Với kinh phí lên tới 300 tỷ đồng, trong năm 2015 đơn vị thi công sẽ sửa chữa, thay thế nhiều bộ phận nhằm gia cố công trình lịch sử đã vắt qua 3 thế kỷ. Trong đó công đoạn cạo gỉ sắt, sơn lại các dầm cầu được chú trọng. |
Bốn chiếc máy nén khí được chuyển từ Công ty đường sắt Thanh Hóa ra tạo thành 4 mũi, dùng để bơm cát áp lực cao cạo gỉ sắt dưới dầm cầu. |
Cát được đơn vị thi công lấy từ Bắc Giang, Bắc Ninh, thậm chí là dưới sông Hồng theo tiêu chuẩn phun tẩy gỉ. Ông Trung – một công nhân – cho biết, tùy khối lượng công việc mỗi ngày đơn vị dùng từ 6 đến 10 m3 cát (phun được khoảng 200 m2 bề mặt). |
Những hạt cát được đưa vào máy lọc để trộn, hạt mịn sẽ được loại bỏ. Từ đây tiếp tục thông qua một đường ống để đưa cát vào máy nén khí. |
Ông Nguyễn Quang Long, Phó giám đốc Công ty đường sắt Hà Hải, đơn vị quản lý tuyến đường sắt chạy qua cầu Long Biên cho biết, công nghệ phun cát áp lực cao cạo gỉ sắt đã được nhiều nước trên thế giới áp dụng. "Với những công trình lớn như cầu Long Biên, phải áp dụng công nghệ này mới nhanh chóng sửa xong", ông Long nói. |
Ông Lê Văn Hiên (Công ty Đường sắt Thanh Hóa) cho biết, mỗi ngày máy nén khi sử dụng khoảng 10 lít xăng dầu. |
Tại các vùng cạo gỉ sắt, đơn vị thi công rào chắn tôn để bụi bặm ít ảnh hưởng đến sinh hoạt của người dân xung quanh. |
Một đường ống dài được nối thẳng từ máy nén khí tới công trường. |
Bên trong sẽ có một công nhân đeo mặt nạ, găng tay, quần áo bảo hộ cầm ống bơm cát vào nơi gỉ sét. |
Cây cầu trăm tuổi đang trở thành đại công trường với nhiều bụi bặm. Ông Nguyễn Xuân Thành, Tổng chỉ huy công trường cho biết: "Việc phun cát không tránh khỏi bụi, chúng tôi sẽ cố gắng hạn chế tối đa ảnh hưởng đến người dân". |
Ngay sau đó dầm cầu sẽ được sơn màu, đem lại diện mạo, độ an toàn hơn cho các cấu kiện thép. "Với việc đưa nhiều công nhân vào làm việc, chúng tôi sẽ nhanh chóng tu sửa xong cầu Long Biên trước tháng 12/2015", ông Thành nói. |