Tạp chí điện tử Saostar
Đến tin mớiTin Mới Đến tin hotTin Hot
Nhập từ khoá tìm kiếmTìm kiếm
Sắc màu cuộc sống

Chàng bác sĩ trẻ… đỡ đẻ

Là người trực tiếp can thiệp vào quá trình hình thành sự sống của con người và đón hàng ngàn sinh linh chào đời, bác sĩ Đình Tuân và đồng nghiệp thường tự ví

Là người trực tiếp can thiệp vào quá trình hình thành sự sống của con người và đón hàng ngàn sinh linh chào đời, bác sĩ Đình Tuân và đồng nghiệp thường tự ví mình là trợ lý của bảy bà mụ. Vị bác sĩ 38 tuổi này có thâm niên hơn 10 năm làm việc ở khoa Hiếm muộn của bệnh viện (BV) phụ sản lớn nhất nhì TP HCM.

“Có đứa trẻ chỉ kịp cất tiếng khóc chào đời rồi mất…”

Có một điều mà chính bác sĩ Tuân cũng lấy làm lạ, đó là cho đến bây giờ mặc dù anh không nhớ nổi mình đã đỡ đẻ cho bao nhiêu người, có bao nhiêu đứa trẻ đã cất tiếng khóc chào đời trên đôi tay anh. Thế nhưng, cảm xúc bồng bế một sinh linh và chứng kiến niềm hạnh phúc hay nỗi đau khổ của gia đình đứa trẻ vẫn không khác lần đầu tiên anh đỡ đẻ.

Rất nhiều giọt nước mắt mừng vui và có cả những giọt nước mắt nghẹn ngào sinh ly tử biệt của tình mẫu tử. Đó là những ca sinh cứ làm anh ám ảnh mãi. Bác sĩ Tuân bảo trước một ca sinh khó, toàn bộ êkíp y, bác sĩ đều rất hồi hộp. Có những trường hợp anh cùng đồng nghiệp đón đứa trẻ ra đời bị èo uột hoặc dị tật.

Cả nhóm y, bác sĩ đều trải qua một khoảnh khắc lặng người. Họ lặng lẽ nhìn nhau và siết tay người mẹ. Sẽ có một người cố giữ giọng bình thản thông báo cho người mẹ: “Bé tạm ổn rồi chị à!” và chuyển ngay em bé sang phòng chăm sóc đặc biệt.

Hỏi bác sĩ Tuân, vậy kỹ thuật siêu âm ngày nay chẳng lẽ đành bó tay hay sao mà để xảy ra những cảnh đau lòng trong ca sinh? Anh cho biết, siêu âm chỉ nhận diện được hình thể bên ngoài của thai nhi, còn những dị tật bên trong cơ thể như tim bẩm sinh, đường tiêu hóa có vấn đề hoặc giãn bể thận… thì chịu thua.

Hoặc có khi siêu âm phát hiện được bất thường nhưng cha mẹ em bé vì tình thương mà quyết giữ lại bé. Cách đây ba năm, bác sĩ Tuân và đồng nghiệp đỡ sinh cho một người mẹ quyết giữ lại đứa con mà trước đó được chẩn đoán là bị mắc bệnh tim bẩm sinh từ trong bào thai. Đứa bé còn sống khi ra đời. Anh Tuân là bác sĩ chính trong kíp mổ đã bế bé trên tay.

Sau khi thông hô hấp, bé chỉ cất lên vài tiếng khóc yếu ớt rồi lịm đi, tắt thở khi bác sĩ chưa kịp trở tay. Ánh mắt sững sờ chết lặng của người mẹ, nỗi thương xót dấy lên khiến ai nấy không hẹn mà cùng rơi lệ. Bác sĩ Tuân kể đêm ấy anh mất ngủ và còn day dứt về ca sinh này đến tận bây giờ.

