Con gái đi thi đoạt huy chương vàng bố mẹ không biết
Chiều 14/12, gia đình ông Phạm Văn Binh (50 tuổi, thôn Yên Cốc, xã Hồng Phong, huyện Chương Mỹ, Hà Nội) tất bật căng tấm bạt lớn phủ kín sân đồng thời chuẩn bị 20 bộ bàn ghế để chuẩn bị làm cỗ mời anh em, hàng xóm láng giềng.
Căn nhà đơn sơ của gia đình ông Binh không vật dụng gì đáng giá là nơi gắn liền với tuổi thơ của vận động viên điền kinh Phạm Thị Thu Trang (21 tuổi). Trang vừa giành huy chương vàng nội dung điền kinh nữ 10.000m ở SEA Games 30 diễn ra tại New Clark City, Philippines ngày 8/12 vừa qua.
Dù là lần đầu tiên ra đấu trường SEA Games khiến Trang bỡ ngỡ, không biết đối thủ mạnh yếu ra sao, trọng tài quốc tế bắt lỗi thế nào và cũng chẳng có HLV đi cùng. Thế nhưng cô đã vượt qua tất cả, cộng thêm một chút may mắn nên có được chiến thắng ngọt ngào.
Bố mẹ nữ vận động viên kể chuyện không biết con đi thi SEA Games, chạy grab.
Câu chuyện của cô gái này càng quan tâm hơn bởi trong cuộc sống hàng ngày, ngoài số tiền lương ít ỏi, cô còn chạy thêm xe ôm công nghệ Grab để có thêm tiền gửi về phụ giúp gia đình.
Lật giở từng tấm huy chương và bằng khen của con gái treo trên tường, ông Binh cho biết, Trang là con thứ 4 trong gia đình có 5 chị em. Thế nhưng trái với tính cách của chị em trong nhà, Trang có niềm đam mê với bộ môn điền kinh từ nhỏ. Hiểu tính cách con gái, vợ chồng ông ông Binh bàn nhau cho con theo học trường phổ thông năng khiếu tại quận Hà Đông, Hà Nội.
Khi kết thúc học lớp 9 Trang thi đoạt huy chương đồng môn điền kinh do thành phố Hà Nội tổ chức. Thế rồi Trang học và ở lại bán trú tại trường thi thoảng cuối tuần mới về nhà.
Ngày Trang sang Philippines dự SEA Games 30 gia đình ông Binh không hề biết chuyện. Trang cũng không thông báo cho gia đình. “Khi con sang đến nơi thì mới điện thoại cho chị gái nói chuyện đã sang Philippines. Có lẽ Trang giấu vợ chồng tôi vì sợ bố mẹ lo lắng. Ngày con thi đoạt huy chương vàng vợ chồng tôi đi làm cũng không biết. Chỉ đến khi về nhà mọi người bảo hình như Trang đạt giải rồi đó tôi mới ngạc nhiên”, ông Binh kể lại.
Tiếp lời chồng, bà Trịnh Thị Thuỷ (51 tuổi) cho hay, từng tấm huy chương treo trên tường là là sự cố gắng và cả những mồ hôi, nước mắt rèn luyện của con gái. Vợ chồng bà đều dùng điện thoại đen trắng chỉ nghe gọi, chiếc tivi cũ duy nhất của gia đình cũng hỏng nên ngày con gái thi đấu vợ chồng bà vẫn đang tấp nập đi làm. Ông Binh thì làm thợ xây cho công trình ở quận Hà Đông. Bà Thuỷ thì làm phụ hồ ở trong xã.
“Thầy giáo của Trang cũng báo tin con đoạt huy chương vàng rồi, vài bữa sẽ về. Nghe thầy giáo nói, vợ chồng tôi rất vui. Do bận với lịch thi đấu nên con gái cũng không gọi điện về nhà. Ngày con gái bay về nước vợ chồng tôi cũng lên sân bay gặp được con vài phút rồi Trang phải đi cùng đoàn. Ngày 15/12 con sẽ về nhà để hàng xóm đến chung vui”, bà Thuỷ tâm sự.
