Có một vị hòa thượng già dẫn theo một tiểu hòa thượng đi thỉnh kinh. Trên đường đi, họ gặp một con sông. Cũng chính tại đó, họ gặp một phụ nữ rất muốn sang sông nhưng không dám lội xuống nước.
Không chút đắn đo, lão hòa thượng liền chủ động cõng người phụ nữ đó và đặt cô ta xuống sau khi đã đến bờ bên kia rồi tiếp tục cùng tiểu hòa thượng lên đường.
Trên đường đi, tiểu hòa thượng cứ mãi lăn tăn, lẩm nhẩm trong đầu một câu hỏi: “Sư phụ làm sao vậy? Sao người lại dám cõng một phụ nữ qua sông?”
Vừa đi vừa nghĩ, cuối cùng, không thể nhẫn nại thêm được nữa, tiểu hòa thượng mới hỏi: “Sư phụ, người phạm giới rồi, tại sao người lại cõng phụ nữ?”
Hòa thượng già thủng thẳng đáp: “Ta đã đặt cô ta xuống từ lâu rồi, còn con, đã đi một đoạn đường dài như vậy, con vẫn chưa bỏ được cô ta ra khỏi đầu sao?”
Câu trả lời của vị lão hoà thượng chứa đựng một thông điệp mà có lẽ bất kỳ ai cũng cần khắc cốt ghi tâm. Đó là thông điệp về sự buông bỏ trong tâm trí.
Cuộc sống sẽ có những lúc mọi việc không được như ý ta mong muốn. Tuy vậy, biết nắm biết buông đúng lúc sẽ mang lại cho chúng ta sự bình yên từ trong tâm. Và từ sự bình yên đó ta mới có thể làm được nhiều điều tuyệt vời khác cho chính mình và những người xung quanh.
Một người luôn có tâm bình an, hoà nhã, vui vẻ sẽ toả ra năng lượng tích cực tác động đến những người xung quanh khiến mọi thứ trở nên dễ chịu hơn. Ngược lại, tâm thái luôn nóng giận, bực tức, không bằng lòng sẽ chỉ tự chuốc thêm buồn phiền cho bản thân.
Bởi vậy, mới có câu, cuộc đời con người chỉ phiền não bởi 12 chữ mà thôi!
“Buông không đành - Nghĩ không thông - Nhìn không thấu - Quên không được”
Mỗi giai đoạn của cuộc đời như một chương sách vậy, khi một chương kết thúc cũng là lúc chương mới mở ra.
Trưởng thành là khi biết chấp nhận và buông bỏ!