Liên quan đến sự việc nhiều người dân lo ngại về vấn môi trường không khí có nguy cơ nhiễm thủy ngân sau vụ cháy xảy ra tại công ty bóng đèn, phích nước Rạng Đông, quận Thanh Xuân, Hà Nội, chiều 30/8 Bệnh viện Bạch Mai đã có những thông tin cung cấp đến các cơ quan báo chí về sự nguy hiểm khi bị nhiễm độc thủy ngân.
Bác sĩ Nguyễn Trung Nguyên, Giám đốc Trung tâm chống độc (Bệnh viện Bạch Mai) cho biết, sau vụ cháy nhiều người dân lo ngại về nguy cơ nhiễm độc thủy ngân là hoàn toàn chính đáng, bởi đây là cháy nhà máy sản xuất bóng đèn nên hoàn toàn có nguy cơ.
Bác sĩ Nguyên chia sẻ: “Riêng trong sáng nay, trung tâm đã tiếp nhận 12 trường hợp đến khám và làm xét nghiệm vì có dấu hiệu mệt mỏi, đau đầu, tức ngực, khó thở… Cả 12 trường hợp đến khám đều là người tiếp xúc gần hoặc ở quanh khu vực xảy ra đám cháy tại công ty Rạng Đông.
“Qua khám lâm sàng, các trường hợp không có gì đặc biệt thể hiện ra ngoài. Còn về kết quả xét nghiệm chiều hoặc tối nay sẽ có bởi xét nghiệm tìm ra kim loại rất mất thời gian. Khi có kết quả, chúng tôi sẽ có bước tiếp theo để kết luận có nên điều trị hay không”, bác sĩ Nguyên chia sẻ.
Bác sĩ Nguyên cho rằng, đối với nguy cơ nhiễm độc xảy ra với các đám cháy, nếu cháy bình thường thì nạn nhân thường hay bị ngạt khói, ngạt khí, ngạt nóng…gây tổn thương, bỏng hoặc ngạt đường hô hấp. Tuy nhiên, vụ cháy này nhiều người còn quan tâm đến việc nhiễm độc thủy ngân.
“Đối với thủy ngân ở trạng thái bình thường ví dụ như bị vỡ tại chỗ thì nguy cơ thấp hơn. Nhưng nếu thủy ngân ở trong môi trường nóng như ở đám cháy thì sẽ bị bốc hơi và gây nguy cơ ngộ độc cao hơn”, bác sĩ Nguyên nêu rõ. GĐ Trung tâm Chống độc cho rằng, trong trường hợp ngộ độc thủy ngân thì phải phụ thuộc vào nhiều yếu tố. Yếu tố quan trọng nhất là nồng độ thủy ngân, tiếp theo là thời gian tiếp xúc…
“Nếu nồng độ thủy ngân cao, thời gian tiếp xúc lâu và đặc biệt đứng theo đúng chiều gió thì nguy cơ ngộ độc sẽ cao hơn, đặc biệt là với người có thể trạng yếu như người già, trẻ nhỏ”, bác sĩ Nguyên cảnh báo.
Đối với trường hợp cụ thể ở vụ cháy vừa qua, bác sĩ cho rằng hiện vẫn cần phải chờ đợi kết quả quan trắc từ các cơ quan chức năng. Tuy nhiên, những người có nguy cơ cao nhất là cứu hỏa, công nhân, người dân vào người dân vào chạy đồ đạc và hít trực tiếp phải hơi khói nóng bốc lên.
Ngoài ra, những người ở xung quanh đám cháy nếu có biểu hiện ho, tức ngực, khó thở, choáng váng, tê chân tay thì nên đi đến viện kiểm tra.
Đối với những người ngộ độc thủy ngân cấp tính thì sẽ có biểu hiện sau vài giờ, các biểu hiện khó thở, tức ngực, mệt mỏi xuất hiện rất nhanh… nếu không đến viện kịp thời dễ gây nhiễm độc thần kinh, suy thận.
Cuối cùng, bác sĩ Nguyên cũng khuyến cáo người dân không nên quá hoang mang, bởi thủy ngân chỉ nguy hiểm trong môi trường nóng và bốc hơi lúc đó. Còn hiện tại đám cháy đã được dập tắt 2 ngày nên độ nguy hiểm giảm hơn nhiều.
Về các loại thực phẩm, đa số người dân ở đó dùng thực phẩm ở nơi khác (ngoại thành) mang đến, nước dùng bằng đường ống, đất cũng bê tông hóa hết… nên không phải quá hoang mang, lo lắng.
“Tuy nhiên, nếu có biểu hiện như đã nói trên thì cần phải đến viện thăm khám, hiện các bệnh viện tuyến huyện cũng có thể thực hiện được xét nghiệm này”, bác sĩ Nguyên nói.