Tạp chí điện tử Saostar
Đến tin mớiTin Mới Đến tin hotTin Hot
Nhập từ khoá tìm kiếmTìm kiếm
Sắc màu cuộc sống

Chuyện của ngoại: Bán máu, nhặt ve chai và hành trình 15 năm rong ruổi mưu sinh nuôi đứa cháu 'dở người'

Ngoại dù có bán máu, nhặt ve chai và sống kham khổ đến mức nào cũng chịu đựng được, chỉ cần đứa cháu bình an. Đứa bé ấy, 15 năm qua cứ dặt dẹo bám theo ngoại trên chiếc xe kể về cuộc đời mình.

Trong buổi trưa đứng bóng, nắng đổ dài oi bức, bé Nga nằm nép mình bên người ngoại. Bà cụ lấy nón lá che nắng cho cháu. Họ cứ ngồi như thế, bên chân cầu Calmette đổ dài xuống đường Bến Vân Đồn (Q.4, TPHCM).

Ban ngày, bà cháu rong ruổi khắp Sài Gòn. Gần trưa, họ lại ghé chân cầu, bà chăm cháu muỗng cháo, nhìn nó khờ người cười cười nói nói. Cứ như thế, nhiều năm nay, góc cầu Calmette bỗng dưng trở thành chỗ dừng chân đặc biệt cho cả hai trong cuộc hành trình dài dằng dặc của mình. Gọi tên cho “vĩ đại”, chứ đó chỉ là chuyến xe đạp cót két hai bà cháu đi nhặt ve chai khắp Sài Gòn.

Ký ức về lần bán máu chữa bệnh “dở người” cho cháu

Cứ mỗi ngày theo con đường từ nhà đến trường, rồi vòng từ trường về nhà, hai buổi trưa và chập tối, tôi đều thấy hai bà cháu ngồi dưới bụi hoa dâm bụt mọc ở chân cầu.

Bà ngồi nghỉ cho đỡ mệt, cho con Nga ăn tí chào rồi đợi tối đi nhặt ve chai luôn. Về nhà nóng lắm, ở đây gió lồng lộng thế này lại ưng cái bụng…” - bà Hồng bắt đầu câu chuyện như thế.

Chiếc xe đạp chở 2 bà cháu đi nhặt vé chai khắp Sài Gòn.

Bà ngoại của bé Nga.

Năm một tuổi, ba Nga mất. Năm tuổi, mẹ Nga cũng qua đời. Nó trở thành trẻ mồ côi từ lúc lọt lòng. Hôm còn đỏ hỏn trên tay, bác sĩ đã dặn ngoại: “Nuôi khéo khéo, con bé bị bệnh rồi đó”!

Bà Hồng ngờ ngợ: “Bệnh gì?”. “Thì bệnh khó nuôi”- đó là câu đầu tiên bác sĩ nói với gia đình. Khi ấy, bà chỉ nghĩ là con bé tánh khó ăn khó uống nên bác sĩ nhắc nhở. Nào ngờ, đó là một điềm báo xấu thật xấu về tương lai của một đứa trẻ.

Trong vòng tay ngoại, Nga lúc nào cũng vui vẻ, hạnh phúc.

Cho đến năm bé Nga lên 4, khuôn mặt nó bắt đầu thay đổi hẳn. Đôi mắt một mí xếch lồ lộ ra ngoài, cái mũi tẹt lét, chân tay cún cỡn và nói chuyện khó khăn hơn những đứa trẻ bình thường. Khi ấy, bà mới rõ cái bệnh “khó nuôi” mà bác sĩ nói hồi ấy là bệnh “dở người”.

15 tuổi rồi, mà nó chả biết gì hết trơn. Ham ăn, ham ngủ, lâu lâu lại đánh ngoại như một đứa con nít vậy. Mà trách gì nó, nó bệnh bà thương, con cháu mình sao bỏ được” - bà cười.

Bé Nga mắc hội chứng down bẩm sinh. Từ dạo ấy, ngoại đưa nó vào viện đều như cơm bữa. Bà kể: “Hồi nhỏ, nằm viện lâu quá hổng đủ tiền bà lại bỏ giỏ đưa nó về. Có lần người ta bày muốn kiếm tiền nhanh thì đi bán máu. Bà tay bế con bé, cũng hớt hải chạy đi bán máu thật. Họ thương, hổng lấy máu mà còn góp tiền cho bà cháu. Biết vậy, chớ bán máu cũng vì chỉ vì muốn có cơ hội chữa bệnh cho nó trở lại bình thường”.

