Những con người từ muôn lối rẽ
Họ là những con người xa lạ, người già yếu neo đơn, người thiếu phụ không nơi nương tựa, hay bà mẹ phải địu con về quê giữa những ngày dịch bệnh... Tất cả đã được anh Ngôn Thắng (ngụ TP.Cần Thơ) đưa về "Nhà Chung". Đó là ngôi nhà mà anh lập ra để làm nơi che mưa, che gió cho những người bất hạnh.
Nhiều năm trước, anh từng chứng kiến cảnh cụ già Hồ Thị Ba (82 tuổi) sống trong căn chòi lá rách nát, không điện nước sinh hoạt, thức ăn cũng thiu hẩm trong điều kiện như thế. Anh tức tốc thuê một nhà trọ cho cụ sống qua ngày.
Dần dần, những mảnh đời mà anh bắt gặp mỗi lúc một nhiều hơn, nó để lại trong anh nỗi thương cảm. Anh quyết định xây một căn nhà trên nền đất được một mạnh thường quân tốt bụng cho. Nhà Chung từ đó mà ra đời.
Tính đến nay, anh đã thành lập được Nhà Chung 1, Nhà Chung 2 và một bếp ăn 0 đồng ở địa bàn TP. Cần Thơ. Nhờ có Nhà Chung, các cụ già không phải nơm nớp lo sợ mỗi khi mùa mưa về, hay chạy ăn, chạy mặc từng ngày nữa.
Mỗi ngày, mẹ anh Ngôn Thắng sẽ đảm bảo công việc nhà, bếp núc, lo lắng bữa cơm cho các cụ già ở đây. Tại Nhà Chung 1, có tất cả 8 bà cụ đang sống cùng nhau. Còn anh Thắng, kể từ khi giãn cách xã hội đến nay vẫn ngược xuôi theo các chuyến xe rau củ 0 đồng, dành cho bà con vùng ngoại ô TP.Cần Thơ. Thi thoảng, anh là người cầm vô-lăng trên chiếc xe cấp cứu đưa những trường hợp nguy kịch đến bệnh viện.
Nhà Chung của anh là một không gian tươm tất, đầy ắp yêu thương. Các cụ bà được lo lắng những bữa ăn tươm tất, một chỗ để ngả lưng, không phải lo về trời mưa căm hay gió rét như trước nữa.
Anh Thắng chia sẻ: "Mình từng đi qua sự nghèo khó, nên mình thấu cảm được những sự khó khăn, vất vả đó. Ban đầu, có vài người nói mình làm từ thiện sao không cho tiền thôi, đem người về nhà mình sống đủ thứ phải lo. Và hơn hết, mình phải chịu trách nhiệm với cuộc đời của họ. Có những cụ bà mình phải xác nhận thân nhân, được sự đồng ý của gia đình mới đem họ về được. Đối với mình, điều hạnh phúc nhất là khi giúp được ai đó một cách trọn vẹn.
Cưu mang nhau giữa đại dịch
Chị Thạch Thị Hồng (sinh năm 2003) đã phải ôm con nhỏ, đạp xe từ Cần Thơ về Trà Vinh vì không còn tiền trụ lại thành phố, khi dịch bệnh bắt đầu.
Nhóm anh Ngôn Thắng gặp bà mẹ trẻ khi chị đang trên đường đạp xe. Không dự định, không toan tính kĩ lương sẽ ăn gì, ở đâu, chị chỉ biết rằng sau khi đi hết quãng đường gần 100 cây số bằng xe đạp, chị sẽ được về nhà.
Thấy thương cảm trước hoàn cảnh của chị, nhóm anh Ngôn Thắng đã đưa chị về Bếp ăn 0 đồng ở tạm. Một cuộc đời mới cũng từ đó mà bắt đầu. Mẹ con chị có một mái nhà để cư trú, em bé được mua tã, sữa... không còn khóc quấy như trước nữa.
Chị Hồng là một trong những trường hợp được giúp đỡ, chở che giữa mùa dịch bệnh. Anh Ngôn Thắng cho biết thêm: "Khi giãn cách xã hội tại các tỉnh miền Tây bắt đầu, người đi khám chữa bệnh từ Vĩnh Long lên Cần Thơ phải khai báo y tế và thực hiện xét nghiệm Covid-19. Một số người chạy thận phải qua lại giữa hai thành phố rơi vào bế tắc. Vì họ không có đủ chi phí làm xét nghiệm, đành chọn cách ở lại Cần Thơ". Anh Thắng đã cho họ ở lại Nhà Chung. Tại đây, họ có thể an tâm chữa bệnh mà không còn nơm nớp về chi phí đi lại nữa.
Bên cạnh đó, anh Thắng vẫn nhớ rất nhiều trường hợp đầy nuối tiếc, để lại cho mình vô vàn cảm xúc. Một cô bé chạy thận yếu ớt, hay sang chỗ của anh để lấy cơm từ thiện. Cô vẫn được mọi người nhớ đến với nụ cười và sự lạc quan. Một ngày nọ, cô bé mới bộc bạch rằng: "Anh Thắng ơi, em thèm cá quá, anh có thể để cho em 2 con cá hú không". Anh gật đầu, thu xếp nơi phát cơm cho cô bé thức ăn. Nhưng cá chưa kịp lấy, cô bé đã q.ua đời vì bệnh tật. Điều này đã để lại trong anh niềm thương cảm sâu sắc.