Ngày nay, nhiều cô gái dần cho rằng việc có sự nghiệp thành công, tự chủ, độc lập về tài chính mới là điều quan trọng nhất. Đó cũng chính là lý do vì sao, ngày càng có nhiều chị em đứng lên khởi nghiệp và lập nghiệp thành công. Một trong số những người như thế là chị Vũ Thị Dung (SN 1982, tên thường gọi là Vũ Trần Gia Hân) - CEO & Founder công ty cổ phần trong lĩnh vực xây dựng nội thất và là chủ 1 quán cafe có tiếng cùng tên tại TTTM Vincom.
Câu chuyện “1 túp lều tranh 2 trái tim vàng” đã xưa rồi, là một người phụ nữ hiện đại, bạn nhất định phải độc lập tài chính
Trong số nhiều khái niệm, hạnh phúc có lẽ cũng là 2 từ rất khó định nghĩa. Nhiều người thường ca ngợi những chuyện tình “1 túp lều tranh 2 trái tim vàng” vì nghĩ rằng, đó mới là hạnh phúc đích thực khi 2 người có thể đến với nhau, vì tình yêu mà bỏ qua toàn bộ những thứ khác. Riêng chị Dung lại có quan điểm khác.
“Tôi không muốn phủ nhận câu chuyện này mà chỉ muốn nói rằng, thời nay, việc duy trì túp lều chỉ có 2 trái tim thực sự rất khó khăn. Chúng ta ngày càng có nhiều nhu cầu, ngoài lo cho bản thân còn là vì con cái của mình nữa. Vì thế, cuộc sống nghèo về vật chất dần trở thành điều khó chấp nhận và bằng lòng.
Mặt khác, hạnh phúc là tổng hòa của rất nhiều yếu tố như thời gian, tiền bạc, mối quan hệ, sức khỏe… Vì thế, cặp vợ chồng đã có tình yêu, đương nhiên sẽ hạnh phúc hơn nếu chất lượng cuộc sống được nâng cao. Thay vì chỉ mơ đến 1 túp lều tranh, 2 trái tim vàng, vì sao chúng ta không mơ đến những điều tốt đẹp hơn thế”.
Để có một gia đình hạnh phúc theo nghĩa tổng hòa rất nhiều yếu tố như thế, người phụ nữ đóng vai trò quan trọng. Thay vì ngồi nhà, chăm con và chờ chồng đi kiếm tiền, giờ đây, áp lực kiếm tiền đè lên vai nữ giới cũng khá nặng nề. Khi có con, vấn đề tài chính trở thành mối lo thường trực. Không có tiền, phụ thuộc lẫn nhau về tài chính trở thành một mối đe dọa trong hôn nhân.
Vượt ra ngoài ý nghĩa chăm lo cho cuộc hôn nhân, tự chủ tài chính giúp phụ nữ kiểm soát tốt cuộc đời mình. Cho dù có rơi vào hoàn cảnh nào, họ cũng có thể tự lo cho chính mình. Điều ấy làm gia tăng lòng tự tin, tự trọng của phụ nữ và trở thành động lực giúp chị em mạnh dạn đứng lên khởi nghiệp.
“Năm 2018 rồi và tôi nghĩ những người phụ nữ thông minh, có ý chí sẽ không còn muốn chui trong một xó văn phòng, nhét đôi chân dưới gầm bàn và cứ như thế, kết thúc 1 ngày 8 tiếng, thậm chí 12 tiếng làm thuê quần quật“, chị Dung chia sẻ.
Nói về lý do khởi nghiệp, chị Dung cho biết: “Tôi muốn hoàn thiện bản thân, sống 1 cuộc đời đáng sống chỉ có duy nhất 1 lần, làm được điều mình muốn. Tôi nhận ra rằng, càng là phụ nữ, chúng ta càng cần phải trưởng thành, độc lập, đủ khả năng lo cho mình và con, dù trong hoàn cảnh nào, có chồng hay không có chồng. Lý do khởi nghiệp và kiếm tiền, đã không còn vì 1 người đàn ông hay vì bất cứ ai khác ngoài tôi và con trai“.
Theo chị Dung, phụ nữ chỉ có khoảng 20 năm để phấn đấu cho sự nghiệp vì sau tuổi 40, sức khỏe và nhiệt huyết của họ bắt đầu đi xuống. Bởi thế, khi còn trẻ, phụ nữ thích điều gì thì nên làm điều đó, đừng nên chịu ảnh hưởng của định kiến xã hội hay sự kìm nén của gia đình.
“Tôi tin một người đàn ông yêu bạn là một người luôn ủng hộ bạn phát triển bản thân và được làm tất cả những gì bạn yêu thích“.
