Đoạn clip ngắn nói về thực trạng trồng rau tại một làng ở miền Bắc đã khiến không ít người tiêu dùng khá bất ngờ về sự thật của những mớ rau “xấu xí, lủng lỗ” mà bao lâu nay họ vẫn ngỡ là sạch và không có thuốc trừ sâu.
Một người nông dân trồng rau trong clip đã tiết lộ về cách thức biến rau non trở thành rau rách. Bà cho biết: “Rau mà non thì người ta không dám ăn… nên giờ phải quét để giả nốt sâu ăn, quét xong để từ 2- 3 hôm thu hoạch mới thật rau”.
Một người khác cũng không ngại cho biết: “Mình dùng chổi quét nhìn xuống cũng giống như rau rách. Quét thể để chẳng qua là… lừa người tiêu dùng thôi chứ…”
Cứ thế, mỗi khi gần tới thời gian thu hoạch rau, họ lại dùng chổi chà quét khắp các luống rau hòng tạo ra nhiều lỗ chi chít trên lá rau để chúng trông như bị sâu ăn, sau đó lại để thêm vài hôm cho rau già, bớt tươi rồi mới thu hoạch. Một số lượng lớn rau trông chẳng ra gì được đem ra chợ bán một cách vô cùng đắt hàng. Không ít người nội trợ cho rằng: “Thà rau sâu, rửa còn sạch, chứ rau phun thuốc ăn vào người chả biết tích tụ độc hại đến đâu”.
Cứ thế, họ mải miết bỏ đi nhiều luống rau tươi tốt, chỉ chăm chăm chọn những bó rau sâu, màu nhạt nhìn không bắt mắt.
Khủng hoảng rau an toàn
Người nông dân cũng trăm điều khổ sở khi phải chạy theo thị hiếu người tiêu dùng, nếu nuôi theo cách thông thường chắc chắn sẽ phải sử dụng thuốc trừ sâu, thuốc tăng trưởng để bảo đảm lượng thu hoạch rau với chi phí cho phép. Còn nếu tuân thủ theo mô hình VietGAP (rau sạch tiêu chuẩn), họ sẽ phải đối mặt với tình trạng cạnh tranh khốc liệt với thị trường tiêu thụ là các chợ, giá bán ngang bằng với các loại rau sản xuất bình thường nhưng giá sản xuất lại cao hơn. Chẳng còn cách nào khác, họ đành đội lốt rau sạch bằng chiêu lừa mắt người tiêu dùng.
Sau sự kiện nhiều vườn rau VietGAP được phát hiện sử dụng công nghệ phun, tắm để đạt tăng trường siêu tốc cho rau bằng hóa chất, chính người trồng trọt đã phát biểu rằng họ chỉ bán chứ không ăn. Nỗi lo ngại, e dè trong chọn mua rau xanh càng ngày càng trở nên mạnh mẽ. Khi ngay cả thương hiệu đạt chuẩn trong nhiều năm nay cũng bị phơi bày sự thật khó tin thì những người nông dân cùng vài mảnh vườn rau nhỏ bé của mình có gì để bảo đảm cho khách hàng ngoài sự lấp liếm vụng về như kiểu: “Dùng chổi quét để rau trông giống như bị sâu ăn”.
Tuy nhiên, có một sự thật mà người tiêu dùng cần biết đó là: Không phải rau sâu nào cũng là rau an toàn. Vì không ít loại sâu kháng thuốc, dù người trồng xịt thuốc nhiều nên vẫn bị sâu bệnh tấn công dẫn đến có hình dáng, kích thước rất xấu.
Nếu không biết rõ nguồn gốc, xuất xứ, khi lựa chọn rau củ xấu, bị hư, người tiêu dùng rất dễ mua nhầm hàng dạt.
Chọn rau sạch, an toàn
Trong tình trạng có rất ít vườn rau hoàn toàn tuân thủ đúng các quy trình nghiêm ngặt về trồng rau an toàn, thì chính người tiêu dùng chúng ta cần phải tự bảo vệ mình bằng hiểu biết và phương pháp chế biến rau củ kĩ càng như:
- Chọn địa điểm bán hàng có uy tín, chất lượng. Lựa loại rau củ có màu sắc tươi xanh tự nhiên, cầm chắc tay, bề ngoài nguyên vẹn, không trầy xước. Nhặt bỏ lá sâu, dập nát vì đây có thể là vị trí ngấm chất độc hại nhất. Rửa rau sạch và ngâm nước muối để tiệt trùng hết bi khuẩn còn bám trên rau củ.Khi luộc rau không nên đậy nắp, để giúp rau được xanh và các hóa chất trừ sau có thể bay hơi ra ngoài khi ở nhiệt độ cao. Tuyệt đối không mua các loại rau đã gọt sẵn.