Tạp chí điện tử Saostar
Đến tin mớiTin Mới Đến tin hotTin Hot
Nhập từ khoá tìm kiếmTìm kiếm
Sắc màu cuộc sống

Chụp selfie, bay tự do và cái chết thương tâm của người trẻ

Dù cái giá phải trả có thể là mạng sống, nhiều người trẻ vẫn quyết tâm cháy hết mình với niềm đam mê chinh phục những thử thách mạo hiểm.

Selfie trên nóc nhà chọc trời, nhảy từ vách đá cao hàng trăm mét trong bộ đồ “bay”… là những cách giới trẻ ưa mạo hiểm chọn để “giải nhiệt” hiện nay.

Thế nhưng, ranh giới giữa trải nghiệm và sự liều lĩnh rất mong manh. Chỉ một chút sơ sẩy, họ sẽ phải trả giá đắt. Đó là mạng sống, tuổi thanh xuân, cùng nỗi đau cho những người ở lại.

Chàng trai Nga selfie trên cột tháp chọc trời: Bất chấp nguy hiểm tới tính mạng, Alex Nomernoy đã trèo lên đỉnh tháp truyền hình Galich cao 350m để quay phim, chụp ảnh. Anh bị dân mạng chỉ trích vì hành động mạo hiểm của mình.

Niềm đam mê chết người

Selfie trên thành cầu, đỉnh tháp, nhà chọc trời không phải môn thể thao, chỉ đơn giản là niềm đam mê của những người ưa độ cao chóng mặt. Thực tế, nhiều người đã phải chịu hậu quả nặng nề từ hành động này, thậm chí mất mạng.

Theo Priceonomics, ít nhất 12 vụ chết người liên quan đến selfie trong năm 2015. Con số này cao hơn cả số người thiệt mạng vì bị cá mập tấn công (8 người). Ấn Độ là quốc gia có tỷ lệ tử vong vì nguyên nhân này cao nhất thế giới.

TS Lin Qiu - người thực hiện nghiên cứu về chụp selfie cho Đại học Công nghệ Nam Dương, Trung Quốc - nhận xét: “Khi mọi người quá tập trung vào việc chụp selfie, họ sẽ không để ý tới xung quanh. Điều đó có thể gây ra những tình huống nguy hiểm”.

Theo GS Jill Walker Rettberg thuộc Đại học Bergen (Na Uy), nguyên nhân dẫn đến tai nạn thương tâm không phải chuyện selfie, mà là cảm giác phấn khích của người chụp khi đứng cạnh vách đá cheo leo.

Bất chấp những lời cảnh báo, nhiều bạn trẻ vẫn tìm đến các địa điểm có độ cao hàng chục, thậm chí hàng trăm mét để thỏa mãn sở thích của mình. Đáng tiếc thay, số vụ tử nạn vì selfie tỷ lệ thuận với điều đó.

Ngày 17/9, 6 nữ sinh Đại học Kỹ thuật Vaagdevi (Ấn Độ) leo ra rìa mỏm đá ở huyện Warangal để chụp ảnh “tự sướng”. Một cô gái không may trượt chân ngã xuống hồ nước bên dưới.

Trong cơn hoảng loạn vì không có ai ở gần đó để cầu cứu, lần lượt 5 nữ sinh nhảy xuống cứu bạn. Cuối cùng, chỉ có một người may mắn sống sót.

Andrey Retrovsky mãi ra đi ở tuổi 17, do đu mình ra ngoài tòa nhà 9 tầng để selfie. Ảnh: Instagram NV.

Andrey Retrovsky mãi ra đi ở tuổi 17, do đu mình ra ngoài tòa nhà 9 tầng để selfie. Ảnh: Instagram NV.

Trước đó, ngày 3/8, một nam sinh 22 tuổi người Ấn Độ cũng tử nạn vì trượt chân rơi từ hẻm núi cao hơn 600 m trong khi đang mải selfie cùng nhóm bạn thân. Ngày 29/6, du khách Hàn Quốc tên Kim Jongyeob (28 tuổi) mất mạng sau nỗ lực tạo dáng trên đỉnh thác Gocta, Peru cao gần 490 m.

Tháng 9/2015, chàng sinh viên người Nga tên Andrey Retrovsky - chủ trang Instagram @drewsssik, chuyên đăng tải những bức hình selfie mạo hiểm - trèo lên tòa nhà 9 tầng ở Moscow và đu mình ra ngoài bờ tường để giả vờ như đang rơi xuống. Không may, nam sinh trượt tay, rơi xuống và qua đời khi mới 17 tuổi.

Thực tế, nhiều bạn trẻ tham gia selfie mạo hiểm để thử thách bản thân hoặc giành “phần thưởng” là những lượt like (thích), chia sẻ cùng lời tung hê trên mạng xã hội.

Thoả mãn giấc mơ “bay”

Cũng giống như selfie mạo hiểm, Wingsuit flying và BASE jumping là những trò chơi sinh tử, trong đó ranh giới giữa sự sống và cái chết rất mong manh.

BASE jumping đứng đầu danh sách 10 môn thể thao mạo hiểm nhất thế giới, cướp đi sinh mạng của 5-10 người mỗi năm, theo Wonderlist. Trò chơi này là biến thể của môn nhảy dù, mang đến cảm giác mạnh tột cùng cho người tham gia chỉ trong thời gian rất ngắn.