Không làm ảnh hưởng đến cảm xúc… yêu đương

Bác sĩ Tuân vốn là người có tình cảm đặc biệt với trẻ con. Chính vì vậy sau khi tốt nghiệp bác sĩ đa khoa, anh xin việc ở một BV phụ sản quốc tế tại TP HCM. Anh dự định sẽ làm việc ở khoa Nhi sơ sinh nhưng khi lãnh đạo BV đề nghị anh trở thành người của khoa Hiếm muộn, anh nhận lời ngay với suy nghĩ công việc của mình sẽ đem lại niềm vui được làm mẹ cho phụ nữ. Cùng với khoa Hiếm muộn, anh có mặt luôn ở khoa Sản anh cũng chẳng từ nan.

Bác sĩ Vũ Đình Tuân (trái) cùng Giám đốc Trung tâm Hiếm muộn IVF Osaka Nhật Bản - một trong những người anh từng “thọ giáo” kiến thức và kinh nghiệm trong nghề.
Bác sĩ Vũ Đình Tuân (trái) cùng Giám đốc Trung tâm Hiếm muộn IVF Osaka Nhật Bản – một trong những người anh từng “thọ giáo” kiến thức và kinh nghiệm trong nghề.

Thoạt đầu bị bạn bè trêu chọc nghề có vẻ nhạy cảm và dễ bị nói bóng nói gió của mình, vị bác sĩ trẻ này cũng có chút thẹn nhưng lâu dần, anh ngày càng thấy tự hào và gắn bó hơn với công việc bởi những giá trị tinh thần lớn lao mà nó mang lại.

“Được làm người can thiệp vào quá trình hình thành sự sống của con người cũng như chào đón sinh linh ra đời, tôi luôn thấy nghề mình thiêng liêng”, anh nói.

Tâm lý phụ nữ sinh con thường vì… xấu hổ mà ngại bác sĩ nam. Nhưng nhiều người tìm hiểu tay nghề bác sĩ từ trước đó đã chọn bác sĩ Tuân đỡ đẻ cho mình mà không còn ngần ngại.

Bởi ngoài kinh nghiệm, chuyên môn vững vàng thì anh còn rất am hiểu tâm lý sản phụ và gia đình. Anh có cách trò chuyện nhẹ nhàng, dễ trấn an được nỗi lo lắng của sản phụ. Đồng thời, anh cũng rất kiên nhẫn lắng nghe và trả lời tất cả thắc mắc của họ.

Thường xuyên và có thể là suốt đời chứng kiến những cơn mang nặng đẻ đau, liệu cảm xúc về phụ nữ đối với anh có khác? Và anh còn… dám yêu đương, dám làm chồng? Bác sĩ Tuân cười cho biết khi công việc đã trở thành chuyên nghiệp thì không chỉ anh, mà có lẽ tất cả bác sĩ khoa sản đều tách bạch được cảm xúc dành cho công việc và đời thường. Anh không hề sợ nỗi đau đớn của phụ nữ theo kiểu tránh xa họ mà càng yêu thương, trân trọng họ hơn.

Thầm lặng tiếp dẫn mầm sống

Khác với bác sĩ lâm sàng mới là người tiếp xúc trực tiếp với bệnh nhân, đưa ra phương pháp điều trị, cũng là người đặt phôi vào tử cung người mẹ, bác sĩ Tuân lặng lẽ chịu trách nhiệm trong phòng phôi. Anh ví công việc của anh cũng thầm lặng như nhạc công chơi đàn cho ca sĩ.

Bởi chuyên môn và nhiệm vụ chính của anh là phôi học, tức thụ tinh trong ống nghiệm. Bác sĩ Tuân mỗi ngày nhìn vào kính hiển vi quan sát hoạt động của trứng và tinh trùng. Quá trình tạo phôi 3-5 ngày này, anh là người theo dõi để nhận biết phôi khỏe, phôi yếu và dưỡng phôi yếu.

Đến ngày kiểm tra phôi, khi chọn được phôi khỏe cho cặp vợ chồng hiếm muộn, anh nói lúc nào anh cũng cảm thấy phấn khởi hệt như được báo tin vui cho người thân trong gia đình. Còn ngược lại thì tâm trạng anh mệt mỏi, chán nản.

