Chủ thẩm mỹ viện Cát Tường trải lòng sau 6 năm xảy ra vụ án gây chấn động dư luận
Cách đây vừa tròn 6 năm, vụ án thẩm mỹ viện Cát Tường phi tang xác nạn nhân khiến dư luận được một phen bàng hoàng vì tính chất của sự việc. Sau vụ án, bị cáo Nguyễn Mạnh Tường, chủ của thẩm mỹ viện cùng tên bị Toà án nhân dân tối cao tuyên phạt 19 năm tù trong phiên toà phúc thẩm. Bị cáo Đào Quang Khánh, bảo vệ thẩm mỹ viện cũng bị tuyên phạt 33 tháng tù giam và đã được mãn hạn tù vào năm 2017.
Cho tới thời điểm hiện tại, bị cáo Nguyễn Mạnh Tường đã chấp hành án được 5 năm tại trại giam Ninh Khánh (tỉnh Ninh Bình). Gặp chúng tôi, Tường khá điềm tĩnh, lời nói dứt khoát, chậm rãi. Những chuyện đã xảy ra với Tường năm đó như một quá khứ kinh hoàng vẫn luôn hiện hữu trong tâm thức. Phạm nhân này nỗ lực để cải tạo thật tốt nhằm chuộc lại những lầm lỗi một thời mà y đã gây ra.
Tường cho biết, từ khi vào trại giam đến bây giờ luôn nhận được sự quan tâm của ban giám thị cũng như sự giúp đỡ của mọi người. Từ đó, Tường thấy cuộc sống bớt đi nỗi buồn khi mà án tù kéo dài đến 19 năm. “Trại giam nhốt đi tất cả cơ thể lẫn tinh thần của tôi trong suốt thời gian dài. Tuy vậy, được ban giám thị quan tâm dần dần, tôi cũng đã quen và mong muốn cải tạo tốt để sớm được hoà nhập, hoàn thiện bản thân mình”, Tường nói.
Những lúc trong căn phòng giam tối om, Tường luôn cầm theo sách rồi tận dụng ánh sáng mặt trời hay đèn điện để đọc. Đó cũng là thói quen giúp anh giết thời gian và giúp ích cho bản thân được tốt hơn, biết được nhiều điều tốt đẹp trong cuộc sống và trí thức của nhân loại.
“Đọc sách giúp tôi hiểu rõ một chân lý cơ bản nhất đó là nhìn nhận vấn đề bằng cái nhìn tích cực. Dù sự việc đó xảy ra là tốt hay không tốt thì điểm tích cực sẽ đưa con người ta trở nên tốt hơn”, Tường trầm tư.
Nam phạm nhân tâm sự, có nhiều điều làm anh nuối tiếc sau vụ án đau lòng xảy ra cách đây 6 năm tại thẩm mỹ viện Cát Tường. Tường tiếc vì mình đã được đào tạo thành một bác sĩ cứu giúp bệnh nhân và là người mà cả xã hội cần, nhưng khi rơi vào hoàn cảnh như vậy lại làm những điều không ai có thể tha thứ được.
“Trước đây tôi là một bác sĩ, trong đầu chưa hề có suy nghĩ nào có thể gây tổn thương đến ai cả, thậm chí tôi phải cứu giúp hoặc có hành động giúp đỡ người khác. Sự việc xảy ra tại thẩm mỹ viện Cát Tường là một điều bất ngờ. Tôi bất ngờ vì không ý thức được, không suy nghĩ được gì rồi lại hành động trong vô thức mà đến bây giờ vẫn không lý giải tại sao mình lại làm như vậy? Tôi đặt ra rất nhiều câu hỏi nhưng cũng không trả lời được tại sao mình lại làm thế. Nghĩ ra việc phi tang xác bệnh nhân là hoàn toàn trong vô thức”, Tường lặng lẽ nói.
Tường ân hận về những gì mình đã làm. Anh cho biết nếu lúc đó đủ bình tĩnh sẽ không xử lý theo cách như vậy mà sẽ làm những điều tốt nhất, chẳng hạn như đưa bệnh nhân đến cơ sở y tế gần nhất với hy vọng cứu được bệnh nhân. “Những gì tôi làm khiến cho gia đình, vợ con tôi phải chịu rất nhiều áp lực. Tôi đã phải suy nghĩ rất nhiều, áp lực rất lớn, làm sao để vượt qua với tôi không phải đơn giản. Tôi luôn cố gắng động viên vợ con vượt qua và họ cũng động viên tôi để cố gắng đi qua những khó khăn.
Khi xảy ra chuyện, con tôi còn rất nhỏ. Cháu chưa nhận thức được nên thường hay hỏi mẹ ‘Tại sao bố đi mãi không về?’ Tôi biết con nhớ mình và chính tôi cũng rất nhớ con. Khi được gặp con, mới đầu con nói ‘A! Bố đây rồi’. Lúc đó tôi không nói gì, chỉ nhìn con, chỉ nói với con rằng bố sắp về rồi, bố đi làm sẽ sớm về với con. Những hành động của con khiến tôi cảm động, giúp tôi có động lực phấn đấu để cải tạo tốt nhằm chuộc lại lỗi lẫm rồi về lại với gia đình”, Tường xúc động chia sẻ.
