Giữa lòng đô thị hiện đại và nhộn nhịp bậc nhất đất nước, chợ Xóm Củi mang trong mình nét đẹp mộc mạc khiến ta nhớ về một Sài Gòn của ngày xa xưa.
Dưới chân cầu Nhị Thiên Đường (quận 8, TP HCM) chợ Xóm Củi vẫn nhộn nhịp người mua kẻ bán đã hơn một thế kỷ qua. Trước nhiều đổi thay của thành phố, sự phát triển nhanh chóng của các trung tâm thương mại hiện đại, những khu chợ bình dân lại gợi cho người Sài Gòn nói riêng những ký ức của một thời đã xa.
Những chiếc dù đã bạc màu tựa như thời gian mà khu chợ đã trải qua trong ngần ấy năm. Trước đây đa số người dân ở tại khu vực này làm nghề bán củi, nên chợ có tên là chợ Xóm Củi. Ở Sài Gòn xưa kia có rất nhiều xóm được đặt tên theo nghề nghiệp như: xóm chiếu, xóm gà, xóm giá, xóm lò gốm…
Đi chợ từ lâu luôn là công việc của người phụ nữ trong gia đình. Thế nhưng khi các siêu thị mọc lên như nấm, hình ảnh các chị các mẹ đội nón lá, xách giỏ đi chợ không còn phổ biến nữa.
Chợ ở mỗi vùng miền mang trong mình một đặc điểm khác nhau, tuy nhiên điểm chung là nơi để người dân trao đổi mua bán hàng hóa.
Những người hành khất lớn tuổi vốn là hình ảnh quen thuộc trong các khu chợ quê ở Miền Nam.
Việc bày biện sản phẩm ở chợ cũng không cầu kỳ và kỹ lưỡng như ở trong các siêu thị, tuy nhiên lại mang một vẻ rất bình dị, gần gũi.
Hàng gạo với kiểu trưng bày sản phẩm quen thuộc của người Việt.
Những buồng chuối vàng ươm được bày biện mộc mạc tại một gian hàng ở đầu chợ.
Trả giá cũng chính là nét văn hóa rất riêng của chợ. Bạn có thể vô tư trả giá sao cho thuận mua vừa bán. Dù chỉ tăng giảm một, hai ngàn đồng, nhưng hễ đi chợ thì các bà, các cô đều trả giá, như một thói quen.
Cô Mai cho biết đã bán ở chợ Xóm Củi gần 30 năm, trải qua rất nhiều thâm trầm cùng khu chợ, cô cảm thấy ở đây như một phần gia đình mình.
Cô tâm sự: “Sau này lớn tuổi rồi, không còn được sáng sáng dọn hàng ra bán, không được trò chuyện cùng khách hàng và các chị em xung quanh, lúc đó chắc sẽ buồn lắm?”.
Ở chợ Xóm Củi, chúng ta có thể tìm mua những mặt hàng mà đôi khi ở các trung tâm thương mại to lớn không có. Trầu cau là một trong những loại hàng hóa đó, cô Sáu cho biết cô chủ yếu bán cho những khách hàng lớn tuổi còn sở thích ăn trầu và cung cấp cho các lễ ăn hỏi, cưới xin.
Khu vực ẩm thực của chợ cũng mang trong mình một đặc trưng riêng. Các gian hàng thực phẩm sang sát nhau, người đến ăn thì có thể tự do lựa chọn vị trí ngồi cho tiện nhất. Đồng thời, bạn có thể vừa thưởng thức ẩm thực vừa được nghe chủ quán kể về rất nhiều chuyện thú vị.
Ồn ào, náo nhiệt luôn là nét đặc trưng của chợ, nhưng tại một góc nhỏ sâu trong chợ, người đàn ông này vẫn từ tốn thực hiện công việc của mình, không xô bồ, không hối hả.
Và cụ Trúc cũng vậy, giữa không khí nhộn nhịp của chợ, đã hơn 40 năm nay, cụ vẫn miệt mài với công việc của mình. Hằng ngày có người chở lá chuối đến giao cho cụ. Cụ phân loại và sắp xếp lại, rồi bán cho khách với giá 10.000 đồng/kg.
Cụ cười hiền hòa, nhưng chất chứa một sự nuối tiếc: “Người ta bây giờ ít đi chợ rồi, trải qua ngần ấy thời gian gắn bó với nơi này, nên bà cảm thấy tiếc”.
TP HCM ngày một phát triển không ngừng, mặc cho một bộ phận người dân đã bắt đầu quen với việc mua sắm ở các trung tâm thương mại hay siêu thị, thì chợ vẫn là nơi sinh hoạt cộng đồng không thể thiếu của người Việt nói chung và người Sài Gòn nói riêng. Chợ, dẫu ồn ào, phức tạp thì dù đi đâu về đâu nó vẫn sẽ luôn là một phần của lịch sử và ký ức của mỗi chúng ta - những người con Sài thành.