2 bà cháu lúc nào cũng sát kè bên nhau.

Cứ thế, con bé lớn dần trên những chuyến xe đi nhặt ve chai của ngoại. Cháu ngồi yên trước, ngoại ngồi yên sau, chân bà ngắn ngủn cố đạp từng bước mệt nhọc. Nắng mưa đều đặn, con bé mồ côi quanh quẩn theo chân bà rong ruổi suốt 15 năm ròng.

Tình bà cháu trên chiếc xe đạp con con

Họ làm việc và ăn ngủ ngoài đường.

Chiếc xe đạp cũ mèm, đã gãy phẩn nửa vì không chịu nổi sức nặng của bé Nga nhưng không bao giờ, bà ngoại bỏ cháu lại một mình.

Trời vừa chưng hửng sáng, hai bà cháu lại bắt đầu cuộc hành trình. Hôm tôi ghé, mặt trời đổ lửa xuống mặt đường nhựa như tan chảy, bé Nga vẫn nép vào lòng ngoại dưới góc râm bụt. Nó mệt lả, ngả người ra tấm ni lông mỏng chắn đôi dép lê màu hồng đất, ngủ ngon lành. Ngoại móc ở đầu xe đạp ra cây dù che nắng, thêm chiếc khăn nhúng nước phủ lên quanh trán nó. Mặt con bé hứng nắng, rơm rớm mồ hôi đọng bên vành trán đỏ phừng, ngoại nhìn nó mà thương.

Người ta bảo bà bỏ nó vô trại trẻ cho cô giáo nuôi, cứ rong ruổi khắp nơi tội nghiệp con bé. Nhưng nó vậy, hổng ai chăm được ngoài ngoại cả. Khổ thì khổ chứ bỏ hổng đành, có đến lúc chết bà vẫn chăm thôi”.

Chiếc xe đạp cũ bé tí tẹo theo hai bà cháu 14 năm, giờ đây, đã không chịu nổi sức nặng của bé Nga. Nó gãy phân nửa, bà phải hàn đi hàn lại mấy lần. Vậy mà, chưa bao giờ trên con yên xe, bà Hồng bỏ lại đứa cháu một mình.

Ước mơ lớn nhất của bà là mong có thể sống lâu hơn để chăm sóc cho Nga.

Con biết không? Cả đời bà chưa bao giờ mơ sẽ có nhà cao cửa rộng, con cháu giỏi giang như người ta. Chỉ mong cạnh con bé ngày nào hay ngày ấy. Nó bệnh vậy xem cũng may. Hổng lỳ lợm, phá phách lại đau đầu đi kiếm, suốt ngày quanh quẩn bên chân ngoại thôi. Vậy là cuộc sống đủ vui rồi”, bà Hồng ước.

Nga 15 tuổi, bằng tuổi nó những đứa con gái đã vào lớp 10, là những cô nữ sinh duyên dáng hay mặc chiếc áo dài trắng tinh mà tôi từng thấy ở cổng trường cấp 3 Sài Gòn. Còn Nga mãi hồn nhiên, nói cười một mình như đứa trẻ mới lên 3.

Ngoại dạy nó biết ăn nói lễ phép, dạy nó ngồi yên xe rong ruổi khắp Sài Gòn và dạy nó cả cách nhặt ve chai hằng đêm để có tiền. Điều duy nhất mà con bé có thể tự làm là gọi hai tiếng: ngoại và mẹ. Lần nào nghe được cái giọng ngọng nghịu đáng yêu ấy, bà ngoại cũng mừng khóc.

“Sao con bé cứ lúc ngoại, lúc mẹ hoài vậy bà?”,tôi hỏi. Đó cũng là câu hỏi không ít lần người ta thắc mắc. Nghe xong, bà ngoại chỉ khẽ đáp: “Kệ đi cậu ơi, nó có nhớ gì đâu, gọi là gì cũng được à. Miễn là nó còn thương mình là tốt rồi”.

7h tối, hàng quán tất bật mở cửa, những chiếc loa thùng mở nhạc inh ỏi. Nga leo lên xe, ngoại nó đẩy bánh lái cọt kẹt xổ xuống cầu. Hai bà cháu thong dong đi. Ánh đèn đường léo lét hắt lên lưng ngoại nó, một màu buồn khó tả.

Copy Link
Chia sẻ

Bài viết Lâm Hoàng

Được quan tâm

Tin mới nhất
Quỳnh Kool cưới?