Ký ức của chàng thiếu niên nghèo bán cà pháo lấy tiền đi thi đến giấc mơ giảng đường đại học
Hơn 40 năm nay, cứ mỗi dịp trọng đại của đất nước, người họa sĩ Trần Từ Thành (75 tuổi) lại lặng lẽ đứng giữa ngã tư bờ hồ Hoàn Kiếm, Hà Nội. Ông nép mình ngắm nhìn mọi người chụp ảnh dưới bức ảnh “Bác Hồ và em bé”. Đây là bức ảnh do chính tay ông vẽ và được treo trang trọng trên nóc Nhà thông tin thành phố, số 93 Đinh Tiên Hoàng suốt từng ấy năm.
Ngôi nhà của họa sĩ Trần Từ Thành nằm trong ngõ 360 đường Đê La Thành, Hà Nội. Vẻ người ông toát lên dáng dấp của một nghệ sĩ. Ông vốn sinh ra và lớn lên tại vùng quê nghèo của huyện Hương Khê, tỉnh Hà Tĩnh. Ngay từ nhỏ, ông đã bộc lộ năng khiếu hội họa tiềm ẩn và rồi ước mơ trở thành họa sĩ nung nấu từ thuở ấy.
Năm 16 tuổi, cậu bé Trần Từ Thành bắt đầu bước ra từ mảnh đất đói nghèo nhất của Hà Tĩnh, vượt lên Hà Nội với trên vai 2 yến cà pháo. “Thời đó nghèo lắm, nhờ bà con làng xóm giúp đỡ và chắt chiu mãi, tôi mới đi thi với hành trang là 2 yến cà pháo. Bán xong gánh cà vỏn vẹn được mấy đồng đủ chi trả tiền ở trọ tại Bến xe Kim Liên, tôi ấp ủ giấc mơ thi vào trường Mỹ thuật Đông Dương, nay là Đại học Mỹ Thuật Công nghiệp Hà Nội. Thời điểm đó, 2.000 thí sinh đăng ký dự thi, nhưng trường chỉ lấy đúng 46 người”, ông Thành nhớ lại.
Đề thi có 2 phần: “Anh/chị hãy thiết kế một nhãn diêm nhân kế hoạch 5 năm lần thứ nhất của Việt Nam/ Hãy vẽ một bức tượng Hy Lạp đầu Tây”. Đề thi khó, khái niệm quá xa vời với lứa học sinh đặc biệt như ông Thành. Chưa bao giờ Trần Từ Thành được chiêm ngưỡng một bức tượng Hy Lạp, chứ chưa nói đến “Tây”, để có thể mường tượng về một bức vẽ cụ thể trong đầu.
Bán tiền cà pháo cũng chỉ đủ cho Trần Từ Thành trang trải tiền nhà trọ, tiền ăn. Chàng thiếu niên này không có bút màu như bạn bè trang lứa. Có người mách cậu đi ra phía cổng trường, có một răng tre, cậu hãy cắt một khúc tre non làm bút chì màu.
Kì thi trải qua 3 ngày liên tiếp. Bước ra khỏi phòng, cậu chưa chắc mình đậu hay không. Cậu lọt thỏm giữa dòng người xa lạ chốn thành đô, ở đó Thành là đại diện cho thế hệ trẻ nông thôn khát khao ra thành phố lập nghiệp.
Ba tuần sau, nhận được tin báo mình nằm trong danh sách 64 thí sinh xuất sắc nhất trúng tuyển, Trần Từ Thành vui sướng đến tột độ. Cả nhà nghe thế mừng quá, vội bán lạc, bán lúa mua cho Thành bộ đồ mới. Và như thế, cậu lại một mình lên đường ra Hà Nội, chính thức là sinh viên trường Mỹ thuật Đông Dương.
Tốt nghiệp vào năm 1963, ông trở về quê hương và tham gia chiến tranh cách mạng. Bức tranh cổ động đầu tiên của Hà Tĩnh do ông làm chủ nhân. Nhận thấy tay bút của mình có ích cho quê hương, tình yêu cách mạng lại càng ngấm vào bút vẽ của ông. Cả cuộc đời sáng tác nghệ thuật, đề tài chủ yếu trong tranh của họa sĩ Từ Thành là Bác Hồ và chiến tranh cách mạng.
6 năm sau - năm 1969, Trần Từ Thành tiếp tục ra Hà Nội học ĐH Mỹ thuật Công Nghiệp, chuyên ngành Đồ họa và được giữ lại trường cho tới ngày hôm nay. Trải qua 2 cuộc chiến tranh chống Pháp và chống Mỹ, gia đình chịu nhiều mất mát, bố mẹ và anh chị em đều mất do bom Mỹ, nhiều người thân hy sinh ở chiến trường hay tại chính quê hương trong công cuộc bảo vệ Tổ quốc.
Và điều ít biết về bức tranh “Bác Hồ và em bé”
Ngày 30/4/1975, nghe tin giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước, muôn dân đều phấn khởi, chỉ muốn treo cờ lên và xuống đường diễu hành ngay tắp lự. Là một nghệ sĩ, hoạ sĩ Trần Từ Thành nghĩ rằng bản thân nên có một tác phẩm nào đó kỷ niệm ngày trọng đại này. Có thể là một bức tranh về thống nhất Tổ quốc. Lập tức, trong đầu ông loé lên ý tưởng: Hồ Chí Minh - người là biểu tượng của Việt Nam.
