Ngày Tết cổ truyền chắc chắn không thể thiếu những cành đào, cây mai khoe sắc tươi thắm. Dịp Tết Quý Mão 2023 năm nay, "làm mưa làm gió" thị trường hoa Tết còn có sự xuất hiện đặc biệt của hoa lê tuyết. Từ trước Tết, nhà nhà đổ xô sắm dăm bảy cành tuyết mai về cắm với mong đợi hoa sẽ bung nở đúng dịp Tết.
Ấy nhưng đó là trên lý thuyết, những ngày cận Tết không ít chị em đã lên các diễn đàn than thở về vấn đề Tết cổ rồi nhưng cành tuyết mai vẫn ngủ đông, chưa chịu dậy. Mới đây, cộng đồng mạng lại được phen dở khóc dở cười khi một diễn đàn tiếp tục chia sẻ câu chuyện tuyết mai vẫn im ỉm ngủ đông dù đã được hỗ trợ nước nóng pha vitamin B1.
Tài khoản A.D than thở: "Em tuyệt vọng rồi các bác ạ, chiều 30 rồi mà tuyết mai nhà vẫn ngủ li bì, kích nước nóng, B1 mấy cũng không nở nổi, nhìn như củi khô. Nghĩ mà nó chán". Bên cạnh đó, một số người cũng chia sẻ hình ảnh "ngủ đông" của cây tuyết mai nhà mình. Cây vẫn khẳng khiu trụi lá, trụi bông, không có "tín hiệu" mùa xuân. Ngoài ra, một số dân tình còn đăng tải hình ảnh nghiền viên vitamin B1 trong vô vọng khiến ai nấy vừa thương vừa buồn cười.
Tuyết mai là loài mai rừng cành nhỏ, thân gỗ mảnh khảnh, lá xanh li ti và khi nở sẽ có bông trắng muốt, hương thơm nhẹ nhàng. Chính vì những đặc tính trên, loại hoa này rất được ưa chuộng chưng Tết.
Quá trình chăm sóc tuyết mai khá tỉ mỉ, đòi hỏi nhiều công đoạn mới cho ra cành hoa phủ đầy bông trắng muốt, tuyệt đẹp. Theo đó, bạn phải sử dụng bình tưới dạng sương, phun lên khắp cành để nụ đủ ẩm. Hằng ngày, bạn cần tưới đẫm nước cho toàn bộ cành tới khi ra hoa thì thôi. Với thời tiết lạnh, hanh khô, bạn tưới tắm cho cành càng nhiều lần càng tốt, không giới hạn số lần.
Một số cách kích thích cho hoa nở nhanh khá thông dụng như: cắm hoa với nước ấm, thêm viên vitamin B1 nghiền nhỏ vào để dưỡng hoa. Được biết, sử dụng Vitamin B1 có tác dụng kích thích cho cây ra hoa, tăng số lượng, chất lượng hoa, giúp hoa lâu tàn, bền màu.
Xem thêm: Cây phượng hơn 20 năm tuổi đổ đè trúng 2 thanh niên trên đường về quê ăn Tết