Trong số những hậu duệ vua Thành Thái, hoàng tôn Nguyễn Phúc Bảo Tài (52 tuổi, ngụ huyện Phong Điền, TP Cần Thơ) là người có số phận bi đát và vất vả nhất. Do cuộc sống gia đình nghèo khó nên đến năm 40 tuổi, ông Bảo Tài mới lấy vợ và hai năm sau sinh được một người con gái. Lúc này cha ông là hoàng tử Vĩnh Giu (con thứ 7 của vua Thành Thái, em ruột vua Duy Tân) đang nằm trong bệnh viện đặt tên là Nguyễn Phước Thanh Tuyền.
Tuy nhiên, số phận không may khi Thanh Tuyền bị liệt một phần não, nằm một chỗ, không nói chuyện, ăn uống được. Dù vợ chồng ông đưa con gái đi chạy chữa khắp nơi nhưng vẫn không khỏi.
Theo ông Nguyễn Tấn Thành, trưởng ấp Nhơn Hưng cho biết, trước đây ông Bảo Tài làm nghề chạy xe ôm, vợ bán vé số, cuộc sống rất vất vả. “Trước chú ấy ở ngoài trung tâm TP Cần Thơ, mới chuyển về đây sinh sống hơn 10 năm nay. Lúc về nhà chú Tài rất nghèo, trong gia đình không có gì là đáng giá. Sau này khi nhiều nhà hảo tâm biết được thông tin chú ấy là cháu vua nhưng có cuộc sống khó khăn nên phối hợp cùng chính quyền địa phương cất cho căn nhà khang trang”, ông Thành cho biết.
Cũng theo ông trưởng ấp, trước đây gia đình ông Bảo Tài từng trúng số độc đắt, được hơn 1 tỷ đồng. Sau đó, hai vợ chồng mở quán cơm bán. Nhưng bán chưa bao lâu thì vợ chồng ông Bảo Tài ngưng rồi dắt nhau đi Sài Gòn sống gần một năm nay.
Ông Nguyễn Văn Bul (75 tuổi, sống cạnh nhà ông Tài) kể, khi ngồi nói chuyện với bà con trong xóm, ông Tài có nói mình là cháu vua. Lúc đầu, mọi người tưởng nói đùa, nhưng khi thấy trong nhà ông ấy có thờ nhiều hình ảnh của các vị như vua chúa nên mới tin. Ông ấy sống cũng hiền hòa, không mất lòng với bà con xung quanh.
Góp vào câu chuyện, bà Trần Thị Bảy, dì vợ của ông Bảo Tài cho hay, trước đây khi biết tin cháu rể là cháu nội vua thì các thành viên trong gia đình ai cũng bất ngờ. “Từ lúc quen và cưới cháu tôi nó đâu có nói là cháu vua gì đâu. Chỉ khi báo chí vào đưa tin thì mọi người mới tin. Hai vợ chồng nó tội lắm đi làm vất vả nhưng thu nhập chẳng được bao nhiêu, lại phải nuôi đứa con gái bị bệnh. Năm trước nó nghe người ta bảo có ông thầy thuốc trên Sài Gòn chữa bệnh hay nên nó mới dắt vợ con lên đó thuê nhà trọ đi làm và chữa bệnh cho con”, bà Bảy chia sẻ.
Hành trình chữa bệnh cho công nương Thanh Tuyền
Trong khu nhà trọ nghèo trên đường Hoàng Hưng (phường An Lạc A, quận Bình Tân, TP HCM), vợ chồng và con gái trú ngụ ở căn phòng nhỏ ở tầng 3. Mỗi khi đưa con gái xuống đường, ông Bảo Tài phải trèo từng bật thang chậm chạp vì tiếng cót két của những thước gỗ yếu ớt sau nhiều năm.
Người đàn ông hoàng tộc kể, cả gia đình rời Cần Thơ lên TP HCM để chữa bệnh cho con gái Thanh Tuyền. Số tiền ít ỏi chắt chiu những năm qua không đủ chi phí cho cuộc sống và chữa bệnh cho con tại thành phố phồn hoa đô hội nhất nước.
Nhấp ngụm nước, vị hoàng tôn hồi tưởng, ông nội ông là cựu hoàng Thành Thái (tên húy là Nguyễn Phúc Bửu Lân, vua thứ 10 triều Nguyễn, trị vì từ năm 1889 đến 1907), có tư tưởng yêu nước và quyết liệt chống Pháp trong những năm đầu giặc ngoại xâm tấn công nước ta.
Khi tại vị, vua Thành Thái không chịu khuất phục nên bị chính quyền đô hộ phế truất ngôi vua, đày cựu hoàng và cả gia đình sang đảo Reunion trên Ấn Độ Dương. Sau 38 năm biệt xứ, gia đình vua mới được trở về cố hương nhưng các hoàng tử và công chúa lâm vào cảnh ly tán khắp nơi.
Hoàng tử Nguyễn Phúc Vĩnh Giu (người con thứ 19 của vua Thành Thái và thứ phi Chí Lạc) bị Pháp đưa về Cần Thơ làm làm trong ngành cầu đường, cuộc sống cực khổ và thiếu thốn. Đến năm 1951, hoàng tử Vĩnh Giu kết hôn với bà Lý Ngọc Hóa, sinh được 7 người con, trong đó, hoàng tôn Bảo Tài là con út.
“Gia đình nghèo khó và đông con, cha mẹ rất vất vả làm nhiều nghề để nuôi sống cả nhà. Mấy anh em cũng sớm biết hoàn cảnh nên ai cũng tìm việc làm thêm như vé số, phụ hồ… để đắp đổi qua ngày. Sau năm 1975, cha tôi làm hẳn nghề sửa xe đạp, mấy anh em cũng lao vào cuộc mưu sinh nên chẳng ai học hành đến nơi đến chốn, một phần do người Pháp luôn tìm cách gây khó khăn khi biết cha tôi là hoàng tử Vĩnh Giu”, ông Bảo Tài bùi ngùi kể.
Dù cuộc sống muôn phần nghèo khó, đói no qua bữa nhưng hoàng tử Vĩnh Giu vẫn rất nghiêm khắc trong việc dạy con, không vì cực khổ mà làm việc xấu, ảnh hưởng đến truyền thống gia đình. ông nói: “Thỉnh thoảng, cha tôi kể cho các con nghe về lịch sử gia đình, về ông bà nội. Chúng tôi nghe và khắc ghi những điều về gia tộc mình”.
Ngừng câu chuyện, khóe mắt ông Bảo Tài mọng nước khi nhớ về người cha mình sống vất vả và bệnh tật trong những năm cuối đời trong căn nhà tạm bợ. Bất ngờ một ngày đầu năm 2005, gia đình ông đón tiếp vị khách đặc biệt là cố thủ tướng Võ Văn Kiệt.
Ông Bảo Tài kể: “Vị cố thủ tướng rất ân cần và xúc động khi hỏi thăm hoàn cảnh gia đình. Từ hôm đó, cố thủ tướng yêu cầu chính quyền TP Cần Thơ xây tặng chúng tôi ngôi nhà tình nghĩa. Riêng tôi được tặng chiếc xe máy để chạy xe ôm nên cuộc sống dần ổn định. Hai năm sau, cha tôi qua đời vì bệnh nặng và được đưa về Huế an táng tại lăng gia tộc”.
Những quá khứ vàng son như chợt hiện về trong tâm trí người đàn ông trung niên có gia thế hoàng tộc cuối cùng của đất nước. Ông tâm niệm, những dĩ vãng đã qua, ông giữ cho mình một sự tự hào gia đình chứ không tiếc nuối hay níu kéo điều gì. Những gì cần lo trước mắt là tình trạng bệnh tật của cô con gái duy nhất là công nương Thanh Tuyền.
Cuộc sống khó khăn cứ cuốn trôi vị hoàng tôn út của cố vương Thành Thái. Ngày con gái đầu lòng ra đời, vợ chồng ông sung sướng không nói nên lời nhưng cũng từ hôm đó, đôi vợ chồng nghèo cũng khóc hết nước mắt khi bác sĩ thông báo bé có những biểu hiện không bình thường.
Sau nhiều lần khám bệnh và chạy chữa, bác sĩ cho biết Thanh Tuyền dù tinh thần minh mẫn, trí óc thông minh hoạt bát nhưng tứ chi không hoạt động được, mọi vệ sinh cá nhân, ăn uống vợ chồng hoàng tôn Bảo Tài đều phải chăm sóc từng chút một. Người đàn ông trung niên thoáng lau vội giọt nước mắt khi nhìn qua Thanh Tuyền đang ngồi kế bên. Gương mặt bé bầu bĩnh dễ thương, đôi mắt hồn nhiên, nước da trắng ngần hoàng tộc nhưng tay chân bất động khiến những người nghe câu chuyện cảm thấy xót xa.
Ông chia sẻ, dù nghèo nhưng hai vợ chồng biết dành dụm chắt chiu nên dư được một số tiền nhỏ để sinh hoạt và chạy chữa cho Thanh Tuyền. Tốn kém vất vả bao nhiêu, vợ chồng ông vẫn tâm niệm sẽ lo cho con đến khi gục ngã mới thôi. Giongj ông run run: “Năm 2015, tôi có nghe nhiều người khuyen cố gắng lên Sài Gòn để chữa trị cho bé theo phương pháp bấm huyệt. Có bệnh thì vái tứ phương mà, hai vợ chồng gom hết tiền bạc rồi đưa Thanh Tuyền lên Sài Gòn. Nếu không chữa trị cho con ngay từ bây giờ, sau này vợ chồng tôi già đi mà con gái lớn lên không tự lo được cho mình thì đó là một tấn bi kịch”.
Sau vài tháng bấm huyệt, bé Thanh Tuyền đã tự ngồi được, vợ chồng hoàng tôn Bảo Tài mừng rơi nước mắt. Nhưng kèm theo niềm vui đó là nỗi lo khác, số tiền ít ỏi ông dành dụm nhiều năm cũng cạn kiệt. Ban đầu ông thuê căn phòng dưới tầng trệt để tiện bề đưa con đi trị bệnh, số tiền vơi dần, ông lại chuyển lên những phòng trên cao cho bớt chi phí nhưng đi lại khó khăn.
Để có thêm tiền, ông Bảo Tài và vợ đi xin làm phụ hồ với tiền công 200.000 đồng/ngày nhưng bao nhiêu cũng đổ hết vào chữa trị cho Thanh Tuyền dù vợ chồng ông ăn uống kham khổ. Ông buồn nói: “Sức vợ chồng tôi cũng bắt đầu yếu rồi, nợ chủ trọ ba tháng tiền nhà nhưng may mắn ông chủ thông cảm cho. Có lần bé nghe ai nói có Thảo Cầm Viên có nhiều thú lắm, muốn được đi coi nhưng gia đình chạy ăn từng bữa nên cứ lần lượt hứa hoài”.
Vị hoàng tôn út của Triều Nguyễn chia sẻ, tâm nguyện cuối đời của ông là mong cho bé Thanh Tuyền sớm được trị lành bệnh, tay chân hoạt động lại được để tự lo bản thân. Sau đó ông mong sẽ tiếp tục dành dụm được ít tiền để đưa gia đình về Huế thăm người thân và lăng mộ gia tộc sau mười năm biền biệt.