị là con sâu kẹt mãi chưa chịu lột xác hóa bướm rồi. Buồn tủi, cô đơn, mệt nhọc,… chị cũng cười cười. Đêm đêm lại đi hát ca, mua vui cho người đời lắm kẻ khen chê. Chị bảo: Ế hay đắt cũng đi hát à. Vì được mặc đồ con gái là chị đã vui rồi. Chỉ cần một ngày được làm con gái thôi chị hổng bao giờ cảm thấy hối hận vì sống như vậy.

Kiếp “bê đê bóng gió”, trai chẳng ra trai, gái không ra gái, chắc chị là con sâu kẹt mãi chưa chịu lột xác hóa bướm rồi. Buồn tủi, cô đơn, mệt nhọc,… chị cũng cười cười.

Chị bảo: Ế hay đắt cũng đi hát à. Vì được mặc đồ con gái là chị đã vui rồi. Chỉ cần một ngày được làm con gái thôi chị hổng bao giờ cảm thấy hối hận vì sống như vậy.

Người ta thương chị, thương cái giọng ngọt như mía lùi rồi sẽ lại cho thêm ít tiền, mua xíu kẹo.

11h đêm, khách tan. Tiếng ồn ào vãn ra, trả lại cho vùng ngoại ô cái tĩnh mịch, cô đơn thường ngày. Những người công nhân say mèm lầm lũi ra về. Chị Linh cặm cụi chằng sợi dây chun buộc chiếc loa thùng sau xe, mồ hôi nhễ ra từ búi tóc giả chảy dài trên lớp phấn son.

- Sau này còn mong muốn gì nữa không hả Linh? Tôi hỏi.

- Ờ, ước mơ á hả… ừm… thì mong sao 2 năm nữa đủ tiền chuyển giới, với ngày nào đó được nghe ba má gọi: Con gái yêu của ba má là đủ rồi. Hí hí.

Trời giăng mưa sương, chị Linh vẫn mặc cộc chiếc váy hoa, tà tà trên con xe không đèn, không dè, không số. Hôm đó, con đường QL13 ngược về thành phố, chị Linh có thấy gì ngoài đêm đen và những rặng cao su chạy dài tăm tắp đương độ trổ hoa vàng óng nữa không chị?

Trời giăng mưa sương, chị Linh vẫn mặc cộc chiếc váy hoa, tà tà trên con xe không đèn, không dè, không số. Ra về.

Copy Link
Chia sẻ

Bài viết Huy Hậu

Được quan tâm

Tin mới nhất
Tín hiệu vui của Hoài Linh
Ngọc Trinh đã trưởng thành?