Trao đổi với VnExpress, ông Đặng Văn Dũng - Phó giám đốc Đài khí tượng thủy văn khu vực Nam Bộ - cho biết, dữ liệu ở các trạm quan trắc khí tượng trên biển và đất liền cho thấy hiện tượng mù khô xuất hiện đầu tiên vào ngày 4/10 ở Côn Đảo (Bà Rịa - Vũng Tàu) rồi lan sang các đảo khác như Thổ Chu (Kiên Giang)…
“Đến ngày 5/10, mù khô bắt đầu có ở khu vực đất liền như Cà Mau rồi Cần Thơ, Cao Lãnh và cả TP HCM. Riêng TP HCM mù khô xuất hiện nhiều nhất vào hôm qua, đến tận chiều muộn vẫn chưa hết”, ông Dũng cho biết.
Theo ông Dũng, không khí ở TP HCM vốn ô nhiễm nặng, năm nào cũng xảy ra hiện tượng mù khô. Tuy nhiên, kết quả quan trắc ở Cà Mau, Sóc Trăng, Cần Thơ, Rạch Giá, Cão Lãnh, Nhà Bè (TP HCM) và Vũng Tàu cũng cho thấy mù khô xuất hiện trên diện rộng, cả trên biển lẫn đất liền trong những ngày qua. Vì vậy, Đài khí tượng thủy văn khu vực Nam Bộ phải đánh giá lại cho chính xác nguyên nhân của hiện tượng này.
Phó giám đốc Đài khí tượng thủy văn khu vực Nam Bộ cho rằng, về nguyên nhân tại chỗ, hiện tượng mù khô không bao giờ sinh ra trên biển hay vùng rừng như Cà Mau. Nó chỉ có thể xuất hiện ở các đô thị lớn có nhiều khu công nghiệp lớn, công trình xây dựng, mật độ xe lớn khiến không khí ô nhiễm như TP HCM, Cần Thơ, Biên Hòa…
“Trong khi những ngày qua mù khô xuất hiện cả trên biển và vùng rừng nên nguyên nhân chính dẫn đến hiện tượng khói bụi này phải là từ nơi khác khuếch tán đến. Sau khi xem xét các thông tin trong khu vực thì không có núi lửa nào hoạt động, chỉ có khói bụi cháy rừng ở Indonesia”, ông Dũng chỉ ra nguyên nhân và cho biết trong hai ngày 2-3/10, một số nước như Singapore, Malaysia và cả miền nam Thái Lan cũng bị ảnh hưởng bởi khói bụi từ nước này.
Tính tốc độ và hướng khuếch tán theo gió, theo ông Dũng, thời điểm khói bụi từ Indonesia bay đến các tỉnh Nam Bộ của Việt Nam ngày 5-7/10 là hợp lý và logic cả về diện và thời gian.
“Không phải khói bụi cháy rừng ở bên đó lan theo tầng mặt đất rồi sang Việt Nam. Bởi khoảng cách địa lý rất xa, trong quá trình di chuyển sẽ bị rơi xuống biển. Tuy nhiên, khói bụi do cháy rừng bốc lên rất cao, các trường gió ở trên cao mới đẩy bụi đi chứ gió ở dưới mặt đất không phải là tác nhân chính”, ông Dũng giải thích thêm.
Cùng quan điểm, kỹ sư khí tượng Trần Văn Bình - Dự báo viên chính, Đài Khí tượng Thủy Văn thành phố Cần Thơ - cho hay, vùng Đồng Bằng Sông Cửu Long mấy ngày nay có mù khô màu trắng đục, dày đặc. Đây là do ô nhiễm không khí, bụi khói gây ra.
“Đặc biệt là vụ cháy rừng ở Indonesia đã làm hiện tượng này ảnh hưởng đến các nước lân cận trong khu vực. Hiện tượng mù khô không tốt cho sức khỏe con người vì đây là khí độc. Nếu mù khô dày đặc, tầm nhìn ngang dưới một km thì người dân không nên ra đường, hoặc phải đeo khẩu trang”, kỹ sư Bình khuyến cáo.
Nhiều ngày qua, sương mù xuất hiện ở TP HCM và các tỉnh Nam Bộ từ buổi sáng sớm đến tận trưa. Trên sông Sài Gòn, lớp không khí mờ đục, mù mịt bao phủ mặt nước. Người đứng trên bờ không thể nhìn thấy tàu thuyền đang di chuyển.
Sáng 6/10, sương mù dày đặc ở hầu hết các quận, huyện tại TP HCM làm tầm nhìn hạn chế. Các tòa nhà cao tầng dọc khu vực sông Sài Gòn, cầu Thủ Thiêm, cầu Phú Mỹ, đại lộ Đông Tây đường Phạm Văn Đồng, Nguyễn Văn Linh… đều bị che lấp bởi lớp sương trắng đục, đến cuối chiều vẫn chưa tan.
Singapore và Malaysia thường xuyên phải hứng chịu khói từ những đám cháy lớn trên các cánh rừng nhiệt đới ở đảo Borneo, Sumatra và Kalimantan của Indonesia trong nhiều thập kỷ qua. Những vụ cháy như vậy thường xảy ra vào mùa khô - từ tháng 6 tới tháng 9 và bị gió Nam, Tây Nam thổi sang Singapore. Ngoài ra, cháy rừng còn xảy ra do nông dân “đất nước vạn đảo” đốt rừng để trồng cọ - đây là nước sản xuất dầu cọ lớn nhất thế giới. |