Thế nhưng nếu vẽ về Chủ tịch Hồ Chí Minh thì trước tới giờ đã có hàng trăm hoạ sĩ đã từng chắp bút. Nếu vẽ về chiến tranh, bức tranh chỉ mang tính nhất thời. Hòa bình, độc lập, tự do mới là mãi mãi, không thể không có trong trí nhớ của mỗi người. Một bức tranh có thể được vẽ trong vòng một ngày, nhưng ý tưởng hun đúc từ hàng chục năm. Độc lập là mong muốn của chủ tịch Hồ Chí Minh. Thống nhất là mong muốn của cả dân tộc Việt Nam. Hoà bình và hạnh phúc, là điều toàn nhân loại đều khao khát.
Lời thơ trong bài “Ta đi tới” của nhà thơ Tố Hữu có đoạn: “Lòng ta không giới tuyến. Lòng ta chung một Cụ Hồ. Lòng ta chung một Thủ đô. Lòng ta chung một cơ đồ Việt nam” như chỉ lối cho ông. Từ lúc nung nấu cho đến khi đặt những nét vẽ đầu tiên mất cả năm trời nhưng nguồn cảm hứng mãnh liệt đã khiến ông nhanh chóng hoàn thành bức tranh sau 2 tuần miệt mài.
5 ý tưởng hội tụ trong một bức tranh của Trần Từ Thành: Bác Hồ - Em bé - Cánh chim bồ câu - Thủ đô Hà Nội - Cành ô liu, bằng chất liệu bột màu trên giấy báo bình thường. Chim bồ câu sải cánh kết thành bản đồ Việt Nam, trong con mắt nhỏ bé kia là thủ đô Hà Nội 5 cánh sao vàng. Ở giữa là Bác Hồ và em bé. Cành ô liu xa xa mang hương sắc của hoà bình. Từng đường nét đơn sơ, mộc mạc và thanh thoát, 3 màu đỏ - xanh - đen cô đọng trong toàn bộ khung hình. Bức tranh được đặt tên “1976” - nhân cuộc Tổng tuyển cử bầu cử Quốc hội chung được tổ chức trong cả nước. Sau đổi thành: “Độc lập thống nhất - Hòa bình hạnh phúc”.
Năm 1976, Bộ Mỹ thuật tổ chức buổi triển lãm lần đầu tiên trên toàn quốc tại Vân Hồ, Hà Nội. Khoảng 4000 bức tranh được gửi về, trong đó có “Độc lập thống nhất - Hòa bình hạnh phúc”. Giáo sư Trần Văn Cẩn trực tiếp đứng ra chấm từng bài thi. Hoạ sĩ Trần Từ Thành là cái tên được xướng lên ở hạng nhì, và xưởng tranh cổ động trung ương đã cho in hàng vạn bản bức vẽ của ông, phát hành trên cả nước.
5 năm sau, Sở Văn hóa - Thông tin Hà Nội phóng to bức tranh lên kích cỡ 4m2, treo lên nóc Nhà thông tin thành phố. Người dân cả nước đều biết đến tác phẩm này, như một dấu tích lịch sử giữa lòng bờ hồ Hoàn Kiếm. Nhưng bao năm qua, họ đều không biết tác giả là ai. Thậm chí, nhiều người còn cho rằng đó là của ông Bùi Xuân Phái, ông Trần Văn Lắm, hay ông Tô Ngọc Vân.
Nói đến đó, hoạ sĩ Trần Từ Thành không lấy làm buồn. Ngược lại, ông tự hào vì bản thân đã có một tác phẩm để đời cho nhân dân, đời người nghệ sĩ như ông chỉ cần có vậy.
Bức tranh “Bác Hồ và em bé” được lưu giữ mãi mãi tại bảo tàng Hồ Chí Minh còn được treo ở Bảo tàng Lenin ở Matxcơva (Nga), La Habana (Cuba),… bằng phiên bản các chất liệu, kích cỡ khác nhau
Đã từng có rất nhiều nhà sưu tầm đến từ một số quốc gia ngỏ ý mua lại bản gốc của bức tranh, nhưng hoạ sĩ Trần Từ Thành đều từ chối. Cách đây 4 tháng, nhân dịp kỷ niệm 50 năm thực hiện di chúc Bác Hồ, Bảo tàng Hồ Chí Minh đã tìm đến gặp trực tiếp ông. “Nếu bảo tàng Hồ Chí Minh cần, tôi sẽ gửi tặng chứ không bán. Tiền thì bao nhiêu cũng hết, nhưng để lại lâu đời cho nhân dân mới là quý giá”, họa sĩ nói.
Trải qua 50 năm quãng đời sự nghiệp với sự ra đời của rất nhiều bức tranh. Thế nhưng tác phẩm “Bác Hồ và em bé” là bức tranh cổ động thành công nhất trong cuộc đời mình. “Không có niềm vui nào có thể sánh được với cảm xúc khi tác phẩm của mình trở thành hình ảnh quen thuộc nơi góc phố lớn tại Hà Nội. Họ không cần biết tên tôi, chỉ cần biết bức tranh nằm tại 93 Đinh Tiên Hoàng. Dẫu rằng, cả tập thơ chỉ cần một câu thơ hay”, hoạ sĩ Trần Từ Thành chia sẻ.