Tạp chí điện tử Saostar
Đến tin mớiTin Mới Đến tin hotTin Hot
Nhập từ khoá tìm kiếmTìm kiếm
Sắc màu cuộc sống

Chơi xúc cát, bé 4 tuổi suýt bị thủng màng nhĩ

Xúc cát là trò chơi quen thuộc, được khá nhiều trẻ ưa chuộng nhưng cũng tiềm ẩn khá nhiều rủi ro từ những hạt muồng muồng nhỏ và nhọn.

Hiện nay, trò chơi xúc cát được khá nhiều trẻ nhỏ yêu thích trong các khu vui chơi, giải trí. Thấy con có thể ngồi yên chơi ngoan ngoãn hàng giờ không chán với những hạt cát giả (thường được làm từ hạt muồng muồng), phần lớn các ông bố, bà mẹ đều khá yên tâm.
Tuy nhiên, mới đây, trường hợp bé trai 4 tuổi ở Thanh Hóa suýt thủng màng nhĩ khi bị hàng chục hạt muồng muồng nằm trong tai đã khiến không ít phụ huynh phải giật mình vì trò chơi tưởng như vô hại này.

01

Sau khi đăng tải chưa đầy nửa ngày, câu chuyện về việc con trai suýt thủng màng nhĩ vì hạt muồng muồng của chị Hoàng Trang (30 tuổi, hiện đang sống tại thành phố Thanh Hóa) đã nhận được gần 6000 lượt like (thích) và hơn 6000 lượt chia sẻ trên mạng xã hội

Theo lời kể của chị Hoàng Trang, mẹ của cháu bé: “Ngày hôm qua (3/7 - PV), sau khi đưa 2 con đi chơi trò xúc cát ở khu vui chơi về, lúc ngủ trưa tôi thấy con trai nhỏ cứ day day tai liên tục. Thấy nghi ngờ, tôi bảo bé nằm yên để mẹ kiểm tra thì thấy cả hốc tai con toàn hạt muồng muồng nằm bên trong. Tôi tưởng chỉ vài hạt ở ngoài nên tự gắp ra nhưng lấy ra 5 hạt rồi vẫn thấy còn rất nhiều nằm sâu bên trong.

Rất may, ngay gần nhà tôi có anh hàng xóm là bác sĩ của một bệnh viện lớn từ Hà Nội về nghỉ cuối tuần. Sau giờ nghỉ trưa tôi lập tức đưa cháu sang nhờ giúp đỡ. Anh soi tai cháu và gắp ra lia lịa 11 hạt nữa. Con thì khóc thét vì sợ, phải đến 4 người giữ con cho bác sĩ gắp ra hết chừng đó hạt”.

02

Hạt muồng muồng nhỏ và có đầu vát nhọn, khá nguy hiểm khi nằm lại trong tai của trẻ(Ảnh: NVCC)

Chị cho biết, hiện tại tai cháu bé có chảy máu đôi chút, bác sĩ đã cho thuốc uống và thuốc nhỏ tai và dặn theo dõi thêm. Quá lo lắng sau “tai nạn”, chị thử nằm bên tai đau của con thì thầm thật nhỏ xem con có phản ứng gì không, và chỉ thở phào khi thấy con vẫn nghe rõ và nói chuyện bình thường.

Trao đổi với phóng viên, vị bác sĩ trực tiếp gắp hạt muồng muồng cho bé trai cho biết: “Rất may là cháu bé được gia đình phát hiện và gắp hạt ra kịp thời nên không có gì đáng ngại. Nếu hạt chui vào quá sâu hoặc bị để lâu sẽ dễ dấn đến viêm tai, thậm chí thủng màng nhĩ.

Trường hợp tương tự như vậy cũng rất dễ xảy ra ở cả mũi của trẻ chứ không chỉ ở tai. Bởi vậy, khi thấy con có triệu chứng lạ, phụ huynh nên đưa bé đi khám càng sớm càng tốt. Nếu để lâu sẽ dễ dẫn đến viêm nhiễm, biến chứng rất nguy hiểm và khó chữa hơn rất nhiều”.

03

Xúc cát (cát giả, làm từ hạt muồng muồng) là trò chơi khá phổ biến ở các khu vui chơi, giải trí hiện nay và được rất nhiều trẻ em ưa thích (Ảnh minh họa: Minh Châu)

Bác sĩ cũng chỉ ra một vài biểu hiện sớm của trẻ khi bị dị vật chui vào mũi, tai như: ngứa hoặc đau tai, mũi; khó chịu và day nhiều, có mùi hôi ở mũi khi trẻ hít thở, tai sưng nề và có dịch chảy ra…

Theo lời khuyên của bác sĩ, cách tốt nhất để phòng tránh những tai nạn tương tự ở trẻ là phụ huynh cần giám sát chặt chẽ khi cho trẻ chơi ở nơi có những vật nhỏ dễ chui vào tai, mũi, miệng của trẻ như hạt muồng muồng, hạt ngô, lạc, hạt cườm, cúc áo… Và ngoài nguy hiểm với tai và mũi, trẻ cũng có thể nuốt phải các dị vật dẫn đến sặc vào phế quản hay nuốt vào dạ dày, trẻ sẽ tổn thương nặng và việc chữa trị cũng không hề đơn giản.

Lời cảnh báo của chị Trang trên trang cá nhân được đông đảo cư dân mạng chia sẻ:

“Cảnh báo hạt muồng muồng!

Hôm nay quả là một kỉ niệm nhớ đời của mẹ. Chủ nhật mát trời đưa 2 bạn đi chơi khu vui chơi, như thường lệ mẹ ngồi ngoài để các con tự chơi, 3 mẹ con vui vẻ phấn khởi lắm. Trưa về lên giường ngủ thấy em Bon cứ day day tai, mẹ nghi ngờ bảo em nằm yên mẹ kiểm tra.

Ôi trời cả 1 hốc tai toàn hạt muồng muồng (ở chỗ vui chơi có khu nhà cát, không dùng cát thật mà thay bằng hạt muồng muồng). Mẹ cứ tưởng chỉ vài hạt thôi ai dè mẹ gắp ra 5 hạt rồi mà thấy còn rất nhiều sâu bên trong tai con. Lúc ấy nói thật mẹ vẫn to mồm quát con ầm ầm (chơi kiểu gì sao mà lại rơi cát vào tai…) nhưng tay thì run lẩy bẩy.

1h trưa giờ đi bệnh viện hay đi bác sĩ đây? Lọ mọ vào các diễn đàn hỏi thì cũng bình tĩnh lại, cho con ngủ trưa đã chiều dậy giải quyết. Khi đến bác sĩ soi tai thì quả là khủng khiếp. Con khóc thét, 4 người giữ, bác sĩ gắp lia lịa ra 11 hạt nữa.

Bác sĩ còn bảo nếu sâu quá hoặc để lâu thì phải gây mê mới gắp được, hoặc viêm tai thủng màng nhĩ (hú hồn hú vía). Khổ thân con! Giá mà mẹ để mắt đến con hơn một tí thì có phải tốt hơn không. Các mẹ lưu ý, hạt muồng muồng cứng lại có đầu nhọn dễ chui vào tai, vào mũi rất nguy hiểm. Mẹ con em từ nay tạm biệt ạ”.

Cây muồng muồng có chiều cao tầm 1m, cây sống thời vụ mọc hàng năm. Hoa màu vàng, quả hình quả đậu nhưng không dùng ăn được mà dùng làm thuốc nên còn gọi là đậu ma. Hạt muồng muồng là một vị thuốc nam có tác dụng trị huyết áp cao, trị mất ngủ, hắc lào, táo bón, trị đao mắt và chàm ở trẻ nhỏ. Dạo gần đây, nhiều khu vui chơi, công viên, và các gia đình hay sử dụng hạt muồng muồng thay thế cát do hạt trơn và nặng, đã phơi khô và rất sạch sẽ nên khi dùng kèm với các loại đồ chơi xúc cát bé rất thích. Hạt muồng muồng cho bé chơi thường được rao bán với giá 20.000 đồng/kg.a

Copy Link
Chia sẻ

Bài viết Theo Khám phá

Được quan tâm

Tin mới nhất
Những lời xin lỗi của sao Việt trong 2024