Tạp chí điện tử Saostar
Đến tin mớiTin Mới Đến tin hotTin Hot
Nhập từ khoá tìm kiếmTìm kiếm
Sắc màu cuộc sống

CHƠI Trung thu, lại nói về chuyện HỌC của con trẻ

Tết Trung thu, trẻ em khắp nơi được vui chơi thoả thích. Tuy nhiên, từ việc vui chơi, ngẫm lại việc HỌC của các em hiện nay, thực sự có rất nhiều điều cần phải thay đổi.

Nói thật, trẻ con bây giờ học quá nhiều, nhiều đến mức mà chính chúng nó cũng bị chai lỳ cảm xúc, chúng nó còn không có cảm giác kêu ca nữa, vì nó ăn vào trong đầu, trong não, rằng, đối với chúng nó, chỉ có 2 điều: ĂN (thật nhiều) và HỌC (cũng thật nhiều).

Và, chúng nó đã quên mất, hoặc cố tình phải quên đi, một điều vô cùng quan trọng đối với trẻ con độ tuổi từ 12 trở xuống, đó chính là CHƠI. Cái sự quên này, có một phần nguyên nhân cực kỳ quan trọng đến từ chính các phụ huynh. Có rất nhiều ông bố bà mẹ lúc nào cũng chỉ nghĩ đến việc con mình phải học thật giỏi, hoặc ít nhất cũng không được đuối nhất lớp, phải bằng bạn bằng bè. Trong khi, những điều quan trọng nhất, đó là, học thế nào cho hiệu quả nhất, thì đôi khi bố mẹ không bao giờ nghĩ đến.

30-vui-tet-trung-thu-1024x622

Vui chơi Trung thu là một trong những điều mà trẻ con cần được hưởng thụ

Tâm lý của nhiều phụ huynh, đó là luôn thích con mình được cô khen, được đứng đầu lớp. Hay ít ra thì được làm tổ trưởng, lớp trưởng, đội văn nghệ,…tức là kiểu gì cũng phải được làm một cái gì đó, chứ không chỉ là một học sinh bình thường. Cái đó, thực chất là nhằm thoả mãn cái sự “sung sướng, tự hào” của các ông bố bà mẹ, chứ chưa chắc đã phải vì con mình.

Bởi, có mấy khi bố mẹ tâm sự với con để tìm hiểu tâm tư của chúng, hoặc ít nhất là đứng ở một vị trí khách quan, để xem con mình cần gì, muốn gì, và mục đích cuối cùng của việc đi học là gì? Chắc chắn không nhiều bố mẹ thường xuyên làm như thế. Và vì những lý do như vậy, rất nhiều đứa trẻ trở thành cái máy, hoặc thành những chú gà công nghiệp, luôn bị nhồi nhét thức ăn, nhồi nhét kiến thức, nhồi nhét những thứ mà nó không hề muốn.

Chắc không cần kể, thì chúng ta cũng hiểu lịch sinh hoạt của một đứa trẻ cấp tiểu học ở các đô thị kín mít như thế nào. Và, gần như hoàn toàn không có thời gian chơi. Chỉ có học, ăn và cuối cùng là…ngủ. Đấy là lý do vì sao bọn trẻ con thành phố mỗi lần được về quê thăm ông bà là chúng muốn ở lại quê, nhất định không muốn quay về nhà. Tôi đã từng hỏi một đứa cháu học lớp 2, rằng tại sao con muốn ở quê? Và câu trả lời rất đơn giản, mà hầu như người lớn nào cũng đoán trước được: Vì ở quê được chơi, được chạy nhảy, có nhiều bạn, có nhiều con gà, con trâu,… và con không phải học.

