Tạp chí điện tử Saostar
Đến tin mớiTin Mới Đến tin hotTin Hot
Nhập từ khoá tìm kiếmTìm kiếm
Sắc màu cuộc sống

Chỉ mới 10 ngày, Pokemon đã thay đổi hành vi lái xe của người Việt: Đi bằng một tay, mắt cắm vào điện thoại!

Theo Trí Thức Trẻ Theo dõi Saostar trên google news

Để tìm các Pokestop lấy banh và tiếp tục săn bắt "thú", người ta buộc phải lao ra đường. Pokemon Go đã khiến nhiều người Việt giờ lái xe máy bằng 1 tay, mắt cắm vào điện thoại và có thể vì lơ là mà nguy hiểm tính mạng bất cứ lúc nào!

Chưa bao giờ, một trò chơi trên smartphone lại thay đổi thói quen của rất nhiều người đến thế. Ở Sài Gòn, những công viên như Lê Văn Tám, Tao Đàn… vốn lúc nào cũng chỉ lưa thưa vài người đi bộ, tập thể dục, vậy mà 10 ngày nay, bãi giữ xe cứ đến chiều tối là kín chỗ, trước Đền thờ vua Hùng trong Công viên Tao Đàn, hàng chục người ngồi im lặng dán mắt vào điện thoại, những người còn lại vừa đi vừa dáo dác nhìn chỗ này chỗ kia, ngó ngang ngó dọc xem cái Pokestop gần nhất đặt ở đâu.

Clip: Pokemon Go thực sự là trò chơi thu hút giới trẻ nhưng cũng tiềm ẩn nhiều nguy cơ gây tai nạn.

Người ngạc nhiên nhất chắc là những cô bác thường đến công viên thư giãn, tập thể dục. Chiều nào họ cũng chỉ trỏ về phía đám đông tự hỏi: “Bọn trẻ đang làm cái gì vậy?”. Không chỉ sáng chiều, mà đến tận khuya, công viên được xem là “thánh địa” của Pokemon này vẫn không ngớt người đến.
Đến nỗi 9h30 mỗi tối, bảo vệ phải phát loa: “Xin thông báo, để đảm bảo an ninh trật tự trong công viên, yêu cầu quý khách bắt Pokemon ra về!”. Thế là người chơi lẳng lặng ra khỏi trung tâm công viên và tập trung trước… cổng. Để rồi 1,2h sáng, lực lượng chức năng phải đến giải tán đám đông ở đây.

1

Đám đông tập trung lúc nửa đêm để bắt Pokemon. Ảnh: Trịnh Kim Điền

2

Công an phải đến giải tán đám đông tụ tập bắt Pokemon lúc 1h sáng.

Pokemon đã thay đổi hành vi lái xe của người tham gia giao thông: Họ chỉ muốn điều khiển xe bằng một tay, mắt liên tục chăm chăm nhìn vào điện thoại!
Câu hỏi thắc mắc của rất nhiều người chưa từng chơi trò chơi này. Ngoài việc tìm kiếm Pokemon, hầu như người chơi luôn phải chú ý đến bản đồ trên điện thoại để không bỏ lỡ một trạm Pokestop nào trên đoạn đường mình đang đi.

3

Đây là đường Tôn Đức Thắng đoạn qua Công trường Mê Linh quận 1, nơi cứ 50 mét lại có 1 trạm Pokestop và người chơi luôn có thói quen vừa chạy xe vừa chăm chú theo dõi lộ trình di chuyển trên điện thoại để lấy vật phẩm khi đi ngang các trạm này

Pokestop là nơi để người chơi lấy được pokeball - vật phẩm quan trọng nhất khi mà lượng ball của mình đã hết, mà không người chơi nào muốn bất lực nhìn Pokemon xuất hiện nhưng không thể bắt được. Và thế là phải lao ào ra đường để kiếm trạm lấy ball.
Tuy nhiên, các trạm Pokestop được chọn đặt ngẫu nhiên ở vài nơi nhất định trong thành phố, nó xuất hiện rải rác ở các miếu thờ, đền chùa, những nơi đặt tượng đá hoặc trường học… Càng gần khu vực trung tâm, các Pokestop xuất hiện ngày một nhiều hơn và chỉ cách nhau vài trăm mét.

Chính vì thế mà người chơi muốn kiếm pokeball thì chỉ có một cách: Mở 3g, lượn 1 vòng trung tâm Sài Gòn hoặc Hà Nội, chú ý vào bản đồ trên điện thoại để biết khi nào đến gần Pokestop. Và thế là cảnh tượng người ta vừa chạy xe vừa cắm mặt vào điện thoại xuất hiện ngày càng nhiều ở các khu trung tâm.

4

Khi hết Pokeball để bắt “thú”, người chơi buộc phải chạy ra đường, tìm các trạm Pokestop trên bản đồ hiển thị để lấy banh.

5

Và dò tìm Pokemon.

Pokemon chính là thứ khiến người ta muốn lao ra đường hơn bao giờ hết, nhưng khác với các nước trên thế giới, khi các trạm Pokestop được đặt ở những công viên, quảng trường rộng, Pokestop ở Việt Nam được chọn ngẫu nhiên nên xuất hiện ở cả những tuyến đường đông đúc xe cộ qua lại, xe máy, xe ô tô, xe buýt đều lưu thông trên cùng một chiều và không có làn phân cách.

