Cào cào lá dừa, tụi con nít nghèo, và quãng trời tuổi thơ miên man năm ấy…
Ngày xưa, tụi con nít quê nghèo tụi tôi không có quá nhiều trò vui để lựa chọn như thế giới hiện đại bây giờ. Buổi sáng, cả bọn dắt tay xuống trường xã đi học, buổi trưa về, vừa ăn vội tô cơm nguội, đã xách cái quần xà lõn chạy lon ton khắp xóm.
Tụi tôi sẽ tập trung ở cái bãi cỏ rộng cuối xóm, con trai chơi bắn bi, đá bóng, đánh trận giả…, con gái thì chơi năm-mười-mười lăm trong những khu vườn to tướng nhà bác Hùng. Cái vườn ấy rộng lắm, khó ai có thể tìm ra nếu đứa nào lỡ trèo tót lên một ngọn ổi xanh, rồi cứ ngồi ăn ổi hết buổi.
Chiều, chiều về rồi, cả bọn lại thi nhau đi bứt cỏ chơi đá gà, đứa khéo tay hơn thì làm diều bằng những cuốn tập đã ố màu năm trước. Chơi chán chê thì chạy vô vườn làm mớ ổi, mớ mận, mớ chùm ruột chua thè lưỡi, hay chèo ghe đi hái buồng dừa nước uống ngọt lành.
Cứ thế, bụi dừa nước mọc trong những đìa, ven nhánh sông nhỏ chảy vào ruộng đã trở thành ký ức không thể thiếu của bọn con nít. Cây dừa gắn bó với tụi tôi như cha, như mẹ, như hễ cứ mở mắt ra đã thấy cái mái nhà lợp bằng bẹ lá dừa khô, chui vô bếp lại thấy mớ lạc dừa má treo tòn ten trước cửa, như buồng dừa ba chặt, cọng dừa khô chị bó thành chổi, mớ lá non vàng óng trong chiếc bánh dừa thơm lừng má gói… Và còn như cái thứ đồ chơi dân dã, tự những ngày ấu thơ tụm năm tụm bảy: cào cào là dừa.
Hồi đó, cào cào lá dừa là món đồ chơi đắt giá nhất với tụi nông thôn nghèo thiệt nghèo chúng tôi. Cào cào được đặt trịnh trọng trên góc tủ để chưng, trong cặp táp đến trường để khoe với tụi bạn… Tôi nhớ: ngày đó, bác Hùng thắt cào cào đẹp lắm! Chẳng ai như bác, thắt con nào là con đấy như thật, như thể đứa nào mà vô tình chạm tay vào hai cánh mỏng tan, bóng loáng đang xoè của con cào cào, là nó sẽ bay mãi, bỏ lại ánh mắt tiếc rẻ của tụi nhỏ chúng tôi.
Sau này, lớn lên, mỗi đứa một nơi. Từ khi vào thành phố, đã lâu lắm rồi tôi chẳng còn thấy những dư vị tuổi thơ ngày ấy. Bao thứ đồ chơi xịn xọ, đủ màu xanh đỏ, rồi chiếc iPad, iPhone,… làm tụi con nít ngày nay chẳng còn mấy mảy may vời món đồ chơi cũ mèm ấy nữa.
Ấy vậy, một chiều tan tầm, hòa vào dòng người tất tả ngược xuôi, cố nhích từng bước về nhà một cách mệt mỏi. Chợt bên đường, con cào cào, châu chấu, dễ mèn, rồi thêm cả cò, cua, nai, thỏ… treo lủng lẳng trên nhành cây nhựa, đung đưa theo gió, như đang nhảy đang múa… bao nhiêu ký ức ùa về.
Người ta dừng lại, ngắm nhìn, rồi mỉm cười mãn nguyện. Có người thèm quá, còn vội vàng tấp vào lề, mua liền 2-3 con. Cứ thế, người lớn mua vì níu giữ tuổi thơ, trẻ con mua vì thứ đồ chơi vui mắt, người già mua vì muốn có cái cớ mà mủi lòng, mà rỉ rả khóc mỗi lần nhắc nhở con cháu: “Các con có biết không? Ngày xưa ông bà từng sống…”
“Tự nhiên không thấy chứ nhìn thấy thì lại nhớ quê vô cùng. Hồi đó, đứa trẻ nông thôn nào mà chả biết làm trò này, chơi hằng ngày như ăn cơm. Chắc mua về, tụi nhỏ nhà chị thấy cũng khoái lắm…” - chị Thanh (30 tuổi, dân văn phòng) vừa kể, vừa quẹo mua một con cào cào, một con cua càng to.
Cứ thế, những con cào cào bằng lá dừa nhỏ xíu xiu lại chở đầy quãng trời ký ức tuổi thơ cho bao người thành phố xa quê.
“Cả đời làm vì níu giữ tuổi thơ, nếu ai còn thương nhớ thì giúp chú giữ nghề nghen!”
Ông chú bán cào cào lá dừa ấy tên là Lê Minh (66 tuổi, Bình Tân). Chú Minh kể: ngày còn trẻ, chú từng là hoạ sĩ, có một phòng tranh riêng tại nhà. Thế nhưng 6 năm nay, từ khi một bên mắt bị mù, một bên đục thuỷ tinh thể khiến thị lực giảm, chú đành phải gác bút.
