Tạp chí điện tử Saostar
Đến tin mớiTin Mới Đến tin hotTin Hot
Nhập từ khoá tìm kiếmTìm kiếm
Sắc màu cuộc sống

Từ 2 đứa trẻ mồ côi ở mái ấm 'Bán báo Xa mẹ' đến cặp vợ chồng của chuỗi tiệm bánh sầm uất Hà Nội

Định Nguyễn Theo dõi Saostar trên google news

Vợ chồng anh Phú, chị Thanh từng là những đứa trẻ mồ côi sống ở mái ấm Bán báo Xa mẹ. Hằng ngày cõng con trên vai đi bộ khoảng 30km bán báo dạo dưới mưa nắng, cả 2 gạt nước mắt dặn mình phải cố gắng để các con có cuộc sống tốt đẹp hơn.

Chúng tôi gặp vợ chồng chị Nguyễn Thị Thanh và anh Nguyễn Minh Phú tại tiệm bánh Pháp do anh chị làm chủ trên đường Thanh Niên, quận Tây Hồ, Hà Nội. Từ hai đứa trẻ mồ côi trước đây từng sống ở mái ấm Bán báo Xa Mẹ số 13 Ngô Văn Sở, quận Hoàn Kiếm, Hà Nội với bao gian truân, vất vả anh chị đã đồng cảm nắm tay nhau cùng vượt qua tất cả.

Hiện chị Thanh đã có chuỗi cửa hàng bánh ngọt toạ lạc tại những con phố sầm uất, đông người qua lại ngoài ra cung cấp bánh ngọt cho khoảng 20 nhà hàng, khách sạn. Cuộc sống với anh chị bây giờ đã “tạm ổn” nhưng luôn dặn lòng không được quên những ngày tháng khổ cực trước đây để lấy đó làm động lực tiếp tục cố gắng và giúp những hoàn cảnh tương tự.

Từ những đứa trẻ mồ côi, nương tựa nơi mái ấm “Tổ bán báo Xa mẹ”…

Ngồi tâm sự với chúng tôi, chị Thanh không khỏi ngại ngùng. Chị bảo bản thân hai vợ chồng xuất phát điểm là trẻ mồ côi nên không muốn mọi người biết bởi “sợ ai đó họ sẽ có ý nghĩ khác về mình”.

Chị Thanh kể năm lên 9 tuổi thì bố qua đời, chị sống cùng vợ chồng người anh trai. Dù ít tuổi nhưng việc gì chị cũng làm được. Điều kiện kinh tế khó khăn, nhà đông anh chị em, chị Thanh đã rời quê lên Hà Nội kiếm sống sau chị gặp một người bạn rồi được cưu mang ở Tổ Bán báo Xa mẹ. Một năm sau đó anh Phú cũng về đây.

Vợ chồng chị Thanh, anh Phú đã cùng nhau vượt qua những khó khăn, gian truân.

Hằng ngày Thanh, Phú cùng nhiều người bạn khác cùng chia nhau đi bộ bán báo khắp các phố phường Hà Nội. Cùng chung cảnh mồ côi, anh Phú và chị Thanh hay trò chuyện chia sẻ với nhau. Anh Phú là người hiền lành, tốt tính nên hai người nhanh chóng trở nên gần gũi với nhau và kết nghĩa anh em. Thế rồi quá trình tiếp xúc họ cảm mến rồi yêu nhau từ lúc nào không hay.

Năm 1993, anh Phú và chị Thanh xin ra ngoài rồi làm đám cưới. Sinh con gái đầu lòng ở quê được 2 tháng nhưng vì khó khăn chồng chất khó khăn, anh chị lại ôm con lên Hà Nội và được vợ chồng ông Vũ Tiến và bà Vũ Thị Ngọc Oanh, người sáng lập Tổ bán báo Xa mẹ nuôi ăn ở một thời gian. Đó là những ngày khốn khó nhất mà chị Thanh không bao giờ quên.

Những đứa trẻ mồ côi, lang thang cơ nhỡ ở Tổ bán báo Xa mẹ tại số 13 Ngô Văn Sở, Hoàn Kiếm, Hà Nội, năm 1991.

Tại đây, chị Thanh xin mở quán nước trước cổng mái ấm, còn anh Phú thì tiếp tục đi bán báo dạo. Con gái cứng cáp hơn, cả hai vợ chồng anh chị xin ra ngoài thuê nhà trọ. Hằng ngày vợ chồng anh chị phải lang thang tới 30km để bán báo. Nghĩ cảnh con nhà người khác được bố mẹ cưng chiều, còn con mình rong ruổi trên lưng mẹ khắp các tuyến phố không quản nắng mưa khiến chị không kìm được lòng. Chị Thanh và chồng luôn dặn mình phải cố gắng để các con có cuộc sống tốt đẹp hơn.