6

Pokemon đã thay đổi hành vi lái xe của người tham gia giao thông: Họ chỉ muốn điều khiển xe bằng một tay, mắt liên tục chăm chăm nhìn vào điện thoại!

Điểm khác biệt nữa so với người chơi nước ngoài, đó là người chơi ở Việt Nam đa phần di chuyển bằng xe máy, mật độ lưu thông dày đặc vào giờ cao điểm. Một mặt đường là sự tham gia di chuyển của cả xe bus, xe hơi, xe máy, xe đạp và thậm chí là cả người đi bộ, nếu vỉa hè không may bị lấn chiếm.
Khi một người chơi thay đổi hành vi lái xe máy trên đường, cũng đủ kéo theo những hiểm nguy cho những người lưu thông gần họ.

Vừa chạy xe vừa chơi Pokemon: Cảnh báo “lấy lệ” từ nhà phát hành game là chưa đủ!

Pokemon tiềm tàng những hiểm nguy khi người dùng chơi game này ngoài đường phố, thậm chí khi bạn đi bộ trên vỉa hè, cũng không tránh khỏi phút bất cẩn khi hàng quán chiếm đầy vỉa hè khiến bạn phải đi xuống lòng đường. Cướp giật, tai nạn có thể đến bất cứ lúc nào trong khi bạn vẫn cắm mặt vào điện thoại.

Vậy nhưng, nhà phát hành Pokemon đã đưa ra cảnh báo như thế nào? Khi đăng nhập vào trò chơi, bạn được khuyến cáo không nên chơi game khi đang chạy xe.

7

Luôn xuất hiện một cảnh báo với người chơi.

Khi bạn di chuyển với tốc độ quá nhanh, một cảnh báo khác hiện lên: “You’re going too fast! Pokemon Go should not be played while driving” (“Bạn đang đi quá nhanh! Bạn không nên chơi Pokemon Go khi đang lái xe”).

8

9

Nam thanh niên mải săn Pokemon mà không để ý tới việc xe bus đang chồ tới ngay sau đó.

Tuy nhiên, người chơi không thành thật có thể chọn chế độ “I’m a passenger” (Tôi là hành khách) và lại có thể chơi Pokemon Go ở tốc độ vượt 36km/h. Kể cả dưới 36km/h, đó chưa bao giờ là một tốc độ an toàn đối với đường phố Việt Nam.
Rõ ràng, nhà phát hành có thể tự out game khi thấy người chơi đang di chuyển quá nhanh chứ không thể tin hoàn toàn vào xác nhận “cho có lệ” của họ. Bởi ở Việt Nam, hầu như người chơi đều là người lái xe máy trên đường ở tốc độ quá giới hạn mà game đã khuyến cáo.

10

Một số người chơi còn lao xe lên vỉa hè để gần với trạm Pokestop hơn.

Dù Pokemon Go mới về Việt Nam chính thức từ ngày 6/8, nhưng những trường hợp bị cướp giật điện thoại, vi phạm giao thông đã được ghi nhận. Rất may chưa ghi nhận vụ thương vong nào xảy ra. Tuy nhiên với tình hình giao thông phức tạp và đặc thù đường sá chật chội khi xe máy và ô tô đi chung đường, vỉa hè dành cho người đi bộ thì ngay sát bên cạnh, người chơi Pokemon Go sẽ rất dễ gặp phải tai nạn trong một phút lơ là.
Trước những hệ quả mà Pokemon Go mang lại, nhiều quốc gia đã có các biện pháp nhằm đối phó với các nguy hiểm từ trò chơi này. Chẳng hạn, cơ quan an ninh mạng chính phủ Nhật Bản đã đăng tải những tấm poster với nội dung làm thế nào để các game thủ an toàn khi chơi Pokemon Go trên trang Twitter và Line chính thức.

Còn Thái Lan đã yêu cầu công ty phát triển game Pokemon Go loại bỏ Pokemon ở những khu vực gồm: Các tòa nhà chính phủ, các khu vực tôn giáo, các khu vực thuộc sở hữu cá nhân hay những khu vực nguy hiểm như đường xá, kênh rạch. Trong trường hợp Niantic không hợp tác với chính quyền địa phương khi loại bỏ các khu vực nhạy cảm khỏi bản đồ trò chơi, NBTC sẽ ra lệnh cấm Pokemon Go tại Thái Lan. Tương tự, Đài Loan cũng đã hết sức cứng rắn và không thỏa hiệp với nhà phát hành game: hoặc anh bỏ đường sắt và đường cao tốc ra khỏi bản đồ Pokemon Go để đảm bảo an toàn cho người chơi, hoặc anh out!

Còn chúng ta thì sẽ làm gì? Vì chính Pokemon đã khiến những người yêu thích game lao ra đường và có thể mải chơi mà bất cẩn nguy hiểm cho bản thân mình. Họ - nhà phát hành game có phải chịu trách nhiệm với những hiểm nguy tiềm ẩn cho người chơi Việt hay không?

Copy Link
Chia sẻ

Bài viết Theo Trí Thức Trẻ

Được quan tâm

Tin mới nhất