Mấy ngày nay, từng đợt gió lạnh cắt da thịt liên tục thốc vào túp lều xập xệ rộng chưa đầy 10m2 ở dãy chợ đầu mối Long Biên, phường Phúc Xá, quận Ba Đình, Hà Nội của vợ chồng Dương Đức Hùng (75 tuổi) và bà Phạm Thị Bích (64 tuổi).
Túp lều cũ nát ông bà thuê với giá 600 nghìn đồng/tháng được nhiều người mệnh danh là "đệ nhất" xập xệ ở khu chợ Long Biên này. Mỗi khi mưa thì đồ đạc trong nhà đều ướt sũng, ngày nắng thì oi bức, ngày giá rét thì lạnh thấu da thịt.
Chỉ vào căn nhà chỉ cao hơn 1 mét, ông Hùng kể về cuộc sống của hai vợ chồng. Vốn là người quê ở huyện Khoái Châu, Hưng Yên nhưng vì cuộc sống ở quê khó khăn nên vợ chồng ông ra Hà Nội sinh sống.
Họ chọn địa điểm mưu sinh quanh khu chợ Long Biên và một số chợ trên địa bàn Hà Nội, với nghề nhặt rác, phế thải. Không con cái, hai ông bà chỉ biết dựa vào nhau sống qua ngày.
"Lấy nhau hơn 40 năm, hai vợ chồng tôi tuy nghèo khó nhưng luôn chăm lo cho nhau. Cả hai mong muốn có được mụn con cho vui cửa vui nhà nhưng năm tháng cứ trôi mà ước muốn vẫn không thành. Cuộc sống ở quê đói khổ nên hai vợ chồng kéo nhau lên Hà Nội sinh sống cho đến tận bây giờ", ông Hùng kể lại.
Ngồi co ro nấu cơm ông Hùng kể, vợ chồng ông đã sống tại "khu ổ chuột" hơn 20 năm nay. "Trước đây còn khoẻ thì làm đủ nghề, giờ tuổi già rồi chỉ đi nhặt được phế liệu thôi", ông Hùng nói.
Mỗi ngày, hai vợ chồng chia nhau đi khắp ngõ ngách Hà Nội nhặt ve chai bán lấy vài chục nghìn mua cơm. Những ngày rét đậm gần đây, ít đồ nhặt nên ông bà cũng chẳng buồn đi làm nữa. Túp lều nhỏ chưa đầy 10m2 được chia làm 2 phần, nửa diện tích được dùng để đựng phế liệu ông bà đi nhặt về, một lối đi nhỏ là nơi sinh hoạt chung, ăn uống, ngủ nghỉ của ông bà.
Tiếp lời chồng, bà Bích (vợ ông Hùng) vừa nói vừa xoa hai tay với nhau cho bớt lạnh. "Để mưu sinh, nhiều hôm chúng tôi phải nhặt phế liệu suốt đêm nhưng hôm nhặt nhiều nhất cũng chỉ được 50.000 đồng mua cơm", bà Bích nói.
Bà kể, những ngày trời rét cắt da cắt thịt chỉ đi được một lúc, phần vì sức khoẻ yếu, phần vì phế liệu cũng không còn mà nhặt. "May mắn là không chết rét ngoài đường", bà thở dài, tự cảm thấy may mắn vì còn túp lều bừa bộn để tránh rét, còn hơn lang thang ngoài đường trong cái lạnh thấu xương về đêm.
Cứ thế, hai vợ chồng ông Hùng, bà Bích dựa vào nhau mà sống. Ngày không kiếm được gì thì cố nhịn đói, ngày kiếm được nhiều phế liệu thì có tiền mua cơm. Mong ước lớn nhất của cặp vợ chồng già này, chính là được hỗ trợ ít gạo để nấu cơm, nuôi hai, ba chú chó sống qua ngày.
Cách túp lều xập xệ của vợ chồng bà Bích không xa là căn phòng bừa bộn của bà Kim Thị Thành (70 tuổi). Tuổi đã cao nhưng bao năm qua bà Thành vẫn lận đận một mình đi nhặt rác kiếm sống qua ngày.
"Mấy ngày nay trời rét quá, ra đường rét cóng tay, chẳng nhặt được gì nên về sớm. Về được nhà là tốt rồi, căn phòng nhỏ nhưng ở lâu cũng quen. Hàng ngày lọ mọ bới từng đống rác trong chợ, kiếm từng chai lọ, túi nilon thu gom lại để bán nên tôi chỉ đủ tiền ở đây thôi. Âu cái số đã vận vào mình rồi", bà Thành ngán ngẩm.
Cùng chung cảnh ngộ giá rét, mẹ con bà Đỗ Thị Thanh Hà (57 tuổi) đang thuê trọ trong khu trọ lụp xụp dưới chân cầu Long Biên. Bà Hà làm nghề bán cháo trên phố cổ nhưng những ngày qua giá rét, bà không bán được hàng, phải thường xuyên mang về nhờ người dân trong xóm ăn hộ.
Bà Hà có hai người con. Cô con gái lớn đã lấy chồng, sinh con nhưng vẫn cậy nhờ bà nuôi. Trước đây, bà đi chợ bán cháo hàng ngày còn lo được cho cháu. Những khi trời rét, không có tiền, bỉm sữa của cháu bà nói không biết trông cậy vào đâu.
"Mấy hôm nay trời lạnh, tôi bán từ 1h đến 6h sáng để vớt vát được đồng nào hay đồng đó. Đợt vừa rồi thì ảnh hưởng do dịch COVID-19 phải nghỉ chợ, giờ lại gió rét không ai ăn nhiều", bà Hà vừa nói vừa chỉ vào nồi cháo đang nấu.
Vừa chơi với cháu, vừa trùm chăn kín mít trong phòng, bà Lĩnh kêu than: "Tôi thấy chưa năm nào khó khăn như năm nay, mấy năm trước đi làm còn đủ ăn. Năm nay vừa dịch bệnh, vừa rét thế này đói lắm".
Đi bán hàng ở chợ Long Biên từ 21h đêm đến 3, 4h sáng hôm sau, có những ngày bà không bán được gì. Vì con vì cháu, nhiều hôm bà đi suốt đêm, rét căm căm nhưng vẫn phải chịu. Khó khăn, vất vả mưu sinh là vậy nhưng bà vẫn cố gắng bám trụ để kiếm tiền thuê trọ, nuôi cháu.
"Không có ăn thì đầu gối phải bò, mỗi lần đi làm về nhà thấy nụ cười của cháu, rồi có đêm về sớm bà cháu ôm nhau ngủ, rét mấy cũng chịu được", bà Lĩnh chia sẻ thêm.