Hãy cho mình khoảng thời gian ít nhất 2 năm để cố gắng, nếu không ổn có thể nhẹ lòng buông tay vì xem như không có duyên
Trước khi khởi nghiệp, chị Dung từng làm việc tại ngân hàng Eximbank và Toyota Việt Nam với mức lương khoảng 5.000-6.000 USD/tháng - con số đáng mơ ước đối với nhiều người.
“Chính vì thế, khi tôi lập nghiệp, nhiều người cứ bảo, sống với lương cao như thế là đủ rồi, sao phải làm chủ. Rồi họ nói tôi không làm được đâu, kiểu gì cũng thất bại“.
Sau 10 năm tích lũy kinh nghiệm, kiến thức, mối quan hệ và nguồn vốn, năm 32 tuổi, chị Dung chính thức dấn thân vào con đường start-up. Bỏ bên tai những lời dị nghị, phán đoán, chị Dung một mực tin rằng, mình không thể nào thất bại.
“Tôi tin vào luật hấp dẫn và cũng tin rằng chính suy nghĩ sẽ quyết định mọi thứ. Chúng ta sẽ thành công nếu chúng ta tin mình thành công và luôn thất bại nếu chúng ta nghĩ mình sẽ thất bại. Suy nghĩ có thể thất bại, lâu dần sẽ khiến ta không còn niềm tin và coi thất bại là điều có thể chấp nhận được“.
10 năm lăn lội, nung nấu ý định khởi nghiệp nên khi bắt tay vào làm, chị Dung đã có sự chuẩn bị khá kỹ. Điển hình như việc quán cafe đã từng không có lợi nhuận. Tuy nhiên, chị Dung vẫn đủ sức một mình cáng đáng, tạm quên chuyện chưa có lợi nhuận, tập trung vào việc tìm hiểu và đáp ứng nhu cầu của khách hàng. Chuyện kinh doanh dần tiến triển và giờ đây, cửa hàng của chị được nhiều thực khách yêu thích. Bên cạnh đó, công ty cổ phần do chị làm chủ cũng phát triển thuận lợi.
“Tôi nghĩ khi làm bất cứ việc gì, chúng ta cũng nên mạnh dạn đi đến cuối con đường vì phải đến lúc ấy, mới biết mình có làm được hay không. Hãy dành ra thời gian ít nhất 2 năm để thử thách bản thân. Nếu trong khoảng thời gian ấy, chúng ta liên tục cố gắng không ngừng nghỉ, đã dồn toàn lực nhưng vẫn thất bại thì có thể nhẹ lòng buông tay và coi như, mình chưa có đủ duyên với nó“.
Nếu muốn đi xa, an toàn - hãy chọn khởi nghiệp với ngành F&B
“Sau khi cân nhắc kỹ, tôi nhận thấy ngành F&B (Food and Beverage Service) một khi đã làm tốt thì sẽ có cơ hội phát triển lớn, thành công nối tiếp thành công. So với nhiều ngành như bất động sản hay chứng khoán thì đầu tư, kinh doanh thực phẩm và dịch vụ ăn uống là một ngách khá an toàn và đem đến nhiều cơ hội“. Chị Dung chia sẻ, đó cũng là lý do chị dự tính sẽ phát triển quán cafe của mình thành một chuỗi thương hiệu.
Hiện nay, ngoài kinh doanh, chị Dung cũng rất quan tâm đến mảng đầu tư. Hiện tại, chị đang nắm giữ một số bất động sản cho thuê và dần hướng tới mục tiêu tự do tài chính.
Rất nhiều người thường hỏi chị Dung, công việc kinh doanh của chị giờ đây đã tốt thế rồi, sao còn phải đi kiếm tiền? Đôi lúc chị cũng muốn mình được nằm dài trên ghế sofa, xem tivi và đi du lịch. Thế nhưng, cuộc sống từ lâu đã không cho phép chị dừng lại. Gánh vác trên vai 1 doanh nghiệp cũng có nghĩa là chị phải lo cho rất nhiều người. Mặt khác, mong muốn vươn tới cuộc sống tốt đẹp hơn chính là điều luôn thôi thúc chị tiến về phía trước.
Không màu mè khi nói về mục tiêu cá nhân, chị Dung thẳng thắn khẳng định, kinh doanh phải lấy mục tiêu kiếm tiền lên hàng đầu, sau đó mới là vì đam mê, sở thích. “Tất nhiên nếu quá đặt nặng cơm áo, gạo tiền thì sẽ khó làm việc lớn vì trong những năm đầu, các startup đều sẽ rất khó khăn, thậm chí là rỗng ví. Tuy nhiên, nếu nói mình khởi nghiệp chỉ vì yêu thích hay đam mê thì tôi thấy không thực tế“.
Điều chị Dung muốn gửi gắm nhất là phụ nữ đừng nghĩ mình yếu đuối. Các bạn thực ra đều rất mạnh. Chúng ta hoàn toàn có thể có sự nghiệp của riêng mình, sống một cuộc đời ý nghĩa, hạnh phúc hơn!