Ngày nay, người ta thường rất coi trọng bằng cấp trong công việc khiến mỗi người phải luôn cố gắng chen đua nhau vào các trường đại học, cao đẳng với mong muốn con đường tương lai sẽ rộng mở hơn.
Kỳ thi tốt nghiệp THPT quốc gia mới đây đã công bố kết quả. Chắc hẳn sẽ có những điểm số cao ngút cùng sự tự tin về việc cánh cổng đại học sẽ rộng mở. Nhưng bên cạnh đó cũng có những con số chỉ đủ, thậm chí là thiếu điểm để tốt nghiệp THPT.
Nhưng các bạn đừng vội thất vọng với kết quả này, bởi vì con đường vào đại học để xây dựng tương lai, sự nghiệp thực chất chỉ là phương án A, mà phía sau chữ “A” đó còn có hẳn 28 chữ cái nữa. Nghĩa là để thành công, con đường đại học không phải là duy nhất!
Vì sao lại như vậy?
Theo các nghiên cứu được công bố của Bộ Lao động Thương binh và Xã hội, tính riêng quý 1 năm 2016, nước ta đã có tớn hơn 225.000 nghìn cử nhân, thạc sĩ thất nghiệp. Theo các chuyên gia, ngay trong năm 2017 này có thêm khoảng 200.000 cử nhân sẽ thất nghiệp. Bạn thấy chứ? Kể cả học lên đến thạc sĩ, cũng có rất nhiều người đang ngồi nhà chờ việc.
Và câu chuyện về chàng thiếu niên tỷ phú, làm giàu từ năm 19 tuổi dưới đây sẽ cho các bạn học sinh vừa tham dự kỳ thi tốt nghiệp THPT quốc gia thấy rõ ràng, không cần vào đại học mà chỉ đơn giản là biết nỗ lực không bỏ cuộc, chăm chỉ học hỏi kiến thức, xác định mục tiêu rõ ràng thì thành công chắc chắn sẽ đến.
Aitthipat Kulapongvanich (tên thân mật Mr.Tob, sinh năm 1984) hiện là tỷ phú trẻ nhất Thái Lan. Xuất thân trong một gia đình giàu có. Từng là một học sinh nghiện game, gia đình phá sản, Mr.Tob 31 tuổi sau này đã trở thành một doanh nhân thành công khi xây dựng nên thương hiệu rong biển ăn liền Tao Kae Noi thành một đế chế khổng lồ.
Khi còn là học sinh, Tob có một cuộc sống khá đầy đủ. Không lâu sau, gia đình Tob gặp khó khăn trong kinh doanh. Để có thể xoay xở kiếm ra tiền, Tob bắt đầu với công việc kinh doanh đầu đọc DVD. Nhưng anh không may mắn và cú thất bại này đã khiến Tob suy sụp rất nhiều. Trong một lần tham gia hội chợ ẩm thực, Tob đã mua một chiếc máy rang hạt dẻ về học cách làm món hạt dẻ rang và thuê một gian hàng tại trung tâm mua sắm. Nhưng thật không may, việc buôn bán lại khá ế ẩm. Thế nhưng, sau này, nhờ những tìm tòi khám phá mà Tob đã phát triển công việc kinh doanh của mình lên tới 30 cửa hàng bán hạt dẻ nướng.
Năm 19 tuổi, gia đình Tob phá sản với số nợ lên tới hơn 40 triệu baht (21 tỷ đồng). Cũng vào thời gian này việc kinh doanh của Tob gặp khó khăn. Doanh thu vì thế mà sụt giảm đáng kể. Trong một lần đi chơi với bạn gái, Tob để ý thấy bạn mình cả chuyến đi chỉ thích ăn rong biển chiên giòn. Anh ăn thử và thấy rất ngon. Tob chuyển hướng từ kinh doanh hạt dẻ sang rong biển.
