Có thâm niên 10 năm trong nghề tổ chức sự kiện cưới hỏi, anh Nguyễn Việt Đức (SN 1980, Phó Giám đốc một công ty tổ chức sự kiện) cho biết, anh từng được chứng kiến những câu chuyện dở khóc, dở cười của các khách hàng tổ chức đám cưới giả.
Như đám cưới của cậu con trai ông trùm bất động sản Hải Phòng cách đây 2 năm là điển hình.
Anh Đức kể: “Cậu ta SN 1989, bố mẹ đều là người có “máu mặt” trong giới kinh doanh địa ốc. Là con một nên cậu được chiều chuộng hết mức.
Tốt nghiệp cấp 3, hai vợ chồng cho con sang Anh du học nhưng do ham chơi, lười biếng, cậu công tử bị nhà trường buộc thôi học.
Về nước rảnh rỗi, tiền thừa thãi cậu ta càng sinh hư, lao vào ăn chơi trác táng hơn. Có lần, cậu thua bạc mất gần chục tỷ. Bố mẹ cậu tức giận, quyết định cắt hết viện trợ, đuổi con trai ra khỏi nhà”.
Theo đó, hết tiền ăn chơi, nhà không được về, cậu công tử mới thấy “thấm” và hiểu được giá trị của đồng tiền. Những người bạn vốn trước kia hay được hưởng lợi từ cậu ta, thấy “mỏ tiền” bị sa cơ liền quay lưng không lời hỏi thăm.
Vị thiếu gia đành xin làm đủ thứ việc để kiếm sống. Từ một công tử tiền tiêu như nước, cậu trở thành kẻ trắng tay, lo ăn từng bữa.
Sau 3 năm làm nhân viên kinh doanh, giới thiệu sản phẩm cho một công ty mỹ phẩm Hàn Quốc, cậu công tử trưởng thành, chín chắn hơn. Cậu ta có ý định mở công ty riêng nhưng không có vốn.
Cậu công tử nghĩ tới việc về nhà vay tiền bố mẹ nhưng phương án này không khả thi. Cuối cùng, sau khi trăn trở nhiều ngày, cậu công tử quyết định về nhà. Vợ chồng đại gia bất động sản gặp lại con trai, thấy con rắn rỏi, khỏe mạnh, người bố vẫn im lặng, còn mẹ cậu thì vui mừng hỏi han, xem mấy năm con trai làm gì, ở đâu.
Bà cho con trai biết, mình muốn đi tìm con nhưng bị chồng ngăn cấm. Bà hiểu chồng cũng thương con trai, cũng rất đau đớn khi đuổi con đi nhưng ông đã quá bất lực, không dạy được con. Vì thế bà không muốn làm trái ý chồng.
Về phần cậu công tử, lấy hết can đảm, cậu thưa chuyện với bố mẹ việc cần vốn làm ăn nhưng bị bố mẹ gạt đi. Ông bà vẫn sợ con trai mình ăn chơi, dùng chiêu trò lấy tiền của bố mẹ.
Đại gia bất động sản tuyên bố, bao giờ cậu con trai lấy vợ, ông mới cho tiền làm ăn còn giờ cậu nên tiếp tục đi làm thuê.
Cậu công tử sợ vuột mất cơ hội làm ăn, không còn cách nào khác đành đi vay mượn, tìm anh Nguyễn Việt Đức nhờ tổ chức cho một đám cưới giả với giá 30 triệu đồng.
Theo đó, anh Đức sẽ chuẩn bị cho cậu ta một cô dâu giả và gia đình nhà gái. Trong kịch bản, gia đình nhà gái sẽ định cư ở nước ngoài nên ngày cưới chỉ có đại diện khoảng chục người bên nhà gái có mặt.
Mọi chuyện diễn ra suôn sẻ, theo đúng kịch bản, ngày cưới đại gia tuyên bố sẽ cho vợ chồng con trai một căn nhà chung cư 2 tỷ và 1 tỷ tiền mặt làm vốn.
