Tạp chí điện tử Saostar
Đến tin mớiTin Mới Đến tin hotTin Hot
Nhập từ khoá tìm kiếmTìm kiếm
Sắc màu cuộc sống

Chi hàng ngàn tỉ đồng cứu miền Tây

Theo Người lao động Theo dõi Saostar trên google news

Nhiều quốc gia trên thế giới đã hỗ trợ vùng ĐBSCL phát triển thích ứng với tác động của biến đổi khí hậu

Ngày 19-6, tại TP Cần Thơ, Bộ Ngoại giao phối hợp với Bộ Tài nguyên và Môi trường (TN-MT), Bộ Kế hoạch và Đầu tư, UBND TP Cần Thơ đã khai mạc hội nghị ASEM chủ đề “Cùng hành động ứng phó biến đổi khí hậu (BĐKH) nhằm đạt được các mục tiêu phát triển kinh tế bền vững - định hướng tương lai”. Dự hội nghị có 200 đại biểu từ 53 thành viên ASEM, các tổ chức quốc tế, khu vực tham dự.

Theo kịch bản BĐKH và nước biển dâng được Bộ TN-MT công bố thì khu vực ĐBSCL sẽ ngập chìm từ 19% đến 38% nếu mực nước biển dâng thêm 1 m. Trong điều kiện đó, 24,7% diện tích đất tự nhiên của Cần Thơ bị ngập; nặng nề nhất trong khu vực, tỉnh Bến Tre có đến 50,1% diện tích đất bị ngập, tương đương 1.131 km2. Dưới tác động của BĐKH, toàn vùng ĐBSCL hiện có tới 406 điểm sạt lở, dài 891 km.

Riêng tỉnh Cà Mau, mỗi năm bờ biển bị sạt lở khoảng 450 ha. Trong đó, nhiều đoạn sạt lở vào sát chân đê biển, đe dọa đến 100.000 ha đất nuôi trồng thủy sản của trên 260.000 hộ dân. Từ cuối năm 2015 đến nay, tổng diện tích cây trồng bị thiệt hại do thiếu nước khoảng 210.000 ha, khoảng 250.000 hộ gia đình với hơn 1,3 triệu người thiếu nước sinh hoạt; trung bình vùng ĐBSCL đã bị tụt giảm lượng nước ngầm xuống 15 m…

Trước những tác động này, vùng ĐBSCL đã và đang được quốc tế tài trợ nhiều dự án liên quan tới phát triển bền vững thích ứng với BĐKH. Cụ thể, EU đã tài trợ 3 dự án và chương trình trị giá 190,9 triệu euro gồm: dự án “Xây dựng chuỗi cung ứng cá tra bền vững tại Việt Nam - SUPA” (2013 -2017); dự án “Nghiên cứu khoa học về BĐKH và vấn đề xói mòn bờ biển”; chương trình “Hỗ trợ chính sách phát triển năng lượng và tăng cường tiếp cận năng lượng bền vững tới khu vực nông thôn, miền núi và hải đảo”. Đức và Úc đã tài trợ vốn ODA trị giá 68,39 tỉ đồng thực hiện dự án thành phần thuộc “Chương trình bảo vệ tổng hợp vùng ven biển và rừng ngập mặn nhằm thích ứng với BĐKH tại các tỉnh ĐBSCL - ICM/CCCEP”…

Sông Vàm Nao (An Giang), nơi xảy ra vụ sạt lở kinh hoàng tháng 4-2017. Ảnh: SONG ANH

Ngoài ra, Chính phủ đã ưu tiên nguồn kinh phí đầu tư cho ĐBSCL để ứng phó với BĐKH so với các khu vực khác trong cả nước. Trong đó, có 1.500 tỉ đồng từ nguồn dự phòng ngân sách trung ương năm 2018 cho các địa phương ĐBSCL để xử lý các khu vực sạt lở cấp bách và 1.000 tỉ đồng từ nguồn dự phòng kế hoạch đầu tư công trung hạn 2016-2020 để hỗ trợ một số địa phương trong vùng tập trung khắc phục sạt lở. Ngoài ra, chương trình hỗ trợ ứng phó với BĐKH giai đoạn 2012-2015 có kinh phí 3.000 tỉ đồng; chương trình mục tiêu ứng phó với BĐKH và tăng trưởng xanh giai đoạn 2016-2020 với kinh phí 3.130 tỉ đồng… đều dành cho ĐBSCL.

Phát biểu tại hội nghị, Phó Thủ tướng - Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Phạm Bình Minh nhấn mạnh: “Việt Nam là 1 trong 5 quốc gia bị tác động nặng nề nhất của BĐKH và nước biển dâng. Trong đó, vùng ĐBSCL là 1 trong 3 đồng bằng trên thế giới dễ bị tổn thương nhất do nước biển dâng. Để ứng phó với BĐKH, đề nghị các thành viên phát triển trong ASEM có các biện pháp hỗ trợ tài chính cụ thể cho các thành viên đang phát triển phải đối mặt với những thách thức gay gắt về BĐKH”.

Phó Thủ tướng đề nghị ASEM cần hỗ trợ các thành viên đang phát triển tiếp cận tài chính, chuyển giao công nghệ, đầu tư thông minh vào năng lượng sạch, tăng cường năng lực ứng phó BĐKH nhằm chuyển đổi sang nền kinh tế xanh, phát thải thấp.

Copy Link
Chia sẻ

Bài viết Theo Người lao động

Được quan tâm

Tin mới nhất