Trong thời gian này, ba mẹ của Tob đang sống ở một nơi khác thường xuyên gọi điện về hỏi thăm và động viên cậu chăm chỉ học tập. Thế nhưng Tob dường như đã từ bỏ hẳn việc học của mình khi biết số nợ của gia đình. Điều mà Tob quan tâm duy nhất lúc đó là cố gắng làm sao để kinh doanh rong biển thành công, kiếm tiền trả nợ.
Cậu thử rán giòn một lượng lớn rong biển ở nhà để tìm ra công thức hấp dẫn nhất. Cậu thậm chí đã phải bán hết những đồ đạc trong nhà để mua rong biển về thử nghiệm. Nhưng thất bại này lại nối tiếp thất bại khác.
Một hôm trời mưa, những gói rong biển cuối cùng trong cuộc thử nghiệm bị ướt. Tob mang những gói rong biển đó ra chiên trong tuyệt vọng nhưng không ngờ nó lại mang đến món ăn ngon bất ngờ. Khi phát triển sản phẩm rong biển, Tob muốn đưa những túi rong biển của mình lên kệ của hệ thống cửa hàng tiện lợi 7-Eleven. Tuy nhiên, 7-Elaven yêu cầu Tob phải có nhà máy riêng đạt tiêu chuẩn, thiết kế lại bao bì, mức giá và đặc biệt phải chuẩn bị 72.000 gói hàng cho 3.000 chi nhánh của họ trong thời gian rất ngắn.
Tob nhận lời dù vẫn còn rất nhiều khó khăn. Cậu đã đã biến ngôi nhà của bố mẹ trở thành nhà máy riêng của mình và được 7-Eleven duyệt cho đặt sản phẩm vào các cửa hàng của họ. Sau khi được bày bán, Tao Kae Noi - tên sản phẩm rong biển của Tob nhanh chóng nhận được phản hồi tích cực của khách hàng. Cuối năm 2010, doanh thu của công ty đã đạt tới 1.000 tỷ đồng với khoảng hơn 2.500 nhân lực. Món rong biển Tao Kae Noi được xuất khẩu tới 27 nước trên toàn thế giới.
Câu chuyện về cuộc đời của Tob, thậm chí đã được sản xuất thành phim. Ở cuối phim, người ta thấy cậu bé Tob chảy máu mũi vì lao lực trong một thời gian dài nhưng lại vừa mỉm cười vừa khóc khi chuyến hàng rong biển đầu tiên của mình được chuyển đi. Cậu gọi điện cho bố mẹ và thông báo rằng bố mẹ đã có thể về nhà vì nợ đã được trả hết.
Thực tế đã chứng minh cho nhiều người thấy rằng không chỉ những người cầm tấm bằng đại học trong tay mới làm nên sự nghiệp. Các tỷ phú thế giới như Bill Gates, Mark Zuckerberg hay Steve Jobs đều là những nhà tỉ phú từ bỏ những trường đại học danh tiếng mà nhiều người ao ước để theo đuổi đam mê, sự nghiệp riêng của mình. Họ đã thành công!
Nói như vậy không có nghĩa rằng chúng ta - những bạn học sinh chẳng cần quan tâm đến việc vào đại học. Dù đại học không phải con đường dẫn đến thành công duy nhất nhưng nó lại là con đường thuận lợi nhất. Nếu những ai chưa trải qua kỳ thi này hoặc muốn thử thách bản thân thêm một lần nữa thì cũng nên dành hết sự quyết tâm. Bất cứ thành công nào cũng đều có sự đánh đổi, đánh đổi những tháng năm ngồi trên ghế nhà trường, đánh đổi bằng những thất bại cho ta bài học kinh nghiệm.
Mark Zuckerberg đã từng nói thế này: “Nhiều người mơ thành công, trong khi những người khác thức dậy và làm việc chăm chỉ, để biến giấc mơ thành hiện thực.”