Tiếng là chịu trách nhiệm ở phòng phôi và giai đoạn phôi nhưng anh cũng theo dõi luôn cả quá trình sau đó, kể từ hai tuần sau khi đặt phôi khỏe vào tử cung của người mẹ, xét nghiệm máu xem có đậu thai hay không. 

Cột mốc này cũng chính là một “ải” khác khiến anh lo lắng, hồi hộp không khác theo dõi tạo phôi trước đó. Nếu đậu thai, cặp vợ chồng vui một thì anh vui mười. Bằng không thì anh phải suy nghĩ, tìm tòi hướng khắc phục, đồng thời an ủi bệnh nhân.

Để nắm giữ vai trò vô cùng quan trọng trong khoa Hiếm muộn như thế, ngoài chuyên môn được đào tạo tại trường y, bác sĩ Tuân còn trải qua thời gian “tầm sư học đạo” các bác sĩ giỏi ở BV Từ Dũ như bác sĩ Nguyễn Thị Ngọc Phượng, bác sĩ Hồ Mạnh Tường, bác sĩ Vương Thị Ngọc Lan. Đồng thời, anh học được một số kỹ thuật mới ở Nhật như làm trứng non trưởng thành trong ống nghiệm.

Trước thực tế số người hiếm muộn ngày càng tăng, bác sĩ Tuân đứng trước trăn trở chung của khoa: Làm sao để các bạn trẻ ý thức được tác hại của đời sống tình dục thoải mái; giảm sự căng thẳng của con người trong đời sống cũng như công việc thế nào; chặn đứng tác hại của ô nhiễm môi trường, hóa chất ra sao; hoặc nghĩ cách gì tuyên truyền các biện pháp phòng ngừa thai an toàn.

Đặc biệt, mỗi khi nghe ai đó sinh con khỏe mạnh rồi nhẫn tâm vứt bỏ con ở đâu đó, anh lại có cảm giác bất nhẫn tràn ứ trong tim và càng cảm thấy thương cho những cặp vợ chồng bị hiếm muộn. “Phải cho những người đó chứng kiến quá trình điều trị lâu dài, tốn kém và khó nhọc của những người hiếm muộn để có một đứa con như thế nào thì họ mới hiểu được tội lỗi vứt bỏ con của họ”, anh bức xúc.

Làm cha nuôi của mấy chục đứa con

Trong đời chạy chữa cho không biết bao nhiêu cặp vợ chồng hiếm muộn, bác sĩ Tuân nhận về nhiều niềm hạnh phúc. Tính đến nay đã có đến hàng chục cặp vợ chồng muốn anh làm cha nuôi của đứa trẻ mà anh tiếp dẫn mầm sống khi nó hãy còn là trứng và tinh trùng.

Anh nhớ năm 2010 có một cặp vợ chồng ở TP HCM cưới nhau bốn năm mà chưa có con. Họ chạy chữa khắp nơi mà vẫn tuyệt vọng. May mắn đến anh thì người vợ đậu thai ngay trong lần đầu đặt phôi. Họ sinh được một bé gái sau đó và một mực đề nghị anh làm cha nuôi của đứa trẻ.

Hay năm 2012, một cặp vợ chồng lặn lội từ Phan Thiết vào Sài Gòn tìm đến anh với hy vọng sinh được một đứa con khỏe mạnh bởi trước đó con gái đầu lòng của họ mắc bệnh tự kỷ. Đứa trẻ thứ hai sinh ra khỏe mạnh và lại có duyên làm con nuôi của anh.

Về ngành hiếm muộn tại Việt Nam, bác sĩ Tuân nói tuy Việt Nam đi sau so với thế giới gần 20 năm trong ngành nhưng đáng mừng là hiện nay chúng ta sắp bắt kịp họ. Ngành hiếm muộn của nước mình đang đứng nhất nhì Đông Nam Á, thế giới cũng dần biết đến ngành hiếm muộn Việt Nam.

Copy Link
Chia sẻ

Bài viết

Được quan tâm

Tin mới nhất