Theo thống kê của các chuyên gia, Việt Nam là nước xả rác ra biển nhiều thứ tư trên thế giới, sau Trung Quốc, Indonesia và Phillippines. 5 quốc gia đứng đầu danh sách xả thải ra biển chiếm đến 60% lượng rác thải toàn cầu đổ ra đại dương.
Con người sản xuất được 8,3 tỷ tấn nhựa trên khắp thế giới thì 6,3 tỷ tấn trong số đó đã là rác thải và 150 triệu tấn đang trôi dạt khắp các đại dương, con số này bằng 1/5 khối lượng các loài cá trên thế giới. Với tình trạng rác thải nhựa được xả thẳng ra biển như hiện nay, dự đoán đến năm 2050, khối lượng của rác thải nhựa và của cá trong đại dương sẽ tương đương nhau.
Nhận thức được mối nguy hại to lớn của rác thải biển, anh Hùng Lekima (tên thật là Nguyễn Việt Hùng) đã lập dự án ảnh Save Our Seas nhằm truyền tải thông điệp bảo vệ môi trường qua hình ảnh, qua đó nâng cao nhận thức của người dân về vấn đề xả rác thải trực tiếp ra biển.
“Là người đã đi hết các tỉnh thành ven biển của đất nước, tôi nhận thấy môi trường biển Việt Nam đã và đang bị tàn phá nghiêm trọng với tốc độ rất nhanh do rất nguyên nhân từ nhiều phía. Một trong những nguyên nhân đó là do nhận thức của người dân về môi trường biển và gìn giữ môi trường biển còn hạn chế. Vì vậy, tôi muốn đóng góp 1 phần nhỏ bé từ khả năng, chuyên môn của mình vào việc ghi nhận những điều đang xảy ra dọc bờ biển của Việt Nam, nhằm nâng cao nhận thức của cộng đồng về vấn đề này,” nhiếp ảnh gia Hùng Lekima chia sẻ.
Đơn thương độc mã trên những cung đường xa
Khởi hành từ Ninh Bình vào 05/08/2018, Hùng quyết định một thân một mình cưỡi xe máy đi dọc chiều dài đất nước.
Chặng đầu tiên, anh bám sát đường bờ biển để đi đến Hà Tiên (Kiên Giang), giáp biên giới Campuchia, sau đó quay về TP.HCM rồi bay về thủ đô. Chặng đường còn lại, xuất phát từ Hà Nội xuống Nam Định và dọc biển của 3 tỉnh thành còn lại là Thái Bình, Hải Phòng (qua đảo Cát Bà) và Quảng Ninh tới mũi Sa Vỹ - địa đầu Tổ quốc.
“Tôi chuẩn bị một chiếc xe máy đèo sau ba chiếc thùng chủ yếu là vật dụng cá nhân và đồ nghề máy ảnh. Do đi xe máy và vào địa hình phức tạp, có thể gặp mưa gió dễ ngã tôi đã phải dùng hộp đựng đồ nghề chụp ảnh chuyên dụng, loại có khả năng chống va đập và chống nước.
Cảm giác thật khó tả, bao điều đang chờ đợi ở phía trước, bao thềm nắng với lá rơi đầy sau lưng. Ngày đầu gặp chút lo lắng khi gặp một số vụ tai nạn giao thông trên đường nhưng chỉ khi tôi chợt nhận ra số ngày con người được sống trên đời không phải được đếm bằng thời gian trôi qua mỗi ngày, tôi bỗng có động lực thật lớn lao,” anh chia sẻ.
Vượt đường trường một mình, dù giàu kinh nghiệm đến đâu cũng vẫn phải lo sợ. Chàng trai đất Hà Thành đã qua hơn 100 cửa sông, nhiều kênh ngòi, lúc đi phà, lúc ngồi đò, đôi khi phải cho xe máy lên chiếc thuyền khác để kéo sang bờ sông bên kia. Những cung đường không bao giờ bình yên, luôn có dông bão ập đến bất ngờ.
Những khu chợ biển ngập ngụa rác
Đặt chân đến một khu chợ thuộc xã Chí Công (huyện Tuy Phong, Bình Thuận), tác giả chứng kiến có hàng km rác thải trong đó chủ yếu là nhựa. Đi bộ trên bờ biển này mà chân như thụt sâu trong rác thải là nylon. Người dân nơi đây chủ yếu làm nghề đánh bắt, khai thác và chế biển hải sản.
Việt Nam nằm trong số 10 quốc gia có tỷ lệ cao nhất về chiều dài bờ biển so với diện tích lãnh thổ. Bình quân cứ 100 km2 đất liền có 1 km bờ biển, cao gấp 6 lần trung bình của thế giới. Đối với một nước có bờ biển dài như vậy, việc khai thác thủy hải sản là một ngành có nhiều lợi thế.
Có nhiều chợ hải sản được cấp phép hoặc tự phát cạnh bờ biển. Ở đó túi nylon và đồ dùng bằng nhựa được sử dụng phổ biến bởi giá rẻ, bền và nhẹ. Số lượng thủy hải sản tại đây giao dịch mỗi ngày rất lớn, thói quen vứt rác bừa bãi cũng xuất hiện chủ yếu ở các chợ hải sản dọc bờ biển.
Ghé xã Bình Châu nơi có cảng Sa Kỳ để ra đảo Lý Sơn nổi tiếng của Quảng Ngãi. Ở đây, rác đầy đường, còn người dân thì hồn nhiên xả rác ra cửa biển. Một con đê dọc sông chuẩn bị đổ ra biển cũng toàn rác và rác. Khi được hỏi tại sao không để rác vào thùng, người dân cho biết thùng rác duy nhất chỉ có ở cảng Sa Kỳ. Cửa biển chính là bãi đổ rác của họ.
Ở đây, các biển hiệu tuyên truyền vì môi trường rất nhiều nhưng tuyệt nhiên không thấy một thùng rác nào. Những con hải âu có thể được tha thứ vì đã cho chim non ăn phải rác thải nhựa, bởi chúng nghĩ đó chỉ là vật ban tặng bổ dưỡng đến từ biển cả. Những chú rùa cũng mắc lỗi tương tự, tưởng rằng các túi nylon đang nổi bồng bềnh là con sứa ngon lành.
Nhưng liệu chúng ta có được tha thứ hay không? Chúng ta tạo ra nhựa, sản xuất và tiêu thụ hơn 300 triệu tấn mỗi năm, sau đó vứt bỏ một cách lãng phí, vứt vô tội vào đại dương, nơi nuôi sống con người.
Với Hùng, mỗi việc bạn làm để làm sạch và bảo vệ đại dương hôm nay có thể chỉ là giọt nước giữa biển cả bao la nhưng đại dương sẽ ít đi khi thiếu những giọt nước ấy.
Nói về dự định trong năm mới, ngoài chụp tiếp về rác thải nhựa, triển lãm ảnh tại Hà Nội vào cuối năm 2019, Hùng cũng bày tỏ mong muốn có nhiều dịp làm các triển lãm ảnh, các buổi nói chuyện truyền cảm hứng bảo vệ môi trường với học sinh, sinh viên.
“Tôi nghĩ, điều đó sẽ tác dụng to lớn để bảo vệ môi trường sống, bảo vệ biển bởi hình ảnh có khả năng truyền tải cảm xúc mạnh mẽ đến người xem bởi tính chân thật và thông tin chứa đựng trong đó, thay ngàn lời nói và còn bởi tuổi trẻ chính là tương lai. Giáo dục chính là gốc rễ bền vững của vấn đề”, Hùng chia sẻ.