Hình ảnh chị Thanh anh Phú tham gia hoạt động cùng gia đình trẻ em “Xa mẹ”.

Biết nhiều mối, anh Phú vay mượn lấy báo tại các nhà in với giá thấp hơn sau đó, anh đem bán lại cho mọi người lấy lời. Lãi không nhiều nhưng đông khách nên anh chị cũng có thêm lợi nhuận. Không những thế, anh còn làm đủ thứ nghề khác để kiếm kế sinh nhai.

Mặc dù gắn bó với nghề bán báo đến tận năm 2008 nhưng từ trước đó chị Thanh từng nghĩ bán báo không phải là lâu dài. Chị bắt đầu xin đi học nghề. Ít lâu sau chị được nhận vào làm bánh ngọt cho một khách sạn lớn trên đường Thanh Niên, đây cũng là nơi chị đã gắn bó công việc 12 năm.

…Đến chủ chuỗi bánh ngọt có tiếng ở Hà Nội

Vốn có kinh nghiệm làm bánh nên cách đây vài năm chị nghỉ công việc tại khách sạn để quyết định thành lập công ty riêng. Và rồi chuỗi cửa hàng bán bánh ngọt Pháp ra đời. Ban đầu chị mở cửa hàng đầu tiên ở phố Mã Mây, quận Hoàn Kiếm. Khi mở thêm tiệm bánh thứ hai ở phố Đội Cấn, Ba Đình thì lỗ 300 triệu đồng do không tìm hiểu kỹ địa điểm, khách ít. Chị chạy vạy khắp nơi để lo trả nợ.

Chị Thanh, anh Phú cùng hai con gái chụp cách đây gần 20 năm trước.

Biết bản tính hiền lành, thật thà của chị Thanh, một người bán rau ngoài chợ đã đồng ý cho chị mượn 100 triệu đồng nhưng chồng chị không đồng ý. “Anh bảo người ta bán rau cả đời ở chợ mới có chút vốn, mình vay của chị ấy, không có gì thế chấp sợ thiệt thòi cho người ta. Sau đó tôi chỉ dám mượn 50 triệu”, chị Thanh nhớ lại.

Nhờ có duyên trong kinh doanh cộng thêm việc làm bánh tỉ mỉ, khéo léo chị Thanh và anh Phú đã nhanh chóng đông khách đặt hàng. Hiện tại, anh chị đã có chuỗi tiệm bánh ngọt Pháp ở những con phố sầm uất. Cuối năm nay chị sẽ mở thêm một tiệm bánh nữa ở phố Lương Ngọc Quyến.

Trải qua bao gian khó, anh chị vẫn luôn nắm chặt tay nhau.

Sau hơn 25 năm cùng nhau lập nghiệp, anh chị đã có cuộc sống đầy đủ, một căn biệt thự tại Long Biên. Ba con của anh chị giờ cũng đã dần trưởng thành, được hưởng nhiều điều tốt đẹp. Thế nhưng cuộc sống của anh chị lại rất giản dị, mộc mạc, đó là điều mà ai cũng cảm mến khi tiếp xúc với cặp vợ chồng này.

Giờ đây cuộc sống không còn vất vả như trước đây, chị Thanh dành thời gian nhiều hơn cho chăm sóc gia đình. Hiện nhân viên ở tiệm bánh của chị Thanh có khoảng 20 người thì hơn một nửa là trẻ mồ côi, dân tộc thiểu số, kinh tế gia đình khó khăn. Ngoài ra chị cùng chồng tham gia nhiều đợt thiện nguyện, giúp đỡ nhiều hoàn cảnh khó khăn.

Cả hai anh chị cũng tham gia nhiều hoạt động thiện nguyện.

“Nói thật tôi luôn biết ơn những khách hàng của mình bởi vì họ giúp đỡ vợ chồng tôi rất nhiều. Cũng nhờ có chút tiền kinh doanh tôi có thể giúp được nhiều hoàn cảnh khác. Mình làm từ cái tâm của mình nên hiếm khi tôi chia sẻ ra ngoài”, chị Thanh trải lòng.