Tưởng như vậy mục đích đã đạt được, cậu công tử mừng thầm nhưng chẳng ngờ, hai vợ chồng đại gia yêu cầu vợ chồng con trai phải ở nhà mình một tháng sau khi cưới.
Trước yêu cầu đó, cô dâu định “bỏ của chạy lấy người”, phá hợp đồng nhưng cậu công tử năn nỉ, nhờ anh Đức đứng ra đảm bảo, cô vợ “hờ” của cậu ta mới đồng ý diễn nốt màn kịch.
Đêm đầu tiên ở nhà, người vợ “hờ” lần nữa mãi không dám vào phòng, mẹ chồng thì liên tục nhắc nhở con dâu đi ngủ sớm, mai đi mua sắm cùng bà.
Hôm đó cậu công tử và cô gái đóng thế đều thức trắng đêm, cậu kể cho cô nghe về quá khứ của mình, về quãng đời lăn lộn bên ngoài và mục đích của đám cưới giả.
Trong lòng cô gái nghe vậy thì cảm phục vô cùng, vì cô mồ côi bố mẹ, cũng phải bươn chải sớm để lấy tiền trang trải ăn học. Thời gian 1 tháng trôi qua, cậu công tử nhận được tiền và nhà từ bố mẹ. Cô gái xin phép bố mẹ chồng về nước, kết thúc hợp đồng đóng thế.
Cậu công tử thì dùng số tiền mừng bố mẹ cho mở công ty riêng, nhờ chăm chỉ và tố chất kinh doanh bẩm sinh, cậu ta thu được thành công lớn.
Vợ chồng vị đại gia thấy con thành đạt thì mừng rỡ vô cùng nhưng buồn rầu chuyện hôn nhân trắc trở của con trai. Hóa ra sau khi kết thúc hợp đồng 1 năm, cậu công tử nói với bố mẹ mình đã chia tay vợ.
Tuy nhiên cậu và người vợ “hờ” vẫn giữ liên lạc, chia sẻ nhiều khó khăn trong cuộc sống. Khi cô gái tốt nghiệp đại học cũng là lúc cậu ngỏ lời cầu hôn người con gái đó.
“Giờ họ đã chính thức lấy nhau, bố mẹ cũng biết chuyện vợ chồng con trai tổ chức đám cưới lừa mình nhưng ông bà bỏ qua…”, anh Đức nhớ lại.
Lần khác, anh Đức được một cô gái trẻ tìm đến thuê chú rể. Cô gái này tâm sự, gia đình có 2 anh em, bố mẹ mất đi để lại mảnh đất mặt đường có giá trị lớn.
Theo di chúc, mảnh đất này được chia làm hai phần, cô và anh trai mỗi người một nửa nhưng cô chỉ được nhận thừa kế sau khi làm đám cưới.
Trước nguy cơ vợ chồng anh chị mang bán mảnh đất, chiếm tài sản thừa kế của mình, cô gái đến thuê một chú rể, tổ chức cưới gấp trong vòng 2 tuần. Thấy em gái nói sẽ lấy chồng, vợ chồng người anh tìm cách ngăn cản đám cưới diễn ra trước khi họ bán xong đất.
Bị anh trai gây khó dễ, không cho dựng rạp cưới ở nhà, anh Đức liên hệ Hội phụ nữ xã, thuê một địa điểm cách nhà cô gái không xa làm hội trường đám cưới.
Ngày cưới, chú rể cùng đoàn nhà trai đến đón cô dâu, họ đóng tròn vai của mình, đến nỗi cô gái phải chảy nước mắt vì xúc động, ngỡ như đám cưới thật.
Sau đám cưới, cô gái đưa luật sư xuống làm việc, vợ chồng người anh trai không còn cách nào khác phải ngồi lại thỏa thuận về mảnh đất bố mẹ họ để lại.
Theo anh Đức, đó là một trong những tình huống hi hữu mà anh gặp khi làm việc. Vị Giám đốc này cho hay, sau mỗi câu chuyện, mỗi hoàn cảnh, anh mong những khách hàng của mình luôn có những cái kết vẹn tròn, êm đẹp.