Ở nông thôn Việt Nam, thường mỗi xã hoặc một vài làng liền kề nhau có một cái chợ. Chợ của làng nào, xã nào thì gọi theo tên của làng ấy, nói nôm na đó là chợ quê.
Họp chợ là một tập quán có từ lâu đời của người dân ở nông thôn Việt Nam, qua thời gian phát triển, chợ có nhiều hình thức với nhiều ý nghĩa nhưng chung nhất vẫn là nơi để người dân gặp gỡ, trao đổi, mua bán.
Quang cảnh chợ quê rất đơn giản, vài cái lều lợp gianh, lợp lá trên mấy cái cọc xiêu vẹo. Có khi không có lều quán mà chỉ là một bãi đất trống. Người bán bày sản phẩm thành hàng, thành dãy hai bên lối đi. Chủng loại hàng hoá đa phần là những sản vật ở địa phương do vậy mà thay đổi theo mùa vụ.
Ngày nay chỉ còn dấu vết chợ quê ở làng, ở xã, còn chợ huyện, chợ tỉnh hầu như đã biến thành những trung tâm buôn bán lớn trong vùng. Do nhu cầu trao đổi, mua bán nên ngày nào cũng họp chợ. Vì vậy mà mất đi phiên chợ truyền thống ngày trước.
Khi cuộc sống càng phát triển, người ta càng có nhu cầu tìm lại những giá trị xưa cũ, đặc biệt là những gì đã và đang mai một theo thời gian, chợ quê là một trong số đó. Nét văn hóa đặc sắc này khiến ta phải mỉm cười hạnh phúc mỗi khi nhớ về, nhưng cũng không tránh khỏi cảm giác nghẹn ngào khi chứng kiến cảnh chợ quê đang bị o ép và đe dọa bởi quá trình đô thị hóa.
Dưới đây là một số hình ảnh mang đặc trưng riêng của nét quê qua ngày chợ phiên: