“Con cũng từng nhiễm rồi nên con biết mất vị giác ăn không ngon, rất đắng miệng. Nhưng cô ơi, cô phải ráng ăn để có sức khỏe chống lại virus, hết bệnh rồi về nhà nha”.
Huỳnh Khang vừa nói, vừa bón từng muỗng thức ăn cho cụ bà. Cậu cẩn thận lau miệng, thi thoảng lại hỏi bà có cần uống nước không. Đó là công việc của chàng trai sinh năm 1999 tại Bệnh viện dã chiến điều trị bệnh nhân COVID-19 đa tầng thuộc quận Tân Bình (TP.HCM) trong nhiều ngày qua.
Theo mô hình điều trị “tháp 5 tầng”, các bệnh nhân thuộc tầng 4 mà Khang chăm sóc là F0 có bệnh lý nền nặng, nguy kịch. Cậu bón từng muỗng thức ăn, giúp họ thay tã, grap giường, theo dõi huyến áp, đo nồng độ oxy… Khang chưa từng từ chối bất kì công việc nào ở đây, miễn là giúp được họ.
Vài tuần trước, Khang từng là bệnh nhân mắc COVID-19. Cậu bị lây nhiễm trong quá trình làm tình nguyện viên nhập liệu. “Theo quy định, 3 ngày mỗi tình nguyện viên sẽ được test 1 lần để đảm bảo an toàn. Mình nhớ như in buổi tối hôm đó, dù đã tự trấn an bản thân rất nhiều nhưng cũng không khỏi lo lắng khi nhận được kết quả PCR dương tính với SARS-CoV-2.
Mình cố gắng đón nhận nó một cách nhẹ nhàng và chiến đấu một cách mãnh liệt nhất. Mình giấu cả gia đình vì không muốn làm mọi người lo lắng. Lúc đó, bạn bè, đồng đội đã liên tục nhắn tin động viên mình”, Khang kể.
Do tiên lượng nhẹ, Khang chỉ điều trị triệu chứng. Hằng ngày, cậu cố gắng uống vitamin, tập thể dục nâng cao sức khỏe… Ngay sau khi khỏi bệnh, Khang đã đăng kí làm tình nguyện viên tại bệnh viện dã chiến. Chàng trai sinh năm 1999 chia sẻ: “Mình muốn cảm ơn cuộc đời, cảm ơn bác sĩ, cảm ơn các tình nguyện viên… đã hỗ trợ, chăm sóc trong suốt quá trình mình mắc bệnh”.
Cũng tại bệnh viện dã chiến, Khang đã trải qua những “lần đầu tiên” không thể nào quên. Lần đầu tiên, cậu học cách chăm sóc cho một người già, thay tã, đút từng muỗng cháo. Lần đầu tiên, cậu trải qua các cung bậc cảm xúc vui buồn, khi bệnh nhân trở nặng, khó thở hay thoát khỏi cửa tử để trở về với gia đình. Lần đầu tiên, cậu biết dỗ dành, an ủi, động viên để họ có thêm sức mạnh tinh thần vượt qua bệnh tật.
Khang bộc bạch: “Đa phần, các cô chú không có người thân bênh cạnh, họ rất cô đơn. Mình muốn chăm sóc và xem họ như người nhà của mình”.
Sau nhiều giờ làm việc, lưng áo của Khang đẫm ướt mồ hôi, đôi tay bợt bạt vì đeo găng quá nhiều, gương mặt có vết hằn sâu của khẩu trang nhưng chưa bao giờ cậu than thở. Bởi lẽ đối với Khang, giúp được ai đó là một niềm hạnh phúc.