Những nóc cao ốc chọc trời, cầu và vách đá là nơi “lá gan thép” ném mình vào không trung, trước khi tiếp đất bằng dù. Ở Mỹ và nhiều quốc gia khác, BASE jumping là trò chơi bất hợp pháp, ngoại trừ các sự kiện được phép tổ chức.

Ngôi làng Lauterbrunnen ở Thụy Sĩ được coi là “thánh địa” của dân chơi cảm giác mạnh với những vách đá dựng đứng cao đến 1.000 m. Tuy nhiên, người dân địa phương coi môn thể thao chết người này là bệnh dịch của bầu trời.

Theo Blincmagazine, từ tháng 4/1981 đến nay, có 309 trường hợp tử vong vì BASE jumping. Đặc biệt, năm 2006, tỷ lệ tử vong do trải nghiệm cảm giác “bay” lên tới 1/60.

Môn thể thao Wingsuit flying được phát minh vào cuối những năm 1990. Người chơi khoác lên mình bộ đồ Wingsuit - trang phục được thiết kế từ chất liệu siêu nhẹ, khiến cơ thể tạo thành mặt phẳng, cản gió, có thể bay lượn trong không trung - và nhảy xuống từ các vị trí cao hàng trăm, hàng nghìn mét rồi tiếp đất bằng dù.

Xét về bản chất, Wingsuit flying là một dạng phát triển của BASE jumping. Tính đến nay, ít nhất 6 vụ thiệt mạng của người chơi Wingsuit flying được ghi nhận trong năm 2016. Đa số nạn nhân đều còn rất trẻ.

Ngày 26/8 vừa qua, vận động viên thể thao mạo hiểm người Italy - Armin Schmieder - tử nạn do nhảy Wingsuit flying từ dãy núi Dolomite (thuộc một phần của vùng núi Alps Thụy Sĩ), ở độ cao khoảng 3.000 - 3.342 m, theo Independent.

Đặc biệt, trước khi gặp nạn, chàng trai 28 tuổi còn sử dụng tính năng live stream (phát trực tiếp) trên Facebook để ghi lại trải nghiệm của mình. Chính về thế, tiếng hét thất thanh trong những phút cuối đời của Armin khiến nhiều người không khỏi ám ảnh và đau xót.

Chàng trai xấu số Armin Schmieder tử vong do nhảy Wingsuit flying từ độ cao hơn 3.000 m hôm 26/8. Ảnh: Ilgazzettino.

Chàng trai xấu số Armin Schmieder tử vong do nhảy Wingsuit flying từ độ cao hơn 3.000 m hôm 26/8. Ảnh: Ilgazzettino.

Những tay “lão làng” của môn thể thao mạo hiểm này cũng không thoát khỏi lưỡi hái tử thần.

Ngày 3/7/2015, Jhonathan Florez (32 tuổi) - nhà vô địch Wingsuit thế giới 2013, được mệnh danh là “Birdman” - thiệt mạng sau khi nhảy từ núi Titlis, Thụy Sĩ cao 3.238 m.

Ngay cả “huyền thoại mạo hiểm” người Mỹ - Dean Potter (42 tuổi) - cũng bỏ mạng khi thực hiện cú nhảy Wingsuit từ độ cao khoảng 2.286 m tại khu vực vách đá Taft Point, thuộc công viên quốc gia Yosemite (Mỹ) hôm 16/5/2015.

Người bạn đồng hành cùng Potter là Graham Hunt (29 tuổi) cũng thiệt mạng. Còn chú chó Whisper luôn đồng hành cùng “huyền thoại mạo hiểm” trong những chuyến “bay” thì mất tích.

Có đáng để bất chấp tính mạng?

Nguy hiểm, thách thức, cả những cái chết trông thấy…, song tất cả điều trên không thể ngăn được tình yêu, đam mê và giấc mơ của những người dám đánh đổi mạng sống để chinh phục thử thách cực đại. Tuy nhiên, đó là thái độ ích kỷ, cố chấp hay cháy hết mình vì đam mê?

“Nhiều người trẻ đang tự làm hại chính mình. Một bức ảnh selfie không đáng để các bạn phải mạo hiểm cuộc sống”, ông James Millidge thuộc Viện nghiên cứu tàu cứu hộ hoàng gia Anh nhận định về “đại dịch” selfie mạo hiểm của giới trẻ thế giới hiện nay.

Christy - sinh viên đại học người Anh - cho rằng hành động bất chấp an nguy của bản thân để thực hiện những màn biểu diễn nguy hiểm thể hiện sự ích kỷ, thiếu suy nghĩ.

“Gây nguy hiểm cho bản thân đồng nghĩa với việc gieo bi kịch cho gia đình và người bạn yêu thương bạn. Như thế liệu có đáng?”, cô nói.

“Được sống với ước mơ của mình dù trong khoảnh khắc là điều đáng ghen tỵ và ước ao! Mỗi người một suy nghĩ nên chúng ta không thể phán xét liệu có đáng hay không?

Chỉ biết rằng họ đã sống với đam mê và mơ ước - điều mà phần lớn chúng ta không bao giờ với tới được”, thành viên Julie T phản pháo.

Michelle (đến từ Mỹ) nhận xét những người dám biến giấc mơ của mình thành hiện thực, dù nó có điên rồ hay nhuốm màu bi ai thì họ vẫn hơn người bình thường ở quyết tâm sắt đá. Anh cho rằng họ đã quyết dành trọn cuộc đời cho đam mê thể thao mạo hiểm, hãy để họ cháy hết mình vì nó.

Copy Link
Chia sẻ

Bài viết Theo Zing

Được quan tâm

Tin mới nhất