“Ở nhà thì buồn chán nên sinh bệnh hoài. Có bữa, chú mới làm con cào cào cho tụi cháu ngoại chơi thì thấy mấy cháu thích lắm. Chú mới xin các con cho đi bán cào cào lá dừa. Ban đầu, tụi nó cản giữ lắm, bảo: Ba ba, nhà mình đâu thiếu tiền mà đi làm khổ cực, chú mới nói: Ba ở nhà là yếu xìu, giờ con có cản ba cũng đi…”. Thế là từ đấy, một chiếc xe cà tàng, một cây nhựa và vài chiếc lá dừa vàng óng,… chú Minh rong ruổi khắp Sài Gòn.
Nhớ về ngày xưa, chú Minh tâm sự: tự năm 4-5 tuổi, chú đã có năng khiếu hội hoạ bẩm sinh. Vẽ tranh trên lớp, trên tường, trên giấy, hay cả dưới đất,… đều đẹp như tạc. Vậy mà, chuyện học văn hoá thì lại tỉ lệ nghịch, lúc nào cũng lẹt đẹt xếp cuối lớp. “Ké bữa ông chú ở Gò Công lên Sài Gòn, ổng thấy tụi trẻ con thành phố thiếu trò cào cào lá dừa nên nghĩ cách thắt bán. Chú mê quá nên sáng đi học, chiều lại lẽo đẽo theo. Ông làm cào cào, châu chấu khéo tay số dzách, chú phải gọi bằng Thầy.”
Hai thầy trò đi cùng nhau chẳng bao lâu thì người thầy đột ngột đổ bệnh, qua đời. Bố mẹ đành gửi chú Minh vào trường để đi học làm hoạ sĩ. Sẵn cái khiếu bẩm sinh, chỉ học được 6 tháng, mười mấy tuổi chú Minh đã có thể vẽ tượng, rồi cùng hoạ sĩ Mai Lân làm ra bao nhiêu là tác phẩm điêu khắc có tiếng ở TP.HCM lúc bấy giờ.
“Qua giải phóng thì nhà ai cũng nghèo, tiền đâu mà mướn hoạ sĩ tiền đi vẽ tranh. Thôi, chú đành gác bút, đi bán cơm tấm, vá xe, làm thợ tiện,… chỉ mong đủ tiền nuôi 4 đứa con ăn học”.
Mãi đến năm 50 tuổi, khi các con đã yên bề gia thất, chú Minh mới có xíu thời gian thảnh thơi để thỏa chí tang bồng. Cứ cây bút vẽ trong tay, chú Minh mở một phòng tranh khiến nhiều khách hay tới tham quan. “Tới lúc mắt bị mờ hẳn, chú chuyển sang đi bán cào cào dạo luôn. Lời lỗ chẳng quan trọng, miễn là mình được vui, được gặp mọi người để nói chuyện, nhắc nhớ kỷ niệm… Thấy vậy, chứ nhờ nó chú cũng khoẻ ra nhiều” - chú Minh cười.
Bữa đứng bán ở góc công viên Văn Lang, chợt có cô bé chạy tới, vòi mẹ mua bằng được con cò lá dừa của chú Minh. Trời thì đã tối, lá cũng hết, thế là chú đành hẹn cô bé lại hôm sau. Hôm sau, chờ mãi chẳng thấy đâu, chú Minh nghĩ đã thất lạc luôn cái hẹn với cô bé nhỏ.
Vậy mà, một bữa đang đi trên đường Hoàng Sa, chợt mẹ cô bé chạy ngang qua thấy, liền bảo: Chú ơi chú! Con bé nhà con vẫn còn nhớ con cò của chú nên đòi hoài, mua bao nhiêu đồ chơi đẹp rồi mà nó hổng thèm. Chú Minh cười mừng, thắt con cò tặng cô bé.
Rồi buổi sáng nọ, có bà cụ tầm 50 tuổi, cởi con xe đạp chạy trên đường, vừa thấy mớ cào cào của chú Minh liền thắng cái kít: Anh… anh, bán tui con cào cào!
“Cầm trên tay mà bả cười tít mắt, rồi treo tòn ten trên xe. Chú mới hỏi: mua về cho cháu ngoại hay cháu nội? Bả bảo: hông hông, tui hổng cháu ngoại cháu nội, tui mua về để tui nhớ hồi xưa. Vậy mà, cả hai sụt sùi luôn” - chú kể.
Thế mới thấy, người thành phố còn trân quý con cào cào lá dừa của chú Minh dữ lắm! Bởi lẽ, nó là cả những năm tháng tuổi còn thơ, mênh mông và lấp loáng.
- Mai này sức yếu, hổng đi bán được nữa thì sao chú? Tôi hỏi.
- Mấy nay chú cũng nghĩ hoài nè. Chú làm cái nghề này thì chỉ vì đam mê, nhưng giờ mình đã già quá, chết cũng chẳng thể mang theo. Hay cháu thấy ai mà còn thương nhớ con cào cào lá dừa này thì cứ bảo đến tìm chú. Sáng đi bán cùng, tối về chú lại dạy cho làm quen tay,… để còn cái lưu giữ cho người thành phố nữa chớ. Chú Minh cười ngon ơ.