Chị Thanh kể, từng giúp nhiều người nhưng có hai trường hợp chị thấy nhiều kỷ niệm đáng nhớ nhất. “Tôi nhớ cách đây gần 10 năm, một cậu tôi không tiện nói tên rơi vào nghiện ngập ma tuý sau đó vợ chồng bỏ nhau. Thế nhưng cậu ấy cũng cố gắng cai nghiện, bản tính cậu ấy lại rất tốt. Tôi xin cho cậu ấy vào một khách sạn làm với mức lương khi đó là 7 triệu đồng nhưng sau cậu ấy sợ liên luỵ tới tôi nên không làm nữa.

Sau tôi nghĩ không giúp đỡ cậu ấy thì không ai giúp được nữa. Thế rồi tôi đưa ra quyết định bảo cậu ấy về cửa hàng tôi làm. Ban đầu chồng con tôi cũng lo sợ vì cậu ấy nghiện nhỡ lên cơn làm chuyện gì thì khó nói trước. Để cai ma túy, mỗi lúc trước khi làm cậu ấy uống cả cốc rượu. Sau này cậu ấy cũng cai được nghiện và tu chí làm ăn. Làm được vài năm thì xin ra ngoài làm cho một nhà hàng với mức lương ổn định và lập gia đình”, chị Thanh vui vẻ kể,

Trường hợp khác là cậu bé 16 tuổi nhà ở Nghi Tàm, Tây Hồ bị mắc bệnh tự kỷ hiện đang làm cho chị Thanh. Bố mẹ cậu bé có quen biết nên đã đưa sang nhờ chị giúp đỡ con trai mình. Những ngày đầu cậu bé này nói lắp, không biết gì. Thế nhưng trải qua thời gian dạy bảo, giờ cậu bé đã trưởng thành hơn và bệnh cũng thuyên giảm nhiều.

Vợ chồng ông Vũ Tiến, người thành lập tổ gia đình trẻ em mồ côi “xa mẹ”.

“Các con của tôi thì dành thời gian học tập, công việc của tôi cũng bận suốt ngày ở tiệm bánh. Cậu bé làm cùng nên tôi có thời gian chỉ bảo nhiều hơn. Cậu cũng biết nghe lời tôi rất nhiều, đôi chút còn nướng bánh cháy nhưng không sao dần dần cậu ấy cũng đã tiến bộ hơn trước rất nhiều”, chị Thanh vui vẻ nói.

Chia sẻ với chúng tôi, ông Vũ Tiến, người cùng vợ sáng lập Tổ bán báo Xa mẹ (hiện là Gia đình trẻ em mồ côi “xa mẹ”) cho biết, đến nay mái ấm này đã hoạt động được 30 năm, có hơn 600 em được nuôi dạy trong suốt những năm qua. Hơn 500 người trong đó đã trưởng thành, có nghề nghiệp ổn định. Hơn 300 người đã lập gia đình, có cuộc sống hạnh phúc.

Ai cũng vui mừng cho mối nhân duyên này.

“Lý do tôi muốn mở ra chương trình nhân đạo này vì trước đây tôi cũng là trẻ lang thang, trưởng thành từ trẻ lang thang. Tôi muốn những điều tốt đẹp nhất đến với các cháu, trong đó có vợ chồng Thanh và Phú. Hồi đó các cháu vào đi bán báo, lãi báo hạch toán cho từng cháu, lỗ tôi chịu, bán báo ế tôi chịu nhưng tiền lãi là lại có kế toán lập sổ tiết kiệm cho từng cháu.

Số tiền tiết kiệm này kế toán giữ để các cháu giúp đỡ gia đình. Việc tổ chức bán báo là cách giáo dục làm ăn, biết buôn bán lỗ lãi, lãi được hưởng, lỗ tôi chịu, quần áo được cấp, dạy chữ cho các cháu. Trải qua 30 năm hoạt động, mái ấm này đã có nhiều người nên duyên vợ chồng. Hằng năm các cháu đều tụ hội về vào mùa hè nhằm mục đích cho con cái biết về cội nguồn, biết bố mẹ vất vả vươn lên. Ngày 16 tháng Giêng âm lịch hằng năm mọi người cùng gặp mặt để anh em biết tình hình của nhau”, ông Tiến chia sẻ thêm.

Copy Link
Chia sẻ

Bài viết Định Nguyễn

Được quan tâm

Tin mới nhất
Hồ Ngọc Hà lại 'nóng bỏng tay'
Top 30 biệt đội KOLS nhí 2024 bùng nổ visual
Trải Nghiệm Sân Chơi Băng Tuyết Độc Đáo Giữa Lòng Thành Phố