Tạp chí điện tử Saostar
Đến tin mớiTin Mới Đến tin hotTin Hot
Nhập từ khoá tìm kiếmTìm kiếm
Sắc màu cuộc sống

Chuyện của bột chiên 42 năm ở hẻm 109 Sài Gòn

Xe bột chiên ở hẻm 109 đường Nguyễn Thiện Thuật song hành với Sài Gòn suốt 42 năm để chứng kiến thành phố đổi thay, từng chút mỗi ngày.

Con hẻm 109 đường Nguyễn Thiện Thuật cứ đúng 3h30 mỗi chiều lại ngóng chờ tiếng bước chân và tiếng dọn hàng lạch cạch của chiếc xe bán bột chiên. 42 năm ở đây là chừng đó năm chiếc xe cũ này chứng kiến bao cuộc đổi thay của con hẻm nhỏ, con đường lớn và những mặt người lạ quen. Chừng ấy năm người Sài Gòn vẫn ăn một món ăn quen, ai nói Sài Gòn đổi thay thì nói nhưng có những thứ đã trở thành bất biến theo thời gian. Bột chiên, hẻm nhỏ lao xao và người Sài Gòn.

Cô Ngọc, người phụ nữ đã bán cái thức quà vặt của người Sài thành này từ khi cô 20 tuổi. Công việc này cứ lập đi lập lại hơn nửa đời người vậy mà khi được hỏi là có bao giờ cô chán nghề chưa thì chỉ nhận lại được nụ cười hiền lành :” Chán gì đâu con ơi, làm riết thì quen thôi. Chiều dọn hàng ra ngồi nói chuyện với khách quen là thấy vui rồi”. Mà đúng vậy thiệt, từ lúc cô dọn hàng cho đến khi chiên bột khách quen cứ kéo đến, chào hỏi, chuyện trò rồi chờ đợi đến phần bột của mình được cô đặt trước mặt thơm phức. Có người chỉ kịp chạy ngang rồi gọi với :” Chào cô Ngọc, nay khỏe hông cô?” Vậy mà cô vui lắm, người càng lớn nỗi vui càng nhỏ mà.

Nhìn những viên bột được áo một lớp nước màu và phát ra âm thanh xèo xèo trên chiếc chảo cũ của cô. Cảm giác như đang ngồi giữa lòng Sài Gòn của những năm tháng bước qua, rồi bước qua nữa. Từng chút mỗi ngày. Cảm ơn cuộc đời vì còn giữ lại những người như cô Ngọc và nhiều người nữa, những con người vẫn âm thầm giữ lại Sài Gòn theo cách giản dị và kiên nhẫn nhất của họ.

Những khách hàng quen ở đây không có cái dáng vẻ vội vã khi chờ đến phần mình, thay vào đó họ ngồi nhìn cô chiên bột bằng sự bình thản kì lạ. Thỉnh thoảng buông vài câu đùa với cô như khen :” Ăn bột nhiều chỗ rồi nhưng hông có chỗ nào được như chỗ này hết hay bột ở đây là ngon nhất rồi”. Mấy câu nói hiền queo mà chân chất vậy lại làm người ta thương lắm, thương nên mới cặm cụi làm cái nghề này suốt hơn 40 năm ròng.

Chắc tôi chỉ mong những người trẻ cũng như vậy, khi bắt đầu một công việc gì đó trước khi có thể yêu nó thì hãy chân thành và gắng bó với nó trước đã. Sau đó thì tình yêu sẽ đến, việc gì cũng vậy. Tình yêu trong sáng thì không bao giờ làm người ta thất vọng mà.

Cô Ngọc sống với người thân ở căn nhà gần hẻm, căn bệnh thoái hóa sau cổ đeo đẳng cô suốt hơn 6 năm qua. Cô nói cũng đã chữa trị khắp nơi rồi nhưng không hết, chỉ sợ :”Cô đi mổ rồi phải nằm nghỉ ngơi lâu quá không đi bán được khách họ trông mà mình cũng buồn nữa. Nên khách quen đây ai cũng có số điện thoại của cô để lỡ bữa nào muốn ăn thì gọi cô trước sợ cô bệnh cô nghỉ bán, nhiều người nhà xa lắm tít bên Bình Chánh, Hóc Môn họ cũng qua đây ăn…” 

Mấy chiếc ghế nhựa chiều qua nằm yên bên góc đường, từng hộp muỗng nĩa và lọ nước châm được cô xếp ngăn nắp. Cứ chốc chốc lại lấy khăn lau qua hết một lượt, mọi thứ ở đó đều sạch sẽ và gọn gàng. Cô nói thì Sài Gòn đã đổi thay nhiều rồi đó thôi, nhưng sau ở đây người ta lại thấy Sài Gòn chậm quá vậy nè?

Chúng ta đang sống trong những ngày đẹp đẽ nhất trong cuộc đời này, cô Ngọc cũng nói về Sài Gòn hôm nay phát triển nhiều rồi. Những điều cũ kỹ tươi đẹp và những cái mới mẻ đầy hy vọng sẽ đan vào nhau. Rồi Sài Gòn của tụi mình sẽ hạnh phúc bằng cách này hay cách khác thôi. Chỉ cần chúng ta luôn bắt đầu bằng những điều nhỏ bé và chân thành nhất. Như việc “trồng một cây xanh trong tim rồi con chim biết hót sẽ đến.” 

Chuyện của bột chiên 42 năm ở hẻm 109 là một trong những bài viết nằm trong tuyến bài đặc biệt về Sài Gòn muôn màu của Tạp chí điện tử Saostar.

Những tình cảm, ký ức - những câu chuyện cảm động và đầy thú vị về Sài Gòn mà bạn có/ biết hay chứng kiến - Hãy gửi qua email: doisong@saostar.vn để cùng chia sẻ cho tất cả mọi người cùng “ấm áp”, bạn nhé!

Vì một Sài Gòn xinh đẹp và phát triển hùng mạnh, chúng tôi chào đón tất cả những người con - những người muốn thuộc về/ yêu mảnh đất này.

Copy Link
Chia sẻ

Bài viết Xôi

Được quan tâm

Tin mới nhất
Tiếc cho Đoàn Văn Hậu