“Một thầy giáo lớn tuổi đã kể lại cuộc thi mà có lần ông được mời làm giám khảo. Mục đích của cuộc thi là tim ra đứa trẻ nào có lòng quan tâm đến người khác nhất. Người đạt giải cuộc thi này là một cậu bé mới bốn tuổi.
Gần nhà cậu bé có đôi vợ chồng già luôn yêu thương nhau và nương tựa lẫn nhau. Cho đến một ngày kia khi bà cụ qua đời. Ông cụ đau buồn khôn xiết. Nhìn thấy ông cụ đau đớn, cậu bé đi qua nhà và leo vào ngồi trong lòng cụ. Cậu cứ ngồi yên ở đó…
Khi mẹ cậu bé hỏi cậu bé đã nói gì để an ủi ông cụ. Cậu bé trả lời:
- Con chẳng nói gì cả. Con chỉ giúp ông được khóc thôi mà!”
Khi buồn, ta như đang chơi vơi giữa dòng nước và luôn tìm kiếm một nơi bám víu cảm xúc
Càng trưởng thành, người ta lại càng phải đối mặt với những chuyện buồn nhiều hơn. Chúng ta chẳng thể khôn lớn mà mọi chuyện cứ bình yên như những ngày thơ ấu được bao bọc. Sự trưởng thành đồng nghĩa với việc có những nỗi buồn ta không thể nào trốn tránh. Có bao giờ ta tự hỏi mình, liệu có phải nỗi buồn chính là cái giá của sự trưởng thành không?
Khi đối diện với những nỗi buồn, ta luôn có cảm giác như mình đang chơi vơi giữa biển nước mênh mông và luôn cần tìm đến một nơi cho ta bám víu. Cái cảm giác ấy giống như thể ta không thể biết được rồi đây ta sẽ phải làm sao? Sống tiếp như thế nào? Một sự hẫng hụt đến tột cùng.
Buồn bã, hờn trách, căm giận, hận thù… Sự chán chường xâm chiếm tâm trí khiến bản thân chỉ muốn kiếm một ai đó để trút bầu tâm sự. Một người chịu ngồi lắng nghe và an ủi động viên. Đó là sự xoa dịu cho nỗi đau mình đang gặp phải mà ai cũng đều muốn tìm kiếm cho riêng mình. Thế nhưng liệu đó đã phải là cách tốt nhất kéo bạn ra khỏi nỗi buồn chưa?
Tìm kiếm sự xoa dịu chỉ khiến bạn càng thêm tổn thương
Khi chúng ta gặp chuyện buồn, chúng ta thường có xu hướng tìm đến một ai đó để tâm sự. Phần lớn những tâm hồn yếu ớt đó, tìm kiếm sự an ủi từ người khác đều bởi có mong muốn được giải thoát khỏi nỗi phiền muộn. Ai cũng nghĩ sự “xoa dịu” có phép thuật giúp tâm trạng tốt hơn, từ đó giải quyết ổn thỏa mọi vấn đề.
Tất cả chúng ta đều gặp những rắc rối trong cuộc sống. Sự xoa dịu, động viên, an ủi từ người khác chỉ khiến chúng ta cảm thấy ổn trong thoáng chốc nhưng nó không giúp giải quyết vấn đề. Thực tế, việc tâm sự chỉ khiến chúng ta lúc nào cũng tự trách móc bản thân.
Càng chia sẻ nỗi buồn của mình cho nhiều người thì sự lo lắng, bất an, buồn bã ngày càng gia tăng. Bởi vì một lý lẽ đơn giản thế này: Đáng lẽ bạn nên cố gắng quên đi chuyện buồn bã đó và sống tiếp thì việc tâm sự với những người khác để tìm kiếm sự động viên đã “giúp” bạn nhắc đi nhắc lại nỗi buồn nhiều lần. Vì thế, nỗi buồn càng bị xoáy sâu và bạn thì càng đau.
Những người mong muốn nhận được sự an ủi khi có chuyện buồn thường không thể chấp nhận và đối diện với sự thật mất mát. Nếu bản thân đang vùng vẫy trong nỗi buồn chưa thoát ra được, bạn thực sự nên tránh xa những lời ru êm tai và có lẽ nên dũng cảm nhìn vào hiện thực, khóc một trận thật đã và im lặng để thời gian xóa mờ những nỗi buồn đau.