Trong một câu chuyện cũ được chia sẻ trong liveshow Ngẫu hứng của mình, nhạc sĩ Trần Tiến có kể về nguồn gốc của bài hát Giấc mơ Chapi. Câu chuyện đó diễn ra khi chuyến xe jeep du ca của nhạc sĩ đang đi tìm một loại nhạc cụ truyền thống để đi sang Pháp biểu diễn. Nhạc sĩ đã đi rất lâu lên đến một ngọn núi rất cao ở Ninh Thuận, đó cũng là nơi người dân Raglay sinh sống.
Trên ngọn núi hoang vu đó chỉ có một căn nhà tranh với đôi vợ chồng và một đứa con. Trong căn nhà phát ra âm thanh lạ đã làm nhạc sĩ chú ý. Khi đến hỏi thăm thì được người đàn ông ở đó trả lời đấy là cây đàn Chapi một nhạc cụ truyền thống của người Raglay. Nhạc sĩ Trần Tiến đã ngỏ lời muốn mua lại cây đàn đặc biệt đó, nhưng chủ nhân của “Chapi” chỉ cười và đáp: “Nếu anh thích thì tôi tặng, ở đây lâu lắm rồi chúng tôi không dùng đến tiền.”
Thật vậy trong căn nhà đó không có một vật dụng kim khí nào cả, xung quanh căn nhà là bầy gà, bầy dê và lúa nương bạt ngàn. Một cuộc sống mà tưởng chừng chỉ có trong mơ.
Nhưng không phải mơ đâu, vì câu chuyện đó vẫn đang được tiếp nối ở vùng đất đó. Tiếng đàn Chapi phút chốc, đã thành tiếng lòng của người Raglay.
Nắng gió vẫn chưa bao giờ ngừng “ôm” lấy vùng đất này nhưng thiên nhiên lấy đi một điều gì đó thì lại ban tặng một điều khác cho vùng đất đó. Và dù “đày” những đứa trẻ ở đây trong cái khắc nghiệt ấy lại sinh ra cho chúng một đôi mắt đen và một nụ cười sáng lạ lùng.
Tất nhiên những đôi mắt biếc không phải lúc nào cũng cười. Bởi cái nghèo vẫn đeo đuổi các em. Trong đôi mắt đen loáng thoáng buồn khi được hỏi về việc học. Vì đa số các em đều bỏ học từ rất sớm, số còn lại ít ỏi đến trường nhưng cũng không biết là được bao lâu. Nhưng các em đều hiền lành, cái hiền lành của một vùng đất thanh bình như trong lời ca: “Ai yêu tự do, yêu rừng xanh thì lên núi nghe đàn… ChaPi.”
Những đứa trẻ đây rồi sẽ lớn lên, hoặc ở lại quê hương hoặc sẽ đi bốn phương. Nhưng chắc mai đây trên đường đời, nghe tiếng đàn Chapi. Các em sẽ thấy nhớ vùng đất này nhiều lắm, bởi ở nơi đó có một mái tranh nghèo, một nhà sàn yên vui. Nơi không mùa nắng cũng chẳng mùa mưa, chỉ có một mùa-mùa yêu nhau. Và nơi ấy chắc các em nhìn về thấy cả tuổi thơ ngọt lành được “ướp” trọn bằng tiếng đàn của người Raglay.