Từng khuyên con về quê kiếm vốn lấy chồng
Người mẹ này cũng bày tỏ chuyện từng khuyên con gái bỏ nghiệp tập luyện để về quê tìm kiếm công việc khác, xây dựng gia đình. “Không phải tôi ngăn cấm con nhưng nghĩ đến con cũng đã có tuổi. Đợt trước tôi khuyên con bảo về nhà đi tìm công việc khác kiếm ít vốn rồi lấy chồng. Thế nhưng con bé vẫn quyết theo đuổi đam mê nên sau vợ chồng tôi cũng hoàn toàn ủng hộ quyết định của con. Bố mẹ cũng chỉ vì lo cho con nên mới nói như vậy”, bà Thuỷ cười nói.
Về chuyện con gái đi làm thêm xe ôm công nghệ Grab, vợ chồng ông Binh không hề biết chuyện. Theo ông, Trang là người kín tiếng và ít tâm sự với bố mẹ nên cả gia đình không ai biết.
“Chắc con sợ bố mẹ không đồng ý nên không nói ra chuyện chạy xe Grab. Vợ chồng tôi ở nhà cũng thi thoảng mới gọi điện nói chuyện vì con bận rộn tập luyện nhiều. Thi thoảng vợ chồng hỏi tuần này con có về không thì con gái đáp bảo đang tập luyện thi đấu nên chưa về được”, ông Binh cho hay.
Về phần mình, Phạm Thị Thu Trang cho biết, năm 16 tuổi cô bắt đầu tham gia tập bộ môn điền kinh. Bấy giờ, bố mẹ cô rất ủng hộ. Tuy nhiên, 2 năm trở lại đây bố mẹ lại ngăn cản. Bởi bố mẹ sợ Trang vất vả và muốn con gái trở về nhà để ổn định hơn.
“Lúc ấy, khi nghe bố mẹ nói vậy, em cũng ậm ừ cho qua. Sau cũng có ý định nghỉ nhưng nhờ sự động viên của các thầy, cô nên em vẫn tiếp tục cố gắng ở lại tập luyện. Ngoài ra, lãnh đạo bộ môn cũng tạo điều kiện cho em được ra nước ngoài tập huấn nên em mới có ngày hôm nay ạ. Mới đầu em tập luyện khá là khó khăn.
Vì nội dung của em cần kĩ thuật rất nhiều. Khi thi trong nước em bị trọng tài bắt phạm quy rất nhiều. Sau đó, khi biết được mình sẽ tham dự SEA Games 30 em rất lo lắng nên cũng ảnh hưởng tâm lý. Trong mỗi trận đấu, tâm lý thi đấu rất quan trọng, nếu suy nghĩ quá nhiều sẽ không thể hoàn thành được chặng đua”, Trang chia sẻ.
Chia sẻ về chuyện ngoài giờ tập luyện chạy Grab để kiếm tiền phụ giúp gia đình, Trang cho hay: “Do gia đình đông anh chị em, bố mẹ lại làm nông nên khá vất vả. Nghĩ thương bố mẹ nên ngoài giờ tập luyện em cũng chạy thêm Grab để giúp gia đình, cho bố mẹ đỡ vất vả. Trong khoảng thời gian em tập luyện, chưa có giải nên thời gian khá nhiều em mới đi làm thêm. Em mới đi chạy Grab được vài tháng, khi nào điều kiện tốt hơn em sẽ không chạy Grab nữa”.
Hiện tại, vợ chồng ông Binh cùng mọi thành viên trong gia đình đang háo hức chờ Thu Trang trở về nhà. Ở đây mọi người sẽ được nói chuyện, tâm sự với nhau nhiều hơn. Trong tương lai ông Binh vẫn mong con tiếp tục cống hiến thật nhiều mang lại vinh quang cho Tổ quốc.