“Từ đáy lòng, tôi xin lỗi gia đình bị hại, gia đình tôi cùng toàn ngành y”
6 năm đã trôi qua kể từ ngày đầy biến cố đó, Tường cho hay bản thân cảm thấy rất hối hận, mong muốn gia đình chị Lê Thị Thanh Huyền thông cảm và tha thứ cho những lỗi lầm của mình. “Con người quý nhất đó là gia đình, sự mất mát này không ai mong muốn. Tôi rất hối hận và cảm thấy tiếc nuối, mong sao gia đình bị hại thông cảm và tha thứ cho lỗi lầm đó của tôi. Những thứ trong quá khứ đã xảy ra giờ không thể làm lại được.
Đây là lời xin lỗi xuất phát từ trái tim, tôi chỉ hy vọng nhận được sự tha thứ của gia đình bị hại dù chỉ một chút thôi. Điều chân thành nhất muốn nói ra lúc này đối với gia đình bị hại cũng như với vợ con tôi, là tôi mong nhận được sự thông cảm vì những điều sai lầm tôi đã gây ra cho cả hai. Sự khoan dung không chỉ tốt cho tôi mà cho cả gia đình hai bên. Trước nhất là sự tạ lỗi đối với gia đình bị hại, cũng như tạ lỗi đối với gia đình mình, đối với truyền thống mà gia đình đã gây dựng”, Tường ân hận.
Đối với xã hội, ngành y là một trong những ngành nghề cao quý. Tường được tiếp nghề của bố và cho biết chính bản thân cũng rất trân trọng và lấy làm tự hào với ngành của mình. Trong thời gian làm việc Tường kể đã cố gắng làm thật tốt. “Tuy nhiên, khi xảy ra sự việc thế này tôi không biết nói thế nào để bào chữa cho mình. Tôi chỉ biết xin lỗi toàn bộ ngành y, xin lỗi rất chân thành cái nghề cái nghiệp của mình”, Tường nói thêm.
Kết thúc buổi gặp, Nguyễn Mạnh Tường bước từng bước chậm rãi để rời khỏi phòng rồi về lại phân trại mình đang bị giam giữ. Ở đây Tường sẽ cải tạo cùng những người từng mang lầm lỗi như anh. Lúc nghỉ ngơi, Tường đọc sách để giúp bản thân tĩnh tâm và học hỏi những điều mới mẻ.
Tường chờ đợi, mong ngóng đến ngày được vợ đưa hai con vào thăm. Kể từ khi Tường bị bắt giữ, người vợ cũng đã phải thay anh để làm trụ cột của gia đình. Tường muốn cải tạo thật tốt để sớm về bên gia đình, làm lại cuộc đời sau những lỗi lầm mình đã gây ra.
Ông Khương Văn Cát, Phó giám thị phụ trách Phân trại số 1, Trại giam Ninh Khánh cho biết, phạm nhân ở đây là những người có quá khứ lầm lỗi vì hành vi vi phạm pháp luật. Khi vào trại nhiều người bi quan chán nản buông xuôi, đa số họ là phạm nhân chịu án dài, trong đó có Nguyễn Mạnh Tường phải chịu án phạt đến 19 năm tù giam.
“Phạm nhân Nguyễn Mạnh Tường đã trải qua thời gian cải tạo 5 năm ở trại giam Ninh Khánh. Ban đầu khi mới vào trại, người này rất bi quan, không muốn tiếp xúc với phạm nhân xung quanh. Qua nghiên cứu tâm lý, chúng tôi đã gặp gỡ động viên để anh ấy nhận ra sai trái của mình. Đặc biệt thời gian qua chúng tôi đẩy mạnh phong trào thi đua bằng nhiều biện pháp giáo dục. Trong đó có phong trào viết thư gửi lời xin lỗi để phạm nhân phấn đấu nhiều hơn. Phạm nhân Tường rất tích cực tham gia, thái độ trở nên lạc quan hơn, luôn được đánh giá là phạm nhân cải tạo khá tốt”, ông Cát chia sẻ.
Trưa 19/10/2013 tại Thẩm mỹ viện Cát Tường (đường giải Phóng, phường Đồng Tâm, quận Hai Bà Trưng), Nguyễn Mạnh Tường phẫu thuật hút mỡ bụng để nâng ngực cho chị Lê Thị Thanh Huyền dẫn đến hậu quả bệnh nhân tử vong.
Lợi dụng hỗn loạn, Đào Quang Khánh (19 tuổi, bảo vệ của thẩm mỹ viện Cát Tường) lấy trộm chiếc điện thoại iPhone 5 của chị Huyền trị giá 12 triệu đồng. Đêm cùng ngày, Tường và Khánh khiêng thi thể chị Huyền ra ôtô chở đến Bệnh viện Bưu Điện. Lo sợ bị phát hiện và xác chị Huyền trở nên cứng, cả hai bàn nhau mang thi thể bệnh nhân xấu số lên Cầu Thanh Trì vứt xuống Sông Hồng.
Cáo buộc cho thấy Nguyễn Mạnh Tường là bác sĩ khoa ngoại, Bệnh viện Bạch Mai. Dù chưa được phép hoạt động của Sở Y tế Hà Nội nhưng Tường vẫn tiến hành thực hiện thẩm mỹ tại Thẩm mỹ viện Cát Tường.
Cấp sơ thẩm và phúc thẩm tuyên phạt bị cáo Tường 19 năm tù về tội Vi phạm quy định về khám bệnh, chữa bệnh, sản xuất, pha chế thuốc, cấp phát thuốc, bán thuốc hoặc dịch vụ y tế khác và tội Xâm phạm thi thể, mồ mả, hài cốt; Đào Quang Khánh (18 tuổi, ở quận Đống Đa) 33 tháng tù về tội Trộm cắp tài sản và Xâm phạm thi thể, mồ mả, hài cốt.