Vậy đấy! Bố mẹ nào cũng biết con mình sẽ trả lời như thế. Nhưng để điều chỉnh để giúp chúng thỏa mãn nhu cầu CHƠI thì hầu như rất ít bố mẹ làm được. Cái này phụ thuộc vào quan điểm của các phụ huynh. Có người thì lấy lý do “không có điều kiện” để cho con cái đi chơi, điều kiện ở đây có thể là thời gian, cũng có thể là kinh tế. Tuy nhiên, những nguyên nhân đó đều có thể khắc phục, bởi nếu bạn thực sự quan tâm đến nhu cầu vui chơi cho các con, thì bất kỳ ở đâu cũng có thể chơi được, hoặc đơn giản là đưa con đi công viên, hoặc miễn vé vào cửa, hoặc phải mua vé nhưng cũng chỉ ở mức vài ngàn (như công viên Thống Nhất - Hà Nội). Còn thời gian, bạn cũng hoàn toàn có thể sắp xếp, dù chỉ 30 phút trong một ngày.

Tôi có một người bạn mà cả hai vợ chồng đều có cùng quan điểm, đó là luôn cân bằng giữa CHƠI và HỌC cho con cái họ. Vì thế, bọn trẻ nhà ấy cuối tuần nào cũng được đi chơi. Nếu bố hoặc mẹ đi công tác thì người còn lại sẽ đưa chúng ra công viên, hoặc lên Bờ Hồ,… Nhưng bọn trẻ chỉ vui nhất khi có cả bố và mẹ đi cùng. Bạn tôi kể, nếu ra công viên Thống Nhất thì cả tiền gửi xe lẫn tiền vé chưa đến 15 ngàn (cho cả nhà), còn nếu lên Bờ Hồ đi dạo thì chỉ mất tiền gửi xe. Các buổi tối, bọn trẻ sẽ chỉ học trong vòng 1 tiếng. Quan điểm là chúng phải được nghỉ ngơi để nạp năng lượng cũng như tái tạo chất xám đã tiêu hao trong ngày. Mục đích, tạo cho chúng một tâm lý thoải mái nhất để phát triển một cách bình thường, theo đúng chu kỳ sinh học của con người.

Làm sao để cân bằng giữa chơi và học là câu hỏi cần lời giải của các bậc phụ huynh.

Ép con học quá nhiều mà quên mất việc cần cho các con vui chơi là một sai lầm rất lớn của cha mẹ

Sinh thời, Bác Hồ đã nói về giáo dục, đại ý rằng, ở bậc tiểu học thì dạy con trẻ tập làm quen với con chữ và phải đảm bảo yếu tố CHƠI để bồi dưỡng tâm hồn trẻ. Bậc trung học cơ sở là dạy làm người, dạy kỹ năng sống để trẻ em hoàn thiện phát triển nhân cách. Bậc phổ thông trung học là dạy kiến thức cơ bản và các kỹ năng lao động phổ thông, dạy nghề để các em có thể trở thành người lao động đủ khả năng kiếm tiền nuôi sống bản thân. Bậc đại học là lúc để các em nâng cao kiến thức, tiếp cận tiến bộ thế giới, nghiên cứu khoa học, kích thích tư duy sáng tạo,… Khi ấy, các em sẽ trở nên hoàn thiện, có đủ cả Tâm hồn, Nhân cách, Trí tuệ, Kỹ năng.

Khi sinh con ra, ai cũng mong muốn chúng khoẻ mạnh và lớn lên trở thành người có ích, tự chủ bản thân và bảo đảm cho cuộc sống của mình. Tuổi học trò thì phải được đến trường, nhưng không có nghĩa cứ phải HỌC một cách “nhồi nhét” phản khoa học. Sự HỌC của mỗi con người không chỉ diễn ra trong mười mấy năm học, mà nó là cả đời. Có nhiều cách để chúng ta có thể học được những điều tốt đẹp trong cuộc sống, và có nhiều con đường để dẫn tới thành công mà không cần “nhồi nhét” cái sự HỌC như cách mà nhiều phụ huynh hiện nay đang làm với chính những đứa con thân yêu của mình.

Hãy để trẻ con được sống với đúng tuổi thơ đầy ắp những kỷ niệm đẹp của chúng, để nuôi dưỡng tâm hồn trong trẻo và tạo cho các em niềm tin vào một tương lai tươi sáng!

Copy Link
Chia sẻ

Bài viết Ngô Bá Lục

Được quan tâm

Tin mới nhất
Tiếc cho